| Hotline: 0983.970.780

Tri thức nghề nông: Hương mật ong đồng ruộng

Thứ Bảy 03/02/2024 , 14:30 (GMT+7)

Những cánh đồng sau mùa gặt, ngoài trả ơn nông dân bằng thóc gạo, còn dâng tặng cho đời thứ quý giá mang tên rơm rạ.

Chị Trần Thị Lanh - đại điền chủ đâu tiên ở quê lúa Thái Bình mua máy cuộn rơm về để giữ rơm rạ từ đồng ruộng. Ảnh: Kiên Trung.

Chị Trần Thị Lanh - đại điền chủ đâu tiên ở quê lúa Thái Bình mua máy cuộn rơm về để giữ rơm rạ từ đồng ruộng. Ảnh: Kiên Trung.

Chị Trần Thị Lanh (thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương) - nữ đại điền đầu tiên ở quê lúa Thái Bình, người vừa mới mua máy bay điều khiển từ xa để phun thuốc trừ sâu, sạ giống… phục vụ hơn 100ha ruộng cấy của hợp tác xã do mình làm Giám đốc, cũng là người đầu tiên mua máy cuốn rơm rạ. Qua điện thoại, chị khoe: “Năm đầu tiên thí điểm cuốn được gần 1 vạn cuộn rơm, bán hết, được khoảng 100 triệu đồng. Tuy mệt nhưng có thêm thu nhập, anh em xã viên vui lắm”.

Đãi "vàng" từ đất

Người Việt Nam, không ai không biết đến bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” của nhà thơ Nguyễn Duy. “Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm/Bà mẹ đón tôi trong gió đêm… /Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ/Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm…”.

Rơm rạ - những phụ phẩm của ruộng đồng, với người dân Việt Nam đã trở thành hình ảnh quá đỗi thân thương, là một phần cuộc sống. Nó góp phần làm nên những bức trình tường của những làng quê Bắc bộ thời nghèo khó, mái tranh, mái rạ liêu xiêu; là đồ đun nấu giúp những căn bếp luôn đỏ lửa, là thức ăn dự trữ cho gia súc, vật nuôi mùa giáp hạt… Những cây rơm, cây rạ cao lêu đêu đứng vững chãi trên một khoảng đất trống của một ngôi nhà là nơi mỗi sớm, chú gà trống cần mẫn, chăm chỉ thức dậy, nhảy tót lên ngọn oai phong vỗ cánh gáy thức mặt trời…

Những cây rơm gắn bó với tuổi thơ người Việt... Ảnh: Kiên Trung.

Những cây rơm gắn bó với tuổi thơ người Việt... Ảnh: Kiên Trung.

Vài chục năm trở lại đây, những hình ảnh ấy đã lùi vào dĩ vãng. Cũng gấp nhiều lần của ngần ấy thời gian, chúng ta không còn phải lấy rơm làm ổ, làm mũ rơm đội đầu… “Hơi ấm ổ rơm” cũng vì thế mà trở thành hoài niệm…

Nhưng, gắn với cây lúa bền bỉ, muôn đời, dù thời nào, không gian nào thì đồng ruộng, mùa vụ vẫn có rơm rạ - một thứ song hành của lúa gạo, của nền nông nghiệp. Chỉ khác nhau, đó là giá trị sử dụng đối với thứ phụ phẩm của nền trồng trọt.

Rơm rạ trong nhiều năm qua trở thành thứ phụ phẩm thừa thãi của ngành nông nghiệp. Có những người trong tư duy đôi lúc vẫn nghĩ nó là… rác của ngành nông nghiệp. Cơ giới hóa ruộng đồng, những cánh đồng không dấu chân người bởi máy móc thay thế cho sức lao động. Lúa gạo trở thành ngành hàng. Trồng cấy là thứ chỉ để lấy lương thực. Người ta chỉ mang đi thóc gạo, còn tất cả để lại ngoài đồng. Rơm rạ, vì lẽ ấy nhiều năm qua đã trở nên xa cách với con người.

Chị Trần Thị Lanh – nữ đại điền quê lúa sinh năm 1975, người vâm váp, chắc nịch như một cây gỗ lớn đang tuổi sung sức. Là phụ nữ nhưng chị Lanh đứng đầu HTX Kinh doanh nông sản Quang Lanh (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình) với hơn 100ha đất canh tác lúa với gần 30 xã viên. Là phụ nữ nhưng chị có khí chất cứng cỏi của một thủ lĩnh, bởi chị là một đại điền chủ thực chất, một trong số ít những người dám đứng lên làm bạn với ruộng đồng giữa thời điểm người ta quay lưng lại với nông nghiệp, để đồng đất bỏ hoang…, dám cả đêm lái máy cày để làm đất.

