| Hotline: 0983.970.780

Ngành tôm đối diện nhiều thách thức: [Bài 5] Cách giúp cải thiện tỷ lệ thành công trong nuôi tôm

Thứ Hai 15/07/2024 , 14:31 (GMT+7)

Tại sao tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam (40%) thấp hơn nhiều so với Ấn Độ (60%), Ecuador (80%)? Việt Nam phải làm gì để từng bước cải thiện tỷ lệ này?

5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ thành công thấp

TS. Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc cho hay, có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ thành công thấp trong nuôi tôm thẻ ở Việt Nam.

Thứ nhất, mật độ thả nuôi tôm của Việt Nam hiện nay cao hơn Ấn Độ và Ecuador nhiều lần. Việt Nam thả nuôi 150 - 500 con/m2, trong khi Ấn Độ 30 - 60 con/m2 còn Ecuador 10 - 30 con/m2.

Mật độ nuôi càng cao, tôm càng dễ bị stress và dễ bị mầm bệnh tấn công hơn, nên chỉ các hộ nuôi giỏi, có đầu tư đúng mới thành công trong nuôi tôm ao bạt mật độ cao. Tuy nhiên, số trại nuôi giỏi kỹ thuật, đầu tư đúng trong mô hình ao bạt chiếm tỷ lệ nhỏ trong nghề nuôi ao bạt thâm canh ở Việt Nam.  

TS. Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc. Ảnh: TL.

TS. Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc. Ảnh: TL.

Thứ hai, tôm giống kháng bệnh đốm trắng: Ở Ecuador cách đây 20 năm, các chủ trại giống đã lựa chọn những con tôm sống sót từ các ao nuôi bị dịch virus đốm trắng để nuôi thành tôm bố mẹ, rồi cho sinh sản và đưa những đàn tôm con này đến người nuôi. Qua nhiều năm với cách làm đại trà này của nhiều trại giống đã vô hình chung phơi nhiễm nhiều thế hệ tôm ở quy mô thương mại đối với mầm bệnh virus đốm trắng. Nhờ đó đến nay, đàn tôm giống nội địa Ecuador kháng bệnh virus đốm trắng tốt nên người nông dân được hưởng lợi, khi thả nuôi ao đất không bị thất bại lớn vì dịch bệnh virus đốm trắng như ở Việt Nam.

Thứ ba, môi trường ô nhiễm: ĐBSCL là vùng hạ lưu, thấp triều, canh tác nông nghiệp thâm canh nhiều năm cùng với hệ thống thủy lợi không được quy hoạch, nạo vét tốt nên các chất thải hữu cơ từ nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt tích lũy gây ô nhiễm trầm trọng, tạo nên nhiều mầm bệnh nguy hiểm gây bệnh gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh phân trắng (WFS), bệnh vi bào tử trùng (EHP)…

Vì vậy, việc thả nuôi ao đất không chỉ đối mặt với nguy cơ dịch bệnh virus đốm trắng, mà còn đối mặt với rủi ro của nhiều dịch bệnh nguy hiểm này (AHPND, WFS, EHP…), dẫn đến tỷ lệ thành công nuôi ao đất ở Việt Nam rất thấp (<30%).

Thứ tư, trình độ người nuôi: Thực tế ở Việt Nam vẫn có số hộ nuôi luôn đạt tỷ lệ thành công cao (>80%). Tuy nhiên số hộ nuôi có kỹ thuật, nguồn tài chính tốt, đầu tư đúng và đủ này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Đại đa số người nuôi tôm ở Việt Nam vẫn là nông dân nhỏ, kỹ thuật nuôi chưa tốt, đặc biệt nuôi tôm bằng nguồn tín dụng của đại lý nên dễ bị dẫn dắt sử dụng các nguồn thuốc men, chất bổ sung, hóa chất từ đại lý không có trại nuôi, dẫn đến tỷ lệ thành công thấp nếu việc tư vấn nuôi tôm này tập trung vào việc bán sản phẩm của họ.

Thứ năm, thức ăn và chương trình cho ăn còn bất cập: Mật độ nuôi thâm canh cao ở Việt Nam đòi hỏi việc sản xuất thức ăn chất lượng cao và thức ăn chức năng tốt cho giai đoạn đầu, đặc biệt 45 ngày đầu là giai đoạn nuôi mật độ rất cao nên tôm dễ bị nhiễm bệnh nhất. Trong khi đó trên thị trường hiện nay, các nhãn hiệu thức ăn chức năng có chất lượng khác nhau và vẫn chưa đáp ứng được hiệu quả tăng cường sức chống chọi stress và phòng bệnh tốt nhất cho tôm.

Cần tập trung một số giải pháp

Theo TS. Nguyễn Duy Hòa, để cải thiện tỷ lệ thành công trong nuôi tôm thẻ ở Việt Nam, cần tập trung giải pháp cho các vấn đề trên.

