| Hotline: 0983.970.780

Ngày cuối năm lên thăm Pác Bó

Chủ Nhật 17/02/2013 , 08:42 (GMT+7)

Nên đến Pác Bó vào những ngày cuối năm, để cảm nhận hết sự gian khổ, khó khăn của Người, ngày đầu trở về Tổ quốc…

Thăm Pác Bó có thể đến bất cứ thời gian nào, nhất là giờ đây đường xá phẳng lì, phương tiện giao thông thuận tiện. Tuy nhiên, nên đến vào những ngày cuối năm, để cảm nhận hết sự gian khổ, khó khăn của Người, ngày đầu trở về Tổ quốc…

Những con cá liềng

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi lên đường thăm khu Pác Bó.

Cách thành phố Cao Bằng hơn 60 km ngược lên phía Bắc, khu di tích lịch sử Pác Bó nằm ở địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sát cạnh biên giới Việt - Trung.

Sau hơn mười năm trở lại, phong cảnh nay đà khác xưa. Khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành, nguy nga, toạ lạc trên đỉnh đồi cao. Được biết, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành đúng ngày 19/5/2011, có vị trí cảnh quan thiên nhiên đẹp, kiến trúc vừa dân tộc, vừa hiện đại. Không gian phía trong nhà tưởng niệm thoáng rộng. Gian thờ là bức tượng đồng Bác Hồ đặt chính giữa. Bốn bức tường là bốn bức phù điêu bàng đá hồng ngọc, phía trên gian thờ là bức hoành phi “Hồng Nhật Cao Minh” rất trang nghiêm.

Từ Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể ngắm bao quát cả một vùng không gian rộng lớn. Phía trước mặt là núi Các-Mác sừng sững. Dưới chân núi, dòng suối Lê Nin chảy róc rách, nước xanh trong.

Rời Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách đi dọc bờ suối Lê-Nin, thật kinh ngạc và thích thú khi nhìn thấy từng đàn, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Đây là loại cá mà dân địa phương gọi là cá liềng, dường như duy nhất chỉ sống ở con suối này. Đã có tỉnh dưới xuôi mang giống cá quý lên tặng, thả xuống con suối này, nhưng số lượng cứ ít dần, nghe nói không hợp thuỷ thổ. Chỉ riêng cá liềng phát triển rất mạnh. Chúng có một cách bơi khá lạ mắt, thỉnh thoảng bất ngờ nghiêng mình, phô tấm thân trắng bạc, lấp lánh như mội vì sao, khiến du khách phải dừng chân, mê mải ngắm nhìn.

Hang lạnh

Đi sâu vào bên trong, hay nói chính xác hơn, đi ngược lên phía thượng nguồn con suối, du khách phải len lỏi trên con đường mòn ghập ghềnh, rồi sau đó trèo lên lưng chừng núi. Đó chính là con đường lên hang Cốc Bó (còn gọi là hang Pác Bó).

Hang Cốc Bó nằm chếch phía trên đầu nguồn Pác Bó. Đó là một chiếc hang nhỏ, kín đáo, miệng hang hẹp, nằm sâu trong lòng núi, bên ngoài rất khó phát hiện. Chui vào trong hang, ta thấy lòng hang trũng hẹp, gập ghềnh, ẩm ướt. Phía trên có nhiều nhũ đá rủ xuống. Bác đã chọn một nhũ đá tạc bức tượng Các-Mác. Phía trên vách đá, Bác đề dòng chữ Hán: "Nhất cửu tứ nhất niên, nhị nguyệt, bát nhật”, có nghĩa là: Ngày 8 tháng 2 năm 1941. Đó là ngày Bác ra ở hang.

Mặc dù bên ngoài trời khá nóng nực, vậy mà khi bước chân vào trong hang, cảm thấy khí lạnh toả ra, cộng với sự ẩm ướt, khiến người tham quan thấm thía cái lạnh thường trực trong hang. Cứ theo ngày tháng Bác ghi trên vách đá, ta có thể hình dung được sự buốt giá đến tái tê trong những ngày Người ở đây. Dưới nền hang còn hiện diện một cái bếp đơn sơ, được kê bằng ba hòn đá. Cái bếp đặt cạnh chiếc giường Bác nằm. Nói là “giường” cho nó sang, thực ra chỉ là một tấm phản, lại càng thấy sự lạnh buốt mỗi khi màn đêm buông xuống. Một cái bếp nhỏ, hẳn không thể xua tan hết cái lạnh lẽo, buốt giá. Có vào tận trong hang, mới hiểu thấu lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đã khó khăn gian khổ đến mức nào trong những ngày đầu trở về Tổ quốc thân yêu. Sống khổ cực như vậy, nhưng Bác vẫn cực kỳ lạc quan. Sự lạc quan thể hiện ở bốn câu thơ mà trong chúng ta, có lẽ ai cũng thuộc lòng:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang *

Được biết, khi trở về Tổ quốc, ông Lý Quốc Súng là người địa phương đầu tiên được vinh dự đón Bác tại nhà riêng của mình. Nhà ông Súng cũng nằm gần hang Cốc Bó. Theo truyền thuyết, thì Cốc Bó chính là nơi Bác đến ở ngay sau khi rời nhà ông Súng. Sau đó để bảo đảm bí mật, Bác lại được chuyển sang một vài địa điểm mới. Cuối cùng sang lán Khuổi Nậm. Như vậy thời gian Bác ở hang Cốc Bó từ đầu tháng 2 đến cuối tháng3/1941. Cũng có nghĩa đó là thời gian rất lạnh ở khu vực núi cao này.

Tiên ông bên bờ suối

Ra khỏi hang, xuống đến bờ suối, ta bắt gặp một vườn trúc. Vườn trúc nằm ven theo suối. Những cây trúc mảnh mai, ngọn uốn cong, soi bóng xuống dòng nước trong vắt. Du khách được giới thiệu, đây là vườn trúc do chính Bác trồng. Những cây trúc này, là loại trúc cần câu rất quí. Bác dùng trúc làm cần câu và thường ngày khi rảnh rỗi, ngồi câu cá bên bờ suối. Gần vườn trúc còn có di tích ghi rõ, nơi Bác thường ngồi câu cá. Ta cứ hình dung những buổi chiều, khói sương bảng lảng, bỗng xuất hiện một ông cụ phơ phất chòm râu, ung dung ngồi câu cá bên dòng suối lững lờ. Thỉnh thoảng từ đáy sâu, lại loé lên một vài vệt sáng. Đó chính là những con cá liềng nghiêng mình khoe cái thân trắng bạc của chúng. Cảnh vật thơ mộng chẳng khác gì xứ sở của thần tiên. Và tạc vào không gian ấy, chính là hình bóng một ông tiên ngồi câu cá.

Ngày nay, hình ảnh ông tiên không còn, chỉ còn những con cá liềng béo ngậy, bơi lội tung tăng trong dòng nước. Chúng đông đúc đến mức khó tin, thoắt ẩn thoắt hiện, tạo nên một cảnh quan hết sức ngoạn mục.

Đi dọc bờ suối, du khách còn được thấy một cây ổi, nép mình khiêm nhường bên vách đá. Được biết xưa kia, khi Bác về ở trong hang Cốc Bó, đã có cây ổi ở đây. Bác thường lấy lá ổi về đun nước uống. Vừa giải khát vừa chữa bệnh. Nhiều năm sau cây ổi già chết đi, người dân lại kiếm một cây ổi khác, trồng vào đúng nơi cây ổi cũ. Cây ổi bây giờ du khách được thấy, là cây ổi mới trồng.

Đây rồi bàn đá chông chênh

Tiếp tục cuộc hành trình, du khách đi ngược lên phía thượng nguồn. Đã tới chỗ con đường rẽ sang phía bên kia bờ suối. Cô hướng dẫn viên xinh đẹp người Tày Trần Thị Xuân Quỳnh giới thiệu cho khách biết, đây chính là đâu nguồn của con suối Lê Nin. Quả nhiên có một dòng nước trong vắt từ khe đá đùn lên. Ai nấy xúm vào vục hai bàn tay rồi đưa lên miệng. Ngụm nước suối nguồn, mát và ngọt đến lạ kỳ, như xua tan nỗi nhọc nhằn trèo đèo lộ suối của du khách. Và còn được tận hưởng cảm giác thiêng liêng trước cảnh hoang sơ, huyền bí của núi rừng đầu nguồn.

Vượt qua những hòn đá, sỏi trơn trượt, cuối cùng thì du khách cũng vượt được sang phía bờ bên kia. Đi dọc bờ suối về phía hạ nguồn, du khách bắt gặp phiến đá lớn, nằm trên những phiến đá khác nhỏ hơn. Đây rồi! Chính là chiếc “Bàn đá chông chênh...” mà Bác đã dùng làm “mặt bàn” để dịch cuốn lịch sử Đảng (Đảng Cộng sản Liên Xô). Đến đây, mọi người không ai bảo ai, đều nhẩm đọc câu thơ của Người đã sáng tác ở chính nơi đây, thậm chí có thể ngay trên mặt của bàn đá. Bài thơ có tên "Tức cảnh Pác Bó”. Bốn câu thơ mà tác giả đã giới thiệu ở phần đầu bài viết này. Có người còn không kìm nổi sự tò mò, cố nhoài người để đặt bàn tay mình lên "bàn đá chông chênh..." một cách rất thành kính.

---------------------------

* Theo nhà văn Hoàng Quảng Uyên, câu thơ cuối của bài thơ này phải là "Cuộc đời cách mạng thế mà sang”

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm