| Hotline: 0983.970.780

Hình thành các trung tâm cơ giới hóa cấp vùng

Thứ Tư 05/10/2022 , 20:29 (GMT+7)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở nhiều vấn đề như xây dựng trung tâm cơ giới hóa cấp vùng, phát triển đề án vùng nguyên liệu lớn, đạt chuẩn để tái cơ cấu ngành.

BATH6014

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trả lời phỏng vấn về vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã đóng góp rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xin Thứ trưởng cho biết những thành tựu nổi bật đó là gì?

Những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua có phần đóng góp rất lớn của quá trình cơ giới hóa sản xuất. So với khoảng 10 năm trước, cơ giới hóa nông nghiệp có những bước phát triển như: Máy động lực đã tăng công suất trung bình từ chưa đầy 2,0 HP lên 3,3 HP/ha /ha canh tác.

Số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Trong giai đoạn 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 90%.

Mức độ cơ giới hoá tại một số khâu, trong một số lĩnh vực có tỷ lệ khá như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật), chăn nuôi từ 55% đến 90% (cung cấp thức ăn, nước cho vật nuôi trong chuồng). Việc tăng trang thiết bị, máy móc đã phần nào khắc phục được hạn chế thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, quá trình cơ giới hóa nông nghiệp của chúng ta đang bộc lộ một số hạn chế. Trang bị máy động lực tính trung bình trên đơn vị diện tích tăng nhưng so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng kịp. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trang bị máy móc không đồng bộ, công suất máy dưới 20 CV chiểm trên 48%. Tỷ lệ cơ giới hóa giữa các khâu cũng không đồng đều.\Để tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, cần đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu theo chuỗi liên kết. Do đó, phải thay đổi cách tiếp cận trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thay đổi quy mô về cơ giới hóa.

Trong Quyết định số 858/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 20/07/2022 về phê duyệt Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030, khái niệm “Cơ giới hóa đồng bộ” được nêu ra và nhận sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và người dân. Vậy nội hàm cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp là gì, thưa Thứ trưởng?

Trước đây, nói đến cơ giới hóa chúng ta chỉ nhấn mạnh đến việc sử dụng máy, thiết bị, công nghệ thay thế lao động thủ công, khắc phục tình trạng thiếu lao động hay thay thế lao động chân tay bằng lao động cơ giới hóa đơn thuần.

Tuy nhiên, về tổng quan, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong cùng lĩnh vực có sự không đồng đều giữa các khâu, công đoạn trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất, phòng chống dịch bệnh và biến đổi của thời tiết. Chưa nói đến mức độ cơ giới hóa giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất cũng chưa đồng đều làm gia tăng chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, hạ tầng đồng ruộng, đường sá nội vùng chưa được chú trọng cải tạo, phát triển để thuận lợi cho máy móc hoạt động hiệu quả. Lực lượng lao động phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp nên càng làm giảm hiệu quả đầu tư máy móc chưa cao (chỉ đạt 30-50% so với công suất thiết kế).  

Trước thực trạng trên, Bộ NN-PTNT đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 (Quyết định số 858/QĐ-TTg), sắp tới là Nghị định cơ giới hóa đồng bộ với định hướng: “Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp”.

Đồng bộ ở đây đươc hiểu là đồng bộ giữa việc trang bị các loại máy, thiết bị, công nghệ trong các khâu sản xuất nông nghiệp với hạ tầng kỹ thuật sản xuất và nguồn nhân lực được đào tạo, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; đồng bộ trong toàn bộ chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Làm được như vậy, ngành nông nghiệp mới đảm bảo được thời vụ sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến tới xây dựng các mô hình theo quy mô lớn.

c

Bộ NN-PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp.

Để thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng có thể nêu một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới?

Như nói ở trên, các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân đã vào cuộc, tham gia rất tích cực vào quá trình cơ giới hóa, nhưng vẫn mang tính dàn trải, đầu tư cục bộ, nhỏ lẻ, ở đâu có nhu cầu mua máy động lực gì thì cung cấp; không có máy công tác thì người nông dân tự sáng chế, hộ nông dân có nhu cầu về máy cơ giới thì đầu tư nhưng không hiểu máy đó có hiệu quả với quy mô sản xuất của hộ gia đình không. 

Trong các giải pháp trình Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã đề xuất hình thành các Trung tâm cơ giới hóa cấp vùng. Trung tâm cơ giới hoá vùng không phải là tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp do Nhà nước thành lập, mà là trung tâm tập hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX có năng lực về cơ giới hóa, công nghệ mới, công nghệ thông minh để hợp tác, liên kết và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa và công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đây cũng là nơi đặt hàng cho công tác nghiên cứu, đào tạo của các trường đại học, viện nghiên cứu, và là nơi hỗ trợ cơ giới hóa các vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn. Trung tâm hoạt động dưới hình thức các doanh nghiệp, HTX, viện, trường tự tổ chức liên kết, chuyển giao cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng các vùng nguyên liệu.

Nhà nước giữ vai trò định hướng, khuyến khích phát triển nhằm đẩy mạnh tiến trình cơ giới hóa thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Muốn triển khai hiệu quả cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp ban, ngành và địa phương triển khai kế hoạch cụ thể như thế nào?

Để chuyển đổi cách tiếp cận cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt của tất cả các bên. Với Bộ NN-PTNT, chúng tôi sẽ rà soát và tham mưu trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Trong đó, đề xuất chính sách hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về máy nông nghiệp. Ngoài ra, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan để xây dựng Đề án phát triển Trung tâm cơ giới hóa vùng và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Một nhiệm vụ nữa là Bộ sẽ hợp tác để phát triển Đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT. Ở đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi giá trị, xây dựng danh mục nghề, giáo trình đào tạo, tập huấn nghề cho lao động nông thôn về sử dụng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trước mắt, Bộ NN-PTNT đang lên kế hoạch tổ chức một hội thảo về canh tác nông sản, trang thiết bị phụ trợ trong khoảng tháng 11. Đây sẽ là cơ hội cho bà con nông dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của cơ giới hóa.

Với địa phương, Bộ NN-PTNT đề nghị cần cụ thể thể hóa các cơ chế, chính sách về cơ giới hóa phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ sản xuất tham gia một cách tích cực.

Các doanh nghiệp, HTX, người dân cũng cần chủ động, xây dựng liên kết từ vùng nguyên liệu đến nơi tiêu thụ. Phải nhìn nhận rằng, cơ giới hóa nông nghiệp là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu chất lượng nông sản theo hướng hiệu quả, bền vững. Mục tiêu của toàn ngành là làm thế nào để ngày càng có nhiều sản phẩm nước ta được các thị trường lớn công nhận, và tiến tới là bảo hộ thương hiệu.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.