Nhân lực ngành thú y đang thu hút doanh nghiệp
Ngành chăn nuôi cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đang ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu nhân lực lĩnh vực thú y tăng cao. Tại vùng ĐBSCL có khoảng 20 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi đặt chi nhánh. Mỗi năm nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành thú y của những doanh nghiệp này lên đến từ 500 – 1.000 sinh viên.
Vùng ĐBSCL có điều kiện lớn để ngành thú y phát triển nhờ tập trung số lượng lớn cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Tạo điều kiện cho sinh viên có cơ sở thực hành thực tế. Hơn nữa, theo PGS.TS Trần Ngọc Bích, Trưởng Khoa Thú y, Trường Nông nghiệp trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ, khoảng 95% sinh viên ngành thú y sau khi tốt nghiệp đều có việc làm với mức thu nhập ổn định trên 8 triệu đồng/tháng. Số ít còn lại cũng trở thành những “ông chủ” trang trại gia đình. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả phí khi sinh viên đến thực tập. Những con số trên đã cho thấy, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thú y trở nên quan trọng trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điển hình, doanh nghiệp C.P Việt Nam mỗi năm có nhu cầu tuyển dụng 1.500 nhân viên lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Hay Công ty TNHH Cargrill Việt Nam cũng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ để tìm kiếm nhân lực phục vụ cho những kế hoạch mở rộng các dự án chăn nuôi quy mô lớn.
Theo số lượng thống kê của một số trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ, sinh viên đăng ký học ngành thú y có sự gia tăng hàng năm. Bên cạnh tập trung tuyển sinh đầu vào, các trường cũng chú trọng đầu ra cho sinh viên, thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ đào tạo nguồn nhân lực với các doanh nghiệp quy mô lớn. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyển dụng trực tiếp ngay tại trường để tìm kiếm những kỹ sư thú y phục vụ doanh nghiệp trong tương lai gần.
Tăng cường kỹ năng nghề cho sinh viên ngành thú y
Nhìn tổng quan, cả nước đang có khoảng 20 trường đại học đang thực hiện đào tạo chuyên ngành liên quan đến thú y, riêng tại vùng ĐBSCL có 5 trường đã, đang bắt đầu đào tạo và 1 trường sẽ mở ngành đào tạo thú y vào năm 2023. Trong năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Cần Thơ đào tạo 143 sinh viên, Trường Đại học Tây Đô hiện đang đào tạo 84 sinh viên và Trường Đại học Cửu Long cũng lần đầu tiên đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh 60 sinh viên. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp lại còn khá khiêm tốn.
PGS.TS Trần Ngọc Bích cho biết thêm, nguồn nhân lực đang được đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng được tối đa 20 – 30% nhu cầu của doanh nghiệp. Thời gian tới, Khoa Thú y, Trường Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Cần Thơ sẽ tập trung đổi mới chương trình đào tạo ngành thú y theo hướng tăng thời lượng thực tập, thực tế nghề nghiệp cho sinh viên, tăng cường phối hợp đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, PGS.TS Trần Ngọc Bích cũng kiến nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành thú y.
Trăn trở trước ngành học vốn được đánh giá là dễ dàng tìm kiếm việc làm và mức thu nhập hấp dẫn, nhưng lại kém thu hút học sinh, TS Lương Lễ Nhân, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Tây Đô nhìn nhận, do công tác truyền thông của hầu hết các trường còn hạn chế. Dẫn đến cả phụ huynh và học sinh có định nghĩa chưa đúng về ngành thú y. Hiện nay, cách nhìn này đã dần được gỡ bỏ, không còn theo “lối mòn” ngày xưa. Sinh viên đã tự chủ lựa chọn ngành nghề theo sở thích và nhu cầu xã hội.
Qua nhiều lần làm việc với các doanh nghiệp, TS Nhân nhận thấy, doanh nghiệp quan tâm đến sinh viên có kỹ năng nghề tốt, đặc biệt nhất là khả năng chẩn đoán bệnh cơ bản. Và đây là định hướng đào tạo mà trường đang tập trung, đẩy mạnh. Hiện tại, quy mô ngành học thú y của trường đạt gần 200 sinh viên. Quy mô thực tế cần khoảng 300 – 350 sinh viên mới đáp ứng ổn định nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tế.
Đứng trước nhu cầu nhân lực ngành thú y tăng cao, tình trạng cạnh tranh nhân sự giữa các doanh nghiệp cũng xảy ra gay gắt hơn. Trường Đại học Trà Vinh đã xây dựng chương trình Co-op. Doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ ký kết hợp tác với trường để đào tạo nhân sự. Sinh viên thực tập xuất sắc tại doanh nghiệp tham gia Co-op sẽ được nhận làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, không phải trải qua quá trình thử việc. Mở ra cơ hội lớn cho sinh viên ngành thú y của trường.
Ngành Thú y có nhiều lợi thế, không chỉ phòng chống dịch bệnh động vật mà còn con người, bởi hơn 75% các loại dịch bệnh lây nhiễm ở người đều xuất phát từ động vật lây lan. Đây là ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh, hướng dẫn kỹ thuật…cho động vật. Nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Hơn nữa, ngành thú y cũng đóng vai trò quan trọng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Đặc biệt, ngành học này cũng mở ra nhiều cơ hội cho mô hình nuôi thú cưng phát triển.