Vinamilk "xông đất"
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Vinamilk cho biết: 10 container sản phẩm sữa hạt cao cấp (gồm sữa hạt đậu nành hạnh nhân và đậu đỏ) của Vinamilk xuất đi hồi đầu tháng 1/2021 đã cập cảng và bắt đầu lên kệ chuỗi cửa hàng tiện lợi tại thị trường lớn nhất thế giới này.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của thị trường, sản phẩm đã được Vinamilk đầu tư thiết kế bao bì và quy cách đóng gói mới lạ, phù hợp để làm quà tặng, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp đến tại Trung Quốc.
Ngoài ra, một lô hàng gồm 5 container sản phẩm sữa đặc có đường cũng đang được Vinamilk tích cực đẩy mạnh sản xuất để kịp lên đường “xuất ngoại” trước Tết Tân Sửu.
Cũng theo bà Bùi Thị Hương, trước đó vào tháng 4/2020, Vinamilk cũng đã xuất khẩu lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc và được thị trường nước bạn tiếp nhận một cách tích cực.
Vừa qua, Vinamilk mới có thêm một nhà máy được cấp mã xuất khẩu cho sản phẩm sữa xuất khẩu đi Trung Quốc bao gồm sữa tươi và đồng thời được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Organic của Trung Quốc.
Điều này góp phần mở rộng cơ hội kinh doanh cho các nhóm sản phẩm thế mạnh và cao cấp của Vinamilk tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới.
Hiện nay, Vinamilk đang kinh doanh đa dạng các chủng loại sản phẩm như sữa chua, sữa đặc, sữa hạt và nước giải khát tại thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ thông tin tích cực về thị trường xuất khẩu sữa tại Trung Quốc, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk cho biết: Cuối năm 2020, Vinamilk đã xuất sữa hạt sang thị trường Trung Quốc để thăm dò thị trường và giới thiệu đến người tiêu dùng.
Với những phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng, đầu năm nay, Vinamilk đã nhận được đơn hàng lớn từ đối tác cho dòng sản phẩm này.
Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng nhưng cũng rất cạnh tranh, vì vậy Vinamilk sẽ có những bước đi thận trọng và chắc chắn để phát triển hiệu quả thị trường này.
Theo ông Hiếu, năm 2020 ngành sữa trong đó có Vinamilk gặp nhiều thách thức lớn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị tốt, nhạy bén với các cơ hội mới và chiến lược kinh doanh phù hợp đã giúp Vinamilk vững vàng ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Năm qua Vinamilk đã ký thành công hợp đồng xuất khẩu sữa bột trẻ em trị giá 20 triệu đô-la đi Trung Đông ngay đầu năm 2020; là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sữa vào các quốc gia EAEU (Liên minh Kinh tế Á Âu) và liên tiếp ghi nhận tin tức tích cực về xuất khẩu đến các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á…
Với những nỗ lực đó, doanh thu kinh doanh quốc tế của Vinamilk năm 2020 đạt trên 240 triệu USD, tăng trưởng trên 8% so với 2019, cao hơn so mức tăng trưởng 5.1% của xuất khẩu cả nước.
Trong thời gian tới, bên cạnh khai thác các thị trường thế mạnh như Trung Đông, Đông Nam Á, Mỹ… Vinamilk vẫn đang tích cực phát triển các thị trường tiềm năng mới như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia mới tại khu vực Châu Phi. Tính đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch đạt hơn 2,4 tỷ USD.
Nhu cầu sữa của Trung Quốc sẽ tăng tới 45%
Trung Quốc là nước sản xuất sữa hàng đầu thế giới, nhưng lại là nước nhập khẩu lớn nhất sữa và các sản phẩm từ sữa.
Năm 2019, sản lượng sữa của Trung Quốc là 32,01 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm 2018. Với sản lượng như trên, Trung Quốc đang đứng thứ 3 trong những nước sản xuất sữa trên thế giới.
Tuy nhiên, sản lượng sữa ở Trung Quốc vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nội địa với 1,4 tỷ người và nhu cầu sử dụng sản phẩm sữa đang tăng nhanh chóng.
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa ở Trung Quốc đang tăng mạnh, trước hết là chủ trương của Chính phủ Trung Quốc về cải thiện sức khỏe, thể trạng, chiều cao… của người Trung Quốc kể từ thập niên 1980 đến nay.
Bên cạnh đó, nhờ thói quen ăn uống của người dân Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, tốc độ đô thị hóa cao, chính sách 1 con đã được gỡ bỏ và chuỗi cung ứng lạnh được mở rộng trên toàn quốc.
Năm 2012, mỗi người dân Trung Quốc tiêu thụ bình quân 6,39 kg sữa/năm. Đến 2020, dự kiến đã tăng lên tới 28 kg sữa/người/năm và sẽ đạt 41 kg sữa/người/năm vào 2030. Theo dự kiến của FAO, nhu cầu sữa ở thị trường Trung Quốc sẽ tăng tới 45% đến năm 2025.
Với nhu cầu tăng nhanh như trên, dự kiến đến 2022, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa lớn nhất thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tổng doanh số của thị trường sữa nước này hiện vào khoảng 60 tỷ USD.
