| Hotline: 0983.970.780

Giữ ổn định, củng cố lực lượng thú y tuyến xã

Thứ Ba 04/10/2022 , 08:44 (GMT+7)

Kiên Giang sẽ giữ ổn định bộ máy thú y từ tỉnh đến các huyện, thành phố và tăng cường bố trí nhân viên thú y cấp xã để phát triển chăn nuôi bền vững.

Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bền vững, Kiên Giang sẽ tăng cường bố trí lực lượng nhân viên thú y cơ sở, phấn đấu có trên 80% tổng số xã có hoạt động chăn nuôi có cán bộ thú y hoạt động. Ảnh: Trung Chánh.

Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bền vững, Kiên Giang sẽ tăng cường bố trí lực lượng nhân viên thú y cơ sở, phấn đấu có trên 80% tổng số xã có hoạt động chăn nuôi có cán bộ thú y. Ảnh: Trung Chánh.

Tăng cường lực lượng thú y cấp xã

Theo Đề án phát triển chăn nuôi bền vững, Kiên Giang sẽ sắp xếp lại tổ chức Chi cục Chăn nuôi và Thú y, giữ ổn định bộ máy thú y từ tỉnh đến các huyện, thành phố và tăng cường bố trí lực lượng nhân viên thú y cấp xã để phát triển chăn nuôi.

Tăng cường bố trí lực lượng nhân viên thú y cấp xã đạt trên 80% tổng số xã, phường, thị trấn có hoạt động chăn nuôi, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là hệ thống chăn nuôi, thú y cấp xã về kỹ năng, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang cho biết, song song với việc tăng cường lực lượng thú y ở cơ sở, tỉnh sẽ thực hiện xã hội hóa các vụ công về chăn nuôi, thú y như tiêm phòng, chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh động vật. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế có đủ năng lực có thể tham gia, nhằm giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước nhưng cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang sẽ phát triển tổng đàn heo đạt 450.000 con, đàn trâu 6.000 con, đàn bò 18.000 con, đàn gia cầm 10 triệu con. Sản phẩm thịt hơi các loại đạt 134.500 tấn, trứng gia cầm các loại 450 triệu quả, sản lượng tổ yến thô 40 tấn. Xây dựng được ít nhất 15 cơ sở chăn nuôi và 2 vùng chăn nuôi tập trung an toàn bệnh.

Định kỳ tổ chức các tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, nhằm cắt đường truyền lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, ở diện hẹp.

Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, đảm bảo an toàn dich bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Kết hợp giữa chăn nuôi nông hộ với phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hóa vật nuôi gắn với nhu cầu thị trường. Đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từ thị trường, nhưng tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn gia cầm chủ yếu là gà, vịt, đàn heo, đàn bò và chim yến.

Đàn vật nuôi tăng mạnh trở lại

Nhờ tăng cường triển khai, thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng mà đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tăng mạnh trở lại, nhất là đàn heo và gia cầm.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, số lượng đầu con gia súc, gia cầm ước tính đến tháng 8/2022, đàn heo hiện có hơn 224.000 con, tăng gần 41.000 con so với cùng kỳ, đàn gia cầm trên 4,45 triệu con, tăng gần 94.000 con. Đàn trâu hiện có 4.291 con và đàn bò là 10.504 con đều tăng so với cùng kỳ.

Nhìn chung hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục ổn định, dịch bệnh ít xảy ra và lây lan ở diện rộng, đàn heo và gia cầm tăng nguyên nhân do ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh và được giá nên bà con tái đàn sớm, đồng thời chuẩn bị phục vụ cho thị trường dịp cuối năm.

Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cũng đã thực hiện xong tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2022, với số lượng 1.000 lít Benkocid đạt. Đồng thời, tiếp tục triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 3 năm 2022.

Kiên Giang tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn gia cầm chủ yếu là gà, vịt, đàn heo và đàn bò. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn gia cầm chủ yếu là gà, vịt, đàn heo và đàn bò. Ảnh: Trung Chánh.

Song song đó, tiến hành tiêm phòng 3 bệnh đỏ trên heo và tiêm phòng bệnh Cúm trên gia cầm bổ sung hàng tháng. Thực hiện tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng trên gia súc và Tai xanh trên heo đợt 2 năm 2022. Lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút gây bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại huyện Giang Thành và TP Hà Tiên, kết quả 100% mẫu đều âm tính.

Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang cho biết, theo Đề án phát triển chăn nuôi bền vững, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, chăn nuôi heo đạt tổng đàn là 320.000 con, đàn trâu 4.500 con, đàn bò 13.000 con, đàn gia cầm 6 triệu con.

Sản phẩm thịt hơi các loại là 90.800 tấn, trứng gia cầm các loại là 370 triệu quả, sản lượng tổ yến thô thu hoạch đạt 35 tấn. Xây dựng được ít nhất 5 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi heo xử lý chất thải bằng biogas hoặc áp dụng quy trình, công nghệ tiên tiến, giải pháp xử lý chất thải đạt từ 70% trở lên.

Khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi. Tận thu và nâng cao giá trị dinh dưỡng từ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong tỉnh như: bã bia, bã khóm, phụ phẩm từ lò mổ, vỏ đầu tôm, các phụ phẩm từ khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Thí điểm chọn một số diện tích đất sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng cây chế biến thức ăn gia súc để phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc ở vùng Tứ giác Long Xuyên và các vùng chăn nuôi tập trung khác. Có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc, kết hợp chế biến thức ăn cho tôm nuôi, công suất khoảng 35.000 tấn/năm.

Ứng dụng công nghệ TE-FOOD quản lý chăn nuôi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong chăn nuôi. Theo đó, sẽ ứng dụng công nghệ quản lý TE-FOOD (một ứng dụng của công nghệ blockchain) nhằm quản lý quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

Công nghệ TE-FOOD triển khai phù hợp ở cơ sở chăn nuôi heo từ 30 con, gia cầm từ 1.000 con trở lên. Qua đó, giúp cập nhật thông tin theo thời gian thực về tổng đàn, giám sát dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Đồng thời, hạn chế tối đa các loại giấy tờ, thủ tục phục vụ cho công tác quản lý, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, để người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật sản xuất, giao dịch sản phẩm. Chuyển giao quy trình công nghệ chăn nuôi cho nông hộ, trang trại, phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái.

Đa dạng hóa các chương trình truyền thông nhằm từng bước thay đổi nhận thức và các thói quen không phù hợp trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.