| Hotline: 0983.970.780

Ngày đầu lấy nước đổ ải vụ ĐX: ĐBSH được “giải khát”

Thứ Ba 26/01/2010 , 10:28 (GMT+7)

Hôm qua 25/1, các tỉnh ĐBSH bắt đầu lấy nước đổ ải đợt I. Điều may mắn là cùng lúc, "cơn mưa vàng" 3 ngày ở miền Bắc cũng giúp công tác lấy nước thuận lợi hơn.

Hôm qua 25/1, các tỉnh ĐBSH bước vào ngày đầu tiên lấy nước đổ ải đợt I chuẩn bị cho vụ ĐX 2009 – 2010. Điều may mắn là cùng lúc, đợt mưa kéo dài hơn 3 ngày ở miền Bắc giúp công tác lấy nước thuận lợi hơn hẳn.  

Theo lịch xả nước đổ ải vụ ĐX 2009 – 2010 đã được thỏa thuận với Bộ NN-PTNT, từ 16h ngày 23/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành xả nước đợt I tại 3 hồ thủy điện lớn gồm Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang.

Đến chiều qua, tổng lưu lượng nước xả xuống vùng hạ du ĐBSH đạt mức trên 1.500m3/giây. Theo phòng Quản lí tưới tiêu (QLTT, Cục Thủy lợi) thì mức xả nước trong những ngày đầu (23 - 25/1) tại hồ Hòa Bình sẽ dao động từ 750 đến 1.000m3/giây; tại hồ Thác Bà là 100 đến 150m3/giây và của hồ Tuyên Quang là 120 đến 330m3/giây. Lưu lượng nước xả ở cả 3 hồ này sẽ lớn dần lên với tổng mức xả tối đa trên 2.200m3/giây từ nay đến hết ngày kết thúc đợt xả lần I (ngày 3/2).

Điều đáng mừng là cùng thời điểm EVN xả nước, miền Bắc đã đón nhận một đợt mưa kéo dài 3 ngày với lượng mưa khá lớn. Theo Trung tâm Dự báo KTTVTƯ, tổng lượng mưa đo được tại các tỉnh ĐBSH dao động từ 50 đến 75ml. Mặc dù chưa có báo cáo cụ thể nhưng theo ông Đặng Duy Hiển, Trưởng phòng QLTT thì có khả năng mực nước của các hồ chứa lớn tại miền Bắc đã được đẩy cao thêm từ 10- 15cm. Cùng với việc xả nước, đợt mưa vừa qua cũng đã bổ sung đáng kể vào dòng chảy làm cho mực nước sông Hồng tại vùng hạ du dâng cao.

Vào lúc 7h sáng qua, mực nước trên sông Hồng đo được tại trạm Hà Nội ở mức 1,85m (so với mức 0,68m ngày 23/1). Trong vài ngày tới, mực nước trên sông Hồng có khả năng lên mức trên 2m khi EVN tăng lưu lượng xả nước các hồ thủy điện.

Theo quan sát của PV vào chiều qua, nhiều đụn cát lớn trên sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã được khỏa lấp. Lượng tàu thuyền mắc cạn ở thượng nguồn sông Hồng thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc nườm nượp xuôi dòng. Còn tại nhiều cánh đồng khu vực ven Hà Nội như Thuận Thành, Từ Sơn (Bắc Ninh), Gia Lâm (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên)...,lượng nước mưa có nơi đọng thành vũng lớn. Điều này giúp công tác lấy nước đổ ải diễn ra hết sức thuận lợi.  

Ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hưng Yên cho biết tới ngày hôm qua, việc triển khai lấy nước đổ ải vụ ĐX của tỉnh này cơ bản đạt tiến độ. Ngay từ đầu tháng 1/2010, Hưng Yên đã chủ động lên kế hoạch theo dõi mực nước sông Hồng lên xuống theo thủy triều để bơm nước từ kênh Bắc Hưng Hải đổ ải cho các diện tích khó khăn về nước với chủ trương “nước lấp miệng hút lúc nào, bơm lúc đó” chứ không chờ tới lúc EVN xả nước. Tới thời điểm này, toàn tỉnh đã đổ ải được gần 45% diện tích đất lúa vụ ĐX. Cũng theo ông Hanh thì tới sáng qua, mặc dù mực nước của kênh Bắc Hưng Hải chưa đạt mức cao thuận lợi nhưng các trạm bơm lớn trên toàn tỉnh như: Thống Nhất, Như Quỳnh, Văn Lâm...đều đã lấp miệng hút và có khả năng chạy hết công suất.  

Mực nước tại cống Liên Mạc (Từ Liêm, Hà Nội) lấy nước cho hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy sáng qua lên mức 2,73m, mức khá thuận lợi cho việc lấy nước. Tại nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Thanh Trì...các trạm bơm cũng đã bắt đầu hoạt động lấy nước cho bà con gieo mạ trà xuân muộn. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV NNVN tại Gia Lâm thì hệ thống mương nội đồng hết sức tồi tàn khiến việc lấy nước rất khó khăn.

Ngược lên khu vực cống Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên), ông Đào Văn Chương, trạm trưởng trạm quản lí cống cho biết mực nước tại miệng cống đo được cuối chiều qua đã tăng lên mức 1,6m (so với mức 0,55m ngày 22/1), tương đương với lưu lượng nước qua cống vào kênh Bắc Hưng Hải đạt mức 55m3/giây. Mực nước này là khá lí tưởng cho việc lấy nước và sẽ đạt mức tối đa khoảng 75m3/giây khi mực nước sông Hồng tăng cao lên mức 1,85m.

Để kịp thời chỉ đạo công tác lấy nước đổ ải đợt I, sáng qua Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cũng đã lập đoàn kiểm tra về một số địa phương tại Hà Nam chỉ đạo công tác lấy nước. Ông Đặng Duy Hiển, Trưởng phòng QLTT tham gia đoàn công tác cho biết các địa phương tại Hà Nam ngày hôm qua cũng đã đồng loạt huy động nhân, vật lực lấy nước ngay khi cống Liên Mạc (tại Từ Liêm, Hà Nội) lấy được nước vào hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy. Một số huyện khó khăn về nước của Hà Nam như Duy Tiên, Kim Bảng...hiện vẫn khá khó khăn trong việc lấy nước từ sông Đáy và phải chờ nước sông Hồng tiếp tục lên cao.

Trước đó, tại nhiều huyện vùng trũng như Lý Nhân, Bình Lục...đã tranh thủ lượng nước có sẵn và gieo cấy trước so với nhiều địa phương ở ĐBSH. Đến thời điểm này, Hà Nam đã gieo cấy được 25% diện tích lúa ĐX.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.