| Hotline: 0983.970.780

Ai bảo trồng lúa không giàu?

Thứ Năm 03/11/2022 , 10:44 (GMT+7)

NINH BÌNH Tích tụ ruộng đất lớn, cơ giới hóa đồng bộ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất lúa đã giúp ông Chiến làm ruộng nhàn tênh, lãi nửa tỉ đồng/năm.

Giải nhiều bài toán

“Làm ruộng giờ nhàn tênh” là câu nói tưởng bông đùa của ông Trịnh Viết Chiến, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), nhưng khi tận mắt chứng kiến cơ ngơi của “đại gia chân đất” chính hiệu này thì không còn ai không tin đó là sự thật.

Ông Chiến kể: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên từ bé ông đã quá quen thuộc với hình ảnh lam lũ mà “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền” của bố mẹ. Khi trưởng thành, ý chí không chấp nhận sống chung với đói nghèo đã nung nấu trong ông quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

IMG_5160

Ông Trịnh Viết Chiến, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) thành công với việc tích tụ đất đai, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Ảnh: Lê Bền.

Thế rồi, ông lăn lộn đủ nghề để mưu sinh, từ bốc vác, phụ hồ đến buôn lợn giống. Thấy cách làm nông nghiệp nào hiệu quả là ông mày mò tìm hiểu, học làm theo.

“Lúc đấy thấy một số trang trại nuôi lợn, vịt thành công, mình cũng quyết làm thử. Được 1 lứa đầu có lãi, sau đó do kỹ thuật chăn nuôi, chuồng trại của mình không đảm bảo nên vật nuôi hay mắc bệnh, chết, kéo theo chi phí phòng trị bệnh tăng lên. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng trong khi giá bán lợn, vịt thất thường, làm chẳng ăn thua, có lứa còn phải bù lỗ”, ông Chiến chia sẻ.

Vậy là, một lần nữa ông quyết định chuyển hướng. Nhận thấy nhiều hộ dân trong xã không còn mặn mà, thậm chí để ruộng không do canh tác không hiệu quả, lực lượng lao động trẻ thì kéo nhau đi làm ở các công ty, xí nghiệp với mức thu nhập ổn định và cao hơn.

Ông nảy ra ý định đi gom ruộng về làm với suy nghĩ rất đơn giản là “tích tiểu thành đại”, mỗi mảnh lời một ít hoặc lấy mảnh này bù mảnh kia thì làm nhiều chắc chắn không lỗ.

Nghĩ là làm, ông tìm đến từng HTX, hộ gia đình có ruộng bỏ hoang đặt vấn đề mượn lại ruộng, trả 20kg thóc/sào/năm và phí dịch vụ. Với cách làm như vậy, mỗi năm ông mượn thêm được một số diện tích, đến hiện tại, ông đã gom được cho mình 80 mẫu ruộng.

IMG_5170

Ông Chiến sẵn sàng "đắp chiếu" máy phun thuốc BVTV khổng lồ trị giá hàng chục triệu đồng để đưa máy bay không người lái vào sử dụng. Ảnh: Lê Bền.

Ông Chiến cho hay: Khi diện tích canh tác ngày càng mở rộng, thì phát sinh vấn đề là làm không xuể. Vợ ông tập trung buôn bán, các con còn nhỏ nên không tham gia hỗ trợ được ông việc đồng áng; thuê lao động thì khó hơn lên trời vì nhìn xung quanh chỉ toàn người già, trẻ nhỏ, công thuê cao; làm thủ công bằng tay không đảm bảo được khung thời vụ...

Không những vậy, khi vào vụ thu hoạch, do sản lượng lúa nhiều nên áp lực phơi trở lớn. Có vụ ông phải thuê người phơi khắp các con đường từ đầu xã đến cuối xã, lượng thất thoát, chi phí thuê nhân công phơi rất lớn. Có thời điểm gặp mưa kéo dài, lúa thu hoạch về đành đánh đống, phủ bạt dọc đường, nhiều đống lúa mọc mầm phải xúc về đổ cho cá, vịt ăn; trong khi nếu mang đi sấy chi phí vào khoảng 1.500 đồng/kg, sản xuất chẳng còn lãi.

