| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ Đồng Nai gặp khó mặt bằng sản xuất!

Thứ Năm 05/03/2020 , 12:17 (GMT+7)

Là địa phương sản xuất, chế biến gỗ lớn, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ tỉnh Đồng Nai đang gặp khó về mặt bằng để mở rộng sản xuất…

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn làm việc với Dowa. Ảnh: Minh Sáng.

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn làm việc với Dowa. Ảnh: Minh Sáng.

Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), đến nay Dowa đã phát triển được 60 hội viên chính thức là những doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh ngành gỗ, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ và các ngành nghề hỗ trợ. Hiệp hội cũng định hướng ngành chế biến gỗ của tỉnh là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đầu năm 2020, Dowa đã tổ chức hội chợ ngành gỗ của tỉnh Đồng Nai quy tụ gần 50 DN tham gia trưng bày gian hàng, góp phần thành công cho sự kiện lễ giỗ tổ ngành gỗ với sự chung tay của các hiệp hội gỗ trên cả nước.

Cho dù tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang có nhiều thuận lợi, nhưng khó khăn lớn nhất đối với các DN hiện nay đó là về vấn đề mặt bằng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quý, thành viên của Dowa cho biết: “Những năm qua, việc xuất khẩu các sản phẩm gỗ đang gặp nhiều thuận lợi, đơn hàng dồi dào nên chúng tôi rất mong muốn được mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, để tìm được mặt bằng đáp ứng nhu cầu này đang gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nếu xây dựng được cụm công nghiệp chuyên về chế biến gỗ sẽ góp phần giải quyết được rào cản khó khăn này của các doanh nghiệp”.

Theo ông Quý, đặc thù của ngành gỗ đòi hỏi cao về công tác phòng cháy, chữa cháy, do đó khi xây dựng cơ sở hạ tầng cho cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ nhà đầu tư sẽ chú trọng tốt hơn cho hệ thống này. Đồng thời, cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các DN thực hiện quy định của Nhà nước về môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

Các doanh nghiệp gỗ rất mong muốn được mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Các doanh nghiệp gỗ rất mong muốn được mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Chủ tịch Hiệp hội, ông Lê Xuân Quân chia sẻ: “Điều mà Dowa trăn trở nhất hiện nay là chưa tìm được quỹ đất để xây dựng khu triển lãm, khu công nghiệp tập trung dành riêng cho ngành gỗ.

Chính điều này đã làm hạn chế sự phát triển của ngành gỗ Đồng Nai. Do vậy, mong muốn của hiệp hội và các DN thành viên, trong thời gian tới Chính phủ và tỉnh Đồng Nai cần nghiên cứu, quy hoạch một khu công nghiệp chuyên ngành gỗ”.

Theo ông Quân, với chủ trương “Kéo thế giới gỗ về với Đồng Nai”, hiệp hội cũng đang mong muốn xây dựng một trung tâm triển lãm, phân phối gỗ lớn cho cả nước và các nước trong khu vực nhằm thu hút các nhà mua hàng thế giới; đồng thời giúp các DN gỗ mở rộng thị trường xuất khẩu và khẳng định vị thế của ngành gỗ Việt Nam.

Mới đây, tại buổi làm việc với Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Dowa đã báo cáo về hoạt động sản xuất, kinh doanh và những khó khăn mà các DN thành viên hiệp hội đang gặp phải; đặc biệt về vấn đề thiếu mặt bằng cho sản xuất. Dowa đề xuất cần lập quy hoạch xây dựng KCN tập trung cho ngành gỗ với diện tích khoảng 350-500 ha đất. Đồng thời, Dowa cũng sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng nguyên liệu đến sản xuất và bán sản phẩm.

Cần tháo gỡ khó khăn về mặt bằng để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Cần tháo gỡ khó khăn về mặt bằng để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Đồng Nai là cái nôi chế biến gỗ của cả nước.

“Định hướng đến năm 2025, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch 20 tỷ USD. Là địa phương có đóng góp quan trọng, các doanh nghiệp gỗ Đồng Nai cần phải đẩy mạnh liên kết để tạo được vùng nguyên liệu ổn định và có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của thị trường thế giới” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

So với các địa phương đang phát triển ngành gỗ khác thì ngành chế biến gỗ Đồng Nai đang phát huy được tiềm năng lợi thế, có sự cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa.

Về đề xuất của Dowa, Thứ trưởng đồng tình với ý tưởng nói trên và cho rằng đây có thể là một giải pháp để tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành trong thời gian ngắn.

Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Đồng Nai nghiên cứu, tìm giải pháp để thực hiện. Nếu có KCN tập trung, sức mạnh của ngành gỗ chắc chắn tăng nhanh, mục tiêu 20 tỷ USD sẽ sớm thành hiện thực và Đồng Nai đến năm 2025 có thể vươn tới xuất khẩu gấp đôi hiện nay.

Trao đổi với NNVN, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của địa phương.

Hiện, Đồng Nai cũng là địa phương có kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau Bình Dương.

Do đó, trước những cơ hội đang tăng trưởng, cần nhanh chóng giải quyết vấn đề mặt bằng để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất”.

Theo ông Chánh, ngoài cụm công nghiệp (CCN) Thiện Tân, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn có 6 CCN khác có quy hoạch phục vụ cho nhóm DN sản xuất ngành gỗ, do đó phải thông báo rộng rãi để các DN biết và thuê mặt bằng sản xuất.

Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ quảng bá sản phẩm cần được đẩy mạnh để ngành gỗ phát triển bền vững.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.