Do sản lượng trong nước không đáp đứng đủ nhu cầu, mỗi năm, Trung Quốc phải nhập khẩu sữa với khối lượng và giá trị lớn.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 2,74 triệu tấn sữa, trị giá gần 11 tỷ USD. Năm 2019, ước tính Trung Quốc nhập khẩu khoảng 3,9 triệu tấn sữa, trị giá khoảng 12 tỷ USD.
Trong đó, sữa bột chiếm tới gần 70% lượng sữa nhập khẩu vào Trung Quốc. Sữa bột nhập khẩu gồm sữa bột giành cho trẻ em, sữa bột nguyên liệu…
Mở thêm nhiều nhà máy sữa xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo Cục Thú y, kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 4/2019 đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp Mã giao dịch cho phép 7 công ty/nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu một số sản phẩm sữa vào thị trường Trung Quốc.
Trong đó bao gồm TH True Milk (sản phẩm sữa tiệt trùng và sữa biến đổi); Hanoimilk (sữa lên men); Công ty Bel Việt Nam (các loại phô mai khác); Nutifood (sữa tiệt trùng, sữa biến đổi và sữa lên men bổ sung hương vị); và 3 nhà máy của Vinamilk (Nhà máy Sữa Thống Nhất với sản phẩm sữa đặc, Nhà máy Sữa Sài Gòn với sản phẩm sữa lên men bổ sung hương vị, Nhà máy Sữa Trường Thọ với sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác).
Cục Thú y đã và đang tập trung hướng dẫn và hỗ trợ thêm 9 nhà máy sản xuất sữa của Việt Nam nộp hồ sơ cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt (bao gồm 6 nhà máy của Vinamilk, 1 nhà máy của Mộc Châu Milk, và 2 nhà máy của Cô gái Hà Lan).
Cuối năm 2020, Cục Thú y đã tham mưu lãnh đạo Bộ NN-PTNT có Công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị cấp phép thêm cho một số nhà máy sữa của Việt Nam đã nộp hồ sơ và đáp ứng yêu cầu.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (ngày 8/12/2020), phía Trung Quốc đã hứa sẽ chấp thuận thêm một số nhà máy sữa đạt yêu cầu của Việt Nam.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nhằm đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường sữa của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, năm 2020, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện “Ngày sữa Việt Nam tại Trung Quốc”, đồng thời dự kiến sẽ tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm sữa Việt Nam tại một hội chợ lớn về thực phẩm của Trung Quốc…
Mặc dù vậy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động này đã tạm thời bị hoãn lại. Thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ tiếp tục đề xuất Bộ NN-PTNT ưu tiên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm sữa của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Công nghệ chế biến sữa top đầu Đông Nam Á
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2020 Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng sữa sang thị trường Trung Quốc đạt giá trị trên 270 triệu USD.
Theo ông Chinh, hiện Việt Nam có 5 đơn vị, trong đó có các doanh nghiệp lớn như TH True Milk, Vinamilk và Nutifood... đã được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch.
Với tới nay việc có cả mặt hàng sữa hạt, sữa động vật, sữa đặc đều đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là nỗ lực rất lớn của Bộ NN-PTNT và đặc biệt là các doanh nghiệp nối tiếp từ lô sữa đầu tiên năm 2020.
“Việc ngày càng có thêm nhiều công ty được xuất khẩu sữa chính ngạch ngoài ý nghĩa về doanh số, doanh thu ra nó còn thể hiện doanh nghiệp Việt đã đáp ứng tốt được yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn từ phía các nước nhập khẩu khác nhau. Và thực tế, hiện nay Việt Nam tự tin là quốc gia có công nghệ chế biến sữa thuộc top đầu Đông Nam Á", ông Chinh nhấn mạnh.
Ông Chinh chia sẻ, đúng ra năm nay lô sữa trên sẽ xuất khẩu được sớm hơn, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia Trung Quốc không sang được Việt Nam đúng như kế hoạch, sau đó bằng nhiều kênh ngoại giao và giải pháp, phía Trung Quốc đã đồng ý thẩm định, thanh tra hồ sơ, cơ sở vật chất của các doanh nghiệp Việt Nam qua hình thức online.
Cũng theo ông Chinh, tiềm năng để mở rộng, phát triển với ngành sữa của Việt Nam còn rất lớn, ngay như thị trường nội địa hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50%. Năm 2020, sản lượng sữa của Việt Nam mới chỉ đạt 1,1 triệu tấn, bình quân mỗi năm tăng trưởng khoảng 10%.
Một tín hiệu rất vui mừng với ngành sữa của Việt Nam theo ông Tống Xuân Chinh là nhận được sự quan tâm của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh cực bò sữa tại Việt Nam những năm gần đây đều theo hướng quy mô lớn gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn.
Về phía Nhà nước, hiện Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo các cấp, ngành địa phương tạo điều kiện tối đa cho việc nhanh chóng chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ, trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Hiện rất nhiều nơi khi chuyển sang trồng ngô đã đạt sản lượng 50 - 60 tấn/ha, đây là xu hướng rất khả thi giúp đẩy nhanh phát triển nghề chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam trong tương lai.