| Hotline: 0983.970.780

Những thiết bị cơ giới đơn sơ mà rất hiệu quả

Thứ Hai 03/10/2022 , 08:45 (GMT+7)

PHÚ YÊN Tại Phú Yên, nông dân đã sáng tạo, áp dụng nhiều công cụ, thiết bị cơ giới khá đơn giản, nhưng lại phát huy hiệu quả rất cao, giúp nông dân bớt nhọc nhằn.

Đó là những cây ba chia được "độ chế" để cấy dặm ruộng, đến những chiếc cày tay được "độ chế" từ chiếc vành xe đạp... Gần đây, nông dân được hỗ trợ kinh mua sắm máy cày càng nhỏ gọn với nhiều chức năng như cày đất, bứng gốc mía, hút nước…

Độ chế cây ba chia, cày tay

Trong xó cửa nhà bà Nguyễn Thị Hương ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) có bộ đồ nghề làm nông, ngoài cuốc xẻng còn có cây ba chia. Bà Hương tâm sự: Cây ba chia đơn giản nhưng làm ruộng rất nhờ cây này. Có nó, một người làm bằng 2 người, công việc cấy dặm rất nhẹ nhàng.

Bà kể, làm ruộng một năm 2 vụ lúa, đông xuân và hè thu. Vụ hè thu thì năm dài tháng rộng, còn vụ đông xuân thời điểm gần Tết lúa đang thời kỳ mạ non, cấy dặm. Vụ đông xuân lúc gieo sạ thời tiết thường xuyên có mưa, ốc bươu vàng cắn phá lúa. Như năm rồi, trong xóm bắt đầu lo Tết, người thì lột tỏi, lột hành, người thì ngâm củ kiệu chuẩn bị làm dưa món. Còn tôi “mắc kẹt” giữa cánh đồng, chôn chân trên đám lúa vừa ra lá non đã bị ốc bươu vàng cắn phá.

Nông dân xã huyện Tuy An sử dụng cây ba chia cấy dặm lúa. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Nông dân huyện Tuy An (Phú Yên) sử dụng cây ba chia cấy dặm lúa. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Ốc bươu vàng “ác nhơn” ở chỗ mới nở ra to chỉ bằng chân nhang đã mở miệng cắn phá lúa làm đám ruộng lủng lỗ lủng hang, có chỗ đất trống bằng cái sàng, có chỗ to bằng cái nong. Để dặm lúa, thợ rèn ở quê đã sáng chế ra cây ba chia, bà con có thể đứng thẳng lưng móc chỗ lúa dày cắm xuống chỗ đất trống do ốc bươu vàng cắn phá.

"Tôi và phụ nữ trong thôn nhờ cây ba chia moi móc “tu bổ” cánh đồng, nhờ đó đã giúp năng suất lúa cao hơn hàng trăm tấn. Nhờ cây ba chia cấy dặm nhanh gọn, bà con cũng kịp thời gian lo sắm sửa Tết", bà Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, ngày trước đàn ông "lưng dài", ngại đi cấy dặm vì phải cúi gập người đau lưng, nay nhờ có cây ba chia nên cánh đàn ông không còn ngại đi cấy dặm vì đứng thẳng người. Lúc chưa có cây ba chia thì phải một người nhổ mạ, một người cấy dặm.

Không chỉ cây ba chia, gần đây, nông dân còn độ ra chiếc cày tay, đó là niền (vành) xe đạp, có càng là hai tay nắm để cày xới đất. Ông Phan Văn Thảo ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân dùng chiếc cày tay này để xới cỏ sắn, cho hay: "Coi vậy chớ cày tay công suất cày một ngày bằng 3 công lao động dàn hàng ngang cuốc cỏ. Công dụng cày tay cũng đa năng, không chỉ xới cỏ mà còn cày trồng sắn, mía. Khi cày có rãnh bỏ hom sắn, mía xuống rồi cày lấp hàng".

Máy cày nhỏ gọn với 5 chức năng

Cày tay thì dùng sức người, chỉ cày trên đất tươi xốp, còn cày phá hoang hoặc bứng gốc mía thì dùng máy cày càng, tức là có 2 càng để cầm lái. Loại máy cày này gắn động cơ, nhỏ gọn nhưng có đến 5 chức năng: Xới đất, cày trạnh, bừa cỏ, bơm nước, xịt thuốc.

Nông dân xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh, Phú Yên) sử dụng máy cày tay. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Nông dân xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh, Phú Yên) sử dụng máy cày tay. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Ông Phan Văn Dũng ở xã Ea Cà Rang, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) đang sử dụng máy cày càng, cày đám đất sau nhà, cho hay: Máy này cày sâu, cày cạn tùy mình điều chỉnh số nhanh hay chậm, 1 sào đất máy cày 1 giờ là xong, còn bừa thì 10 phút. Máy này có cái hay là điều khiển được lưỡi cày lật qua phải qua trái dễ dàng, cày được sát bờ, sát góc đám ruộng.

Cũng nhờ có chức năng điều khiển trạnh cày qua phải hoặc qua trái nên rất thuận lợi để cày nghiêng đất lên luống trồng dưa, rau màu. Trước đây trồng dưa, rau màu, bà con phải cày đất thục rồi bỏ công dùng cuốc moi lên luống, còn sử dụng máy làm đất đa năng úp rãnh qua 2 đường cày là xong.

Cũng theo ông Dũng, máy này từ khâu cày chuyển qua bừa hoặc xới cỏ, khi thay giàn công cụ không quá 3 phút, máy gọn nhẹ nên phụ nữ điều khiển được. Không những thế, máy này cày xong đám đất rồi cũng có thể đưa máy lại ngay bờ suối để gắn đầu bơm hút nước.

Không những thế, chiếc máy cày càng nhỏ gọn nhẹ này còn sử dụng được trên các vùng đất núi, chỗ nào khó cũng máy cũng có mặt nên nông dân miền núp đều sử dụng. Ông Bùi Văn Long, nông dân ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh (Phú Yên) giãi bày: Chiều ngang của máy cày càng chỉ hơn 0,5m nên rất thuận lợi trong việc di chuyển vào sâu hoặc trong vùng không có đường nội đồng.

Empty

Nông dân xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) sử dụng máy cày càng đa năng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Chỗ nào “bít đường" thì có thể tháo rời các bộ phận của máy để vác đi trên bờ ruộng, bờ mương nên có thể đưa máy đến được những nơi hóc hẻm, đồi núi. “Gia đình tôi có 3 sào đất, tôi mua máy cày này từ chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và cho thấy rất tiện lợi. Tiền mua máy chỉ tính riêng khâu cày, bừa, úp rãnh, lên luống thì qua 2 mùa là lấy lại được vốn. Còn trước đây, tôi phải dùng trâu bò cày, sức trâu bò cày chậm, có năm cày chưa xong thì đất khô, trễ vụ”, ông Long nói.

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã hỗ trợ máy làm đất đa năng cho nông dân. Theo đó, chiếc máy cày đa năng chỉ có giá gần 15 triệu đồng, bà con nông dân ở vùng đồng bằng nhà nước hỗ trợ 50% chi phí, nông dân đối ứng 50%, còn vùng miền núi được hỗ trợ 70%, còn lại nông dân đối ứng theo giá trị của máy. Qua đó, đã giúp đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân giảm chi phí nhân công, tăng thu nhập.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.