Thế rồi, các loại máy cày, máy gặt, máy phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), máy bay không người lái lần lượt được ông “rước” về. Năm 2021, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng lò sấy lúa.

Máy nào chưa biết sử dụng ông thuê người vận hành rồi học lỏm kinh nghiệm; rảnh rỗi ông vào internet đọc thêm thông tin. Dần dần các loại máy đều bị ông “chinh phục”.

“Đến giờ chỉ còn máy bay không người lái là không dám lái thử, một phần vì quy định vận hành của máy chặt chẽ, phức tạp, một phần vì mình có tuổi rồi nên sự nhanh nhạy với phần mềm, điện thoại thông minh, cài đặt thông số... không được tốt, sơ sẩy là hỏng ăn ngay, nên để đảm bảo an toàn mình thuê người lái”, ông Chiến vui vẻ.

IMG_5238

Bằng việc đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, ông Chiến giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, thuận lợi phát triển liên kết. Ảnh: Lê Bền.

Làm lớn, lãi to

Ông Chiến cho biết: Khi tích tụ được ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt. Máy móc giúp giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, bắt kịp được khung thời vụ, giảm thất thoát sau thu hoạch...

Theo ông Chiến, với việc sử dụng máy móc ở tất cả các khâu thì chi phí sản xuất chỉ hết khoảng 600.000 đồng/sào/vụ (làm thủ công, thuê máy hết từ 1 - 1,1 triệu đồng/sào/vụ).

Bên cạnh đó, khi sử dụng máy bay không người lái thì việc phun thuốc, bón phân được thực hiện một cách nhanh chóng, đồng đều, tiết kiệm hơn.

Áp dụng cơ giới hóa, khung thời vụ được đảm bảo, tạo sự đồng đều trong quá trình chăm sóc nên lúa sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tránh được rủi ro do thời tiết, dịch bệnh, giảm chi phí phân bón, thuốc BVTV, giảm thất thoát sau hoạch... Nhờ đó, năng suất lúa tăng 25% so với cách làm truyền thống trước đây.

IMG_5221

Với diện tích lớn, ông Chiến kết hợp nuôi vịt, thả cá, thu thêm hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Lê Bền.

Về tiêu thụ, khi tích tụ được ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ với các công ty sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, thậm chí họ còn chủ động tìm đến để đặt vấn đề liên kết. Bởi lẽ, khi có diện tích đủ lớn, một mình đưa ra quyết định sẽ dễ dàng thống nhất được cách làm, giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, trách nhiệm liên kết giữa hai bên.

“Khi liên kết được với doanh nghiệp, vấn đề đầu ra của sản phẩm không còn phải lo lắng, giá thu mua ổn định hơn so với bán tự do trên thị trường; chi phí bao bì, công bốc vác không mất. Hiện tại, công ty đang thu mua lúa của tôi với giá luôn cao hơn thị trường 5 giá”, ông Chiến chia sẻ.

Về hiệu quả kinh tế, ông Chiến tính toán: Trung bình ông thu được hơn 200 tấn lúa tươi/vụ, với giá bán lúa khô từ 9.000 - 9.500 đồng/kg, lúa tươi 7.000 - 7.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông có lãi 500 - 600 triệu đồng/vụ.

Bên cạnh đó, với diện tích lớn, ông phát triển chăn nuôi vịt để tận dụng lượng thóc rơi rụng, giúp hạn chế cỏ dại, ốc, gia tăng thu nhập. Hiện tại, ông luôn duy trì 5.000 vịt thả đồng, với lợi nhuận thu được trung bình từ 25 - 30 triệu đồng/1.000 vịt, một năm ông thu về thêm từ 150 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi thu hoạch lúa, ông tranh thủ nuôi cá, trung bình thu được 40 - 50 triệu đồng tiền cá/năm.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.