| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp đất mỏ vượt khó trong năm 2022

Chủ Nhật 18/12/2022 , 08:55 (GMT+7)

QUẢNG NINH Dù còn gặp nhiều khó khăn, song với nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 5,25% (vượt chỉ tiêu tỉnh giao là 4,5%).

Năm 2022, dù còn gặp nhiều khó khăn như giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, diễn biến thời tiết bất thường, song với nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã đạt mức tăng trưởng 5,25% (vượt chỉ tiêu được giao là 4,5%).

Về lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 63.123 ha, bằng 98,7% so với cùng kỳ, đạt 99,8% so với kế hoạch, sản lượng lương thực ước đạt 221.403 tấn, bằng 98,2% so với cùng kỳ, đạt 100,6% so với kế hoạch.

Vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long) đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long) đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện Quảng Ninh đã cấp 46 mã số vùng trồng và 6 mã số cơ sở đóng gói phục vụ nội tiêu, xuất khẩu. Tỉnh tiếp tục đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh, chuyển dịch cây trồng theo hướng phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

Trong năm nay, hoạt động sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn, nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến việc tái đàn, khôi phục sản xuất. Vì vậy, ngành chăn nuôi đã chủ động phối hợp với các địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô đàn; phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ, áp dụng khoa học công nghệ cao. Tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại ước đạt 106.700 tấn, vượt 4,6% so với kế hoạch tỉnh giao, đạt 99,81% kịch bản tăng trưởng.

Với công tác thú y hiện nay, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, số ổ dịch giảm 90% so với cùng kỳ năm 2021, một số bệnh truyền nhiễm vẫn xảy ra lẻ tẻ, không phát sinh thành dịch. Công tác tiêm phòng được các địa phương chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng, phù hợp với vụ mùa để phòng chống dịch bệnh…. Từ đó, góp phần đưa tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi tăng so với cùng kỳ, ổn định thị trường tiêu thụ và giá bán các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Về lĩnh vực thủy lợi, công tác trực ban, theo dõi và cập nhật thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng tránh, ứng phó đến các địa phương và cơ quan đơn vị được thực hiện tốt. Nguồn nước ở các hồ chứa và các sông, suối đủ đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt, công nghiệp.

Về công tác phát triển nông thôn, trong năm qua, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Số lượng HTX, tổ hợp tác tăng và đa dạng, phù hợp và đáp ứng nhu cầy phát triển kinh tế hộ, số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết tăng trong các năm gần đây.

Nhiều mô hình liên kết điển hình, triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ứng dụng công nghệ cao, tích cực tham gia chuỗi liên kết; củng cố và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP.

Năm 2022, tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại ước đạt 106.700 tấn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 2022, tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại ước đạt 106.700 tấn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của khối Nông nghiêp - Thủy lợi.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, công tác tham mưu còn triển khai chậm; công tác phối hợp giữa các phòng, đơn vị trực thuộc Sở và các địa phương chưa tốt; công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn triển khai chưa tốt đẫn đến trình độ cán bộ chuyên môn chưa đồng đều.

Ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề giữa nhiệm kỳ, là một năm quan trọng với nhiều khó khăn và thách thức. Chính vì vậy, toàn ngành cần hết sức tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2022, tập trung thực hiện các chương trình, đề án, nghị quyết của tỉnh ngay từ đầu năm.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị; rà soát, sửa đổi bổ sung quy hoạch và xây dựng đề án, cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý ngành; thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng (GRDP) khu vực I năm 2022 ước tăng 5,25% (trong đó: nông nghiệp tăng 3,55%, lâm nghiệp tăng 13,19%, thủy sản tăng 5,44%), vượt 0,75 điểm % so với chỉ tiêu kế hoạch; chiếm tỷ trọng 5,5% trong cơ cấu GRDP của tỉnh và theo đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Những kết quả đạt được trong triển khai nhiệm vụ năm 2022 sẽ là tiền đề và động lực để ngành nông nghiệp Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả những mục tiêu đặt ra trong năm 2023.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.