Mỗi năm, 100ha lúa của chị Lanh thải ra số lượng rất lớn rơm rạ - thứ mà người ta từng nghĩ là dư thừa, đổ bỏ, bởi chỉ làm vướng chân, là thứ cản trở, phát sinh thêm việc cho máy móc. Vụ thu hoạch lúa mùa năm 2023, chị Lanh đứng ra lập dự án vay vốn ngân hàng để đầu tư mua máy móc nông nghiệp với số tiền trên 1 tỷ đồng. Trong số những máy móc mà chị mang về, có chiếc máy cuộn rơm.

Tuổi thơ sẽ mãi không quên những ký ức thơm mùi rơm rạ... Ảnh: Kiên Trung.

Tuổi thơ sẽ mãi không quên những ký ức thơm mùi rơm rạ... Ảnh: Kiên Trung.

“Đây là máy cuộn rơm đầu tiên của HTX chúng tôi, và cũng là máy cuộn rơm đầu tiên do một đại điền ở Thái Bình đầu tư. Số tiền không lớn, bởi nó là một thiết bị gắn kèm với máy cày, giá chỉ vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi quyết định đầu tư mua máy, tôi cũng cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều” – chị Lanh tâm sự.

Theo chị Lanh, mấy năm trước, Thái Bình đã có máy cuộn rơm, nhưng là máy của tỉnh khác đưa sang. Họ thấy nông dân Thái Bình bỏ lại rơm ngoài ruộng, đến khi chuẩn bị cày đất mới ra đồng gom lại rồi đốt, khói bụi mù mịt tưởng như cháy cả cánh đồng. Thế là họ sang xin không, chỉ bỏ công ra dọn rơm mang về. Nông dân Thái Bình thấy có người sang dọn giúp rơm rác cho mình, không mất phí còn lấy làm mừng…

“Năm đầu tiên thí điểm, thấy đúng là bao nhiêu năm mình đánh rơi “vàng”. Chỉ chú trọng vào việc thu hoạch thóc gạo, thế coi như là xong mà không biết được rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp cũng là một nguồn thu không nhỏ” – chị Lanh tâm sự.

Vụ mùa vừa qua, HTX Kinh doanh nông sản Quang Lanh của chị Nguyễn Thị Lanh cuộn được gần 1 vạn cuộn rơm, bán với mức giá trung bình 16 ngàn đồng/cuộn, thu thêm được khoảng 100 triệu đồng. “Có thêm công việc, nguồn thu cho xã viên, thế cũng mừng, em ạ” – chị thật thà.

Hương mật ong đồng ruộng

Thu hoạch, tái sử dụng các phụ phẩm của ngành nông nghiệp, đối với các tỉnh miền Bắc có lẽ còn là mới mẻ. Thế nhưng, các tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo, rơm rạ từ lâu đã là một nguồn thu lớn của nông dân.

Ông Trần Văn Triệu (ấp 6, xã Vị Tân, TP Vị Thanh) - một nông dân giỏi của vựa lúa Hậu Giang từ lâu đã sử dụng rơm rạ như là một nguyên liệu quan trọng đầu vào của một quy trình sản xuất khác. Rơm rạ của nhà mình, ông Triệu thu hoạch, cất trữ để dùng cho cả năm, tiếp đó ủ hoai để chất nấm.

Vẻ đẹp bình yên của ruộng đồng... Ảnh: Kiên Trung.

Vẻ đẹp bình yên của ruộng đồng... Ảnh: Kiên Trung.

Xưởng sản xuất nấm rơm của ông Triệu rộng chừng 200m2, tươm tất, bài bản, sạch sẽ ngay bên hông nhà, thuận tiện cho việc chăm sóc. Nấm của ông sản xuất ra là loại rau sạch, mọi người đến tận nhà để mua, không cần mang đi rao bán. Hết một lứa nấm, bã nấm rơm tiếp tục được ông ủ hoai làm phân bón trồng hoa, cây cảnh. Một chu trình khép kín, vòng đời của rơm rạ tưởng như đã khép lại ở giai đoạn này, nhưng lại được mở ra ở ngay giai đoạn kế tiếp…

“2ha lúa của nhà không đủ rơm để làm nấm, tui phải mua thêm bên ngoài. Một cuộn rơm chừng 40kg giá mua chừng 30 – 40 ngàn đồng, tùy từng thời điểm. Nhà nông, rơm rạ quý lắm, không có nó thì không làm nấm, không làm nấm thì không có phân hữu cơ để trồng cây cảnh. Mà chú coi, rơm rạ mục là phân hữu cơ rất quý, lại quay trở lại cải tạo đất nghèo, giúp đất luôn tơi xốp, giảm được phân bón hóa học, bớt đi được chi phí sản xuất, lợi đủ đường” – ông Triệu chậm rãi lý giải, rồi tường tận chỉ tôi xem những giò nấm rơm treo tòn ten trên những chiếc móc sắt trổ xuống từ chiếc lán có tấm bạt làm mái để giữ đủ độ ẩm, ánh sáng… cho nấm phát triển, trông đẹp đẽ như những tổ ong.

Bàn tay ông Triệu to bản, những ngón tay to, thô ráp, dài hơn so với những người bình thường. Bàn tay của những nông dân miền Tây, bám ruộng bám đồng, làm bạn với rơm rạ bao nhiêu mùa vụ, khi nào và bao giờ cũng thô rám nhưng đầy nồng hậu…

Trên những con kênh đào dọc ngang vùng sông nước miền Tây, thời điểm thu hoạch lúa không khó để bắt gặp những chiếc ghe lặc lè chất đầy rơm. Những cuộn rơm to, tròn, thơm phức mùi lúa mới, có cả mùi nắng gió, có cả mùi nồng nồng của những cây rơm tươi do bị chất thành từng đống trong mấy ngày đã kịp lên men…

Nông dân miền Tây giờ có thêm nghề mới - nghề thu mua rơm mùa gặt. Ảnh: Kiên Trung.

Nông dân miền Tây giờ có thêm nghề mới - nghề thu mua rơm mùa gặt. Ảnh: Kiên Trung.

Khi rơm rạ trở thành nguyên liệu, được tái sử dụng, vùng sông nước miền Tây có thêm nghề mới - nghề buôn bán rơm rạ.

Trên con kênh ở ấp Vị Thủy (xã Vị Tân, TP Vị Thanh), tôi bắt gặp một chiếc ghe đang vội vã chuyển rơm. Những cuộn rơm to, căng tròn được chất đống bên khu đất trống. 3 – 4 người đàn ông da rám nắng miệt mài vác rơm lên ghe. Họ xếp khéo léo những cuộn rơm rừ dưới lên trên, giăng kín xung quanh thuyền tạo thêm những khoảng rộng để chất được nhiều rơm hơn.

“Một cuộn rơm tươi chừng 40 kí lô người bình thường cũng vác được. Ghe này sẽ xuôi ra kênh Xáng Xà No, đổ cho mối” – một người đàn ông vác cuộn rơm thoăn thoắt di chuyển trên chiếc ván gỗ bắc ghếch một đầu lên ghe, giải thích. Nhìn từ xa, chiếc ghe chất đầy rơm tươi lặc lè như một con cào cào mũm mĩm, nhìn xa hệt như một chiến thuyền ngụy trang bằng rơm rạ mà Gia cát Khổng Minh bày ra để lấy đủ 1 vạn mũi tên trong một lần đầu trí thuở Hán – Ngô tranh hung trong dã sử…

Những háo hức của nông dân, những ứng xử của họ đối với rơm rạ - thứ mà một thời gian người ta vô tình coi nó là… rơm rác, nay đã đổi khác. Nó giúp nối lại khoảng cách mà trước kia, với con người, rơm rạ vốn rất thân tình.

Một chiếc ghe chở rơm ở TP Vị Thanh (Hậu Giang). Ảnh: Kiên Trung.

Một chiếc ghe chở rơm ở TP Vị Thanh (Hậu Giang). Ảnh: Kiên Trung.

Chị Trần Thị Lanh – đại điền chủ quê lúa nói với tôi bằng giọng chân thật: “Mình mới làm nên chưa có nhiều kinh nghiệm, còn phải học hỏi thêm, như phân loại rơm được nắng, có mùi thơm, chất lượng tốt hơn để chăn nuôi gia súc, nuôi bò. Những loại chất lượng kém hơn, gặp mưa, dính đất bùn để ủ trồng nấm, làm phân hữu cơ…

Ngay như đồng đất ngoài Bắc, vụ thu hoạch lúa mùa tiếp đến là vụ đông, có thời gian dài hơn, đất khô hơn nên thu hoạch rơm thư thả hơn. Vụ chiêm xuân liền với vụ hè thu, lại đúng mùa mưa nên chất lượng rơm sẽ khác. Quan trọng nhất là những cánh đồng sẽ không còn khói đốt đồng. Rơm rạ không bị coi là thứ yếu, mà nó là một giá trị nếu biết sử dụng đúng mục đích…”.

Thế mới thấy, những người đã từng được hơi ấm ổ rơm bao bọc sẽ cảm nhận hơn bao giờ hết những ấm áp của ruộng đồng. “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/Trong hơi ấm nhiều hơn chăn đệm/Của những cọng rơm xơ xác gày gò…” – thơ Nguyễn Duy.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.