Hiện giá cỏ linh lăng ba lá (alfalfa), loại thức ăn phổ biến cho bò đã gần đạt mức 200 USD mỗi tấn, tăng 30 USD so với thời điểm này của năm ngoái và là mức giá cao nhất kể từ năm 2018. Điều này đang khiến các quan chức ngành chăn nuôi đang hết sức lo lắng.
"Khi chi phí thức ăn chăn nuôi đang tăng nhanh như những gì chúng ta đang chứng kiến, người chăn nuôi sẽ có xu hướng bỏ đói, không đủ nguồn lực để tiếp tục mua thức ăn cho vật nuôi", Giám đốc Cục Kiểm soát Động vật quận Twin Falls, Jordan Kunkel cho biết.
Theo ông Kunkel, có thể bạn sẽ nhìn thấy người nuôi bỏ rơi chúng hoặc mở cửa chuồng để cho động vật đi lang thang tìm kiếm thức ăn vì hết vốn. Điều này có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực, bao gồm nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa gia súc, thiệt hại về tài sản công cộng và mất an ninh trật tự giao thông...
“Đến ngay cả các chủ trang trại chăn nuôi bò sữa trường vốn cũng đang lo ngại về chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao. Nếu cứ đà này, họ cũng sẽ phải tìm cách bán bớt đàn bò của mình”, ông Kunkel chia sẻ.
Giám đốc điều hành (CEO) của Hiệp hội sữa bang Idaho, ông Rick Naerebout thì cho biết: “Nếu tôi phải trả nhiều tiền hơn để cho đàn bò sữa đủ thức ăn, so với lợi nhuận mà tôi có thể nhận được từ lượng sữa mà chúng sản xuất ra, thì việc tiếp tục theo đuổi nghề này rõ ràng là không hợp lý”.
Đại diện Hiệp hội sữa Idaho nói thêm: “Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng sẽ tác động đến tương lai gần của ngành, do các nhà sản xuất sữa đang tìm cách rời khỏi nghề vào một thời điểm nào đó. Tôi dám chắc rằng, tình cảnh hiện tại có thể là chất xúc tác ví như ‘giọt nước tràn ly’ khiến họ quyết định phải làm gì. Có lẽ đây sẽ là năm để chúng ta nghỉ hưu”.
Theo ông Naerebout, tin tốt duy nhất còn lại cho đến lúc này đang phần nào neo giữ niềm tin về khả năng phục hồi của những người chăn nuôi bò sữa địa phương là có vẻ như cả giá sữa và pho mát đều thực sự “không thay đổi nhiều” trên các kệ siêu thị, cửa hàng.
Các chuyên gia cho rằng, hiện giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Mỹ đang cao nhất trong vòng một thập kỷ qua và cái khó của năm nay là do nguồn cung bị giảm đáng kể, cộng với hạn hán ở nhiều vùng của vành đai ngô và giá dầu tăng đáng kể.
Giá ngô và khô đậu tương năm nay đã ở mức cao nhất trong thập kỷ qua. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này bắt nguồn từ năm 2019, khi ngô và đậu tương chuyển trên thị trường giảm đáng kể do xuống giống muộn dẫn đến năng suất kém.
Ngoài ra điều kiện sản xuất ở Brazil cũng là một yếu tố tác động, làm xói mòn nguồn cung cấp chuyển tiếp vì trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm protein, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi luôn chiếm hơn 50% chi phí.
Tại Mỹ trong thời gian qua nhiều nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã lên tiếng, bày tỏ mối quan tâm lâu dài về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như khả năng của nông dân trong việc tiếp tục cung cấp các nguyên liệu dùng làm thức ăn chăn nuôi trên cơ sở hiệu quả về chi phí. Dự báo, cùng với giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống đều tăng phi mã như hiện nay thì sé có khoảng 70% đất nông nghiệp sẽ được đổi chủ trong vòng 15 năm tới.
Điều này có nghĩa là thế hệ nông dân tiếp theo cần phải kiểm soát và tiếp tục sản xuất các loại cây trồng mà chúng ta cần để nuôi gia súc và cung cấp nguyên liệu cho việc tạo ra các nguồn trứng, thịt, sữa cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các chuyên gia thực sự lo ngại rằng chúng ta tiếp tục hạ thấp mực nước ngầm và 10 năm nữa sẽ có những thách thức đáng kể đối với nguồn cung cấp nước.
Hiện một số khu vực của Mỹ đang phải đối mặt với căng thẳng về nguồn nước tưới một cách đáng báo động. Những khu vực này bao gồm các bang Nebraska, Colorado, California, Delaware, Ohio, Virginia, Bắc Carolina, Arkansas và toàn bộ miền Tây Nam.