Một là về mật độ thả nuôi. Chúng ta không thể làm như Ecuador vì thực tế diện tích trại nuôi ở Việt Nam quá nhỏ (bình quân 1 - 3 ha), trong khi diện tích trại nuôi của Ecuador ít nhất vài chục đến vài trăm ha, thậm chí hàng nghìn ha nên họ hoàn toàn thả thưa 10 - 30 con/m2 vẫn có sản lượng tốt.

Trại nuôi tôm của Việt Nam quá nhỏ nên buộc vẫn phải thả mật độ cao mới có sản lượng. Tuy nhiên, nên làm đúng hơn cho các pha nuôi.

Cụ thể, pha ương gièo nên giữ mật độ 1.000 - 2.000 tôm giống/m2; sau giai đoạn gièo nên thả 250 - 300 con/m2; khi tôm đạt 8 g/con nên giảm tối đa mật độ nuôi cho ao bạt xuống 120 con/m2 hoặc sang thưa xuống ao đất lót lưới đáy nuôi 50 - 60 con/m2 để nuôi về cỡ tôm lớn (20 - 30 con/kg).

Làm tốt điều này sẽ giúp gia tăng tỷ lệ thành công và giảm giá thành sản xuất tôm tốt hơn nhờ rút ngắn thời gian nuôi để giảm nhiều chi phí sản xuất khác trong khi buộc phải đầu tư chi phí thức ăn vì mật độ cao.

TS. Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc nói: 'Trại nuôi tôm của Việt Nam quá nhỏ nên buộc vẫn phải thả mật độ cao mới có sản lượng. Tuy nhiên, nên làm đúng hơn cho các pha nuôi'. Ảnh: Hồng Thắm.

TS. Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc nói: "Trại nuôi tôm của Việt Nam quá nhỏ nên buộc vẫn phải thả mật độ cao mới có sản lượng. Tuy nhiên, nên làm đúng hơn cho các pha nuôi". Ảnh: Hồng Thắm.

Hai là về tôm giống. Cần ưu tiên nhập khẩu nguồn tôm bố mẹ chọn giống vừa đáp ứng tăng trưởng tốt, vừa chống chịu dịch bệnh tốt. Các trại giống tiên phong gia hóa và chọn giống trong nước nên tiếp cận theo cách Ecuador đã làm bằng cách chọn những con tôm to, khỏe, sống sót từ các ao nhiễm bệnh để nuôi làm tôm bố mẹ đại trà. Điều này có thể mất nhiều năm nhưng sẽ tạo sự đột phá cho nhiều năm sau đó.

Về mặt quản lý Nhà nước, cần kiểm tra xử phạt nghiêm và nghiêm cấm việc sử dụng kháng sinh lén lút trong trại giống để ngăn ngừa việc đưa ra thị trường các đàn tôm chậm lớn, dễ nhiễm bệnh do đã dùng nhiều kháng sinh. Cần khuyến khích và hỗ trợ các chương trình sản xuất tôm giống sử dụng men vi sinh và các nguồn thức ăn chất lượng cao, bao gồm tảo tươi.

Ba là giải quyết vấn đề về hệ thống thủy lợi. Hơn ai hết chính quyền các tỉnh, thành nuôi tôm cần ưu tiên quy hoạch tốt hệ thống kênh mương cấp và thoát nước, cũng như đầu tư kinh phí nạo vét thường xuyên để khai thông dòng chảy nước cấp và nước thải tốt cho vùng nuôi nhằm giảm tải sự ô nhiễm hữu cơ trong nguồn nước.

Bốn là kết nối và tập huấn kỹ thuật. Nguồn kinh phí khuyến nông, khuyến ngư cần tập trung vào các vấn đề thực tiễn hơn thay vì chỉ tổ chức hội nghị, hội thảo. Cần tổ chức kết nối trả phí cao để thuê kỹ thuật của các trại nuôi giỏi và chuyên gia giỏi thực tiễn nuôi tôm cùng chia sẻ, dẫn dắt người nuôi xung quanh vùng của họ.

Năm là về thức ăn và chương trình cho ăn. Các nhà máy thức ăn cần định hướng sản xuất dòng thức ăn cao cấp và chức năng cho giai đoạn gièo tôm và cho đến 45 ngày nuôi, tập trung vào các yếu tố tăng sức đề kháng chống chọi stress, gia tăng sức khỏe đường ruột cho tôm để phòng bệnh tốt, nhất là các bệnh vi khuẩn Vibrio sp. Sau giai đoạn 45 ngày, có thể làm dòng thức ăn tiêu chuẩn đạm thấp, giá rẻ hơn nhưng đảm bảo đủ dinh dưỡng để duy trì tăng trưởng tốt (ADG) và giảm hệ số thức ăn (FCR).

Các nguồn nguyên liệu đạm cao cấp và dinh dưỡng sức khỏe cùng với các phụ gia sức khỏe và vitamin cần được chọn lựa kỹ khi sản xuất thức ăn cao cấp và chức năng cho giai đoạn 45 ngày nuôi đầu.

Xem thêm
Khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai

Tối 19/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ hai năm 2024.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.