| Hotline: 0983.970.780

Ngày Tết nói chuyện 'Lễ'

Thứ Ba 25/01/2022 , 20:35 (GMT+7)

Chữ 'Lễ' là một yếu tố thuộc văn hóa. Văn hoá góp phần tạo nên bản sắc của một doanh nghiệp thành công.

Nhân dịp đầu Xuân, Báo NNVN xin trích đăng bài viết của ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Unifarm (Công ty về nông nghiệp công nghệ cao thuộc tập đoàn U&I) về chữ 'Lễ' trong văn hoá công ty.

Lễ là tưởng nhớ và tri ân tiền nhân

“Ba ơi, con thấy 30 Tết năm nào nhà mình đều cúng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, mà có thật là ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng mình không ba?”.

“Ông bà sẽ về nhưng về trong sự tưởng nhớ của cháu con. Lễ rước ông bà về ăn Tết là thể hiện cái gọi là “lễ, nghĩa” của con cháu đối với tiền nhân trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam mình thôi con. Vậy nên mới gọi là “Lễ Tết” đó con ạ”

“Vậy từ lễ mà ba vừa nói có nghĩa là để tưởng nhớ, tri ân tiền nhân hay còn có nghĩa gì khác không ba?”.

Câu chuyện của tôi và cô con gái 14 tuổi về chủ đề “lễ, nghĩa” diễn ra trong lúc lau dọn bàn thờ gia tiên để chuẩn bị làm lễ rước ông bà trong không khí ấm cúng mà thiêng liêng của ngày giáp Tết. Tôi nhớ đó cũng là chủ đề của cuộc trò chuyện giữa tôi và ông bà ngoại của mình vào một dịp Tết của ba mươi năm trước. Cái Tết cứ mỗi năm lại về, bao lớp người xưa mất đi, bao thế hệ trẻ lại tiếp nối. Nhưng lời dạy của ông bà về chữ “Lễ” vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho con cháu noi theo trong quá trình tu thân, lập nghiệp.

Ông Phạm Quốc Liêm và người thầy đầu tiên về nông nghiệp của mình, ông Aviel Sade (người Israel). Ảnh: Unifarm.

Ông Phạm Quốc Liêm và người thầy đầu tiên về nông nghiệp của mình, ông Aviel Sade (người Israel). Ảnh: Unifarm.

Lễ là “lời chào cao hơn mâm cỗ” và “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”

“Lễ trước tiên là lễ phép. Đó là khi cháu luôn nhớ câu: “lời chào cao hơn mâm cỗ” để chủ động chào hỏi người đối diện, đồng thời, không tự ý ngồi vào ghế của ông để xới tung mâm cơm mà phải biết: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” cháu nhé”. Cách định nghĩa rất đỗi giản đơn mà ý nghĩa của bà tôi năm ấy đã đồng hành cùng tôi từ thuở lên mười cho đến ngày nay, khi đã ở tuổi trung niên và đang dẫn dắt nhiều người trẻ tại công ty mình.

So với thế hệ 7x, 8x của chúng tôi ngày trước, lớp trẻ thuộc thế hệ 9x, 10x bây giờ có điều kiện sống và học tập trong một môi trường năng động hơn. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ vẫn bối rối trong một số tình huống giao tiếp cơ bản. Không ít lần tôi bắt gặp hình ảnh các bạn “quên” chào cấp trên, người lao động lớn tuổi và đối tác của công ty. Để khắc phục việc này, tôi đã đưa lời chào vào chính sách văn hoá của công ty mình để mọi người cùng thực hiện. Bởi, tôi có niềm tin rằng một lời chào cùng nụ cười thân thiện sẽ tạo ra năng lượng tích cực để kết nối người và người, vì lý tưởng và mục tiêu chung.

Tại U&I, anh Mai Hữu Tín không chỉ là lãnh đạo cao nhất mà còn là người anh cả về mặt tinh thần, luôn quan tâm, hướng dẫn các thế hệ nhân viên về chuyên môn và văn hoá giao tiếp, ứng xử. Anh sẵn sàng hướng dẫn mọi người từng chi tiết nhỏ nhất, từ cách cài cúc áo vest khi dự hội nghị, cách cầm muỗng/nĩa khi dùng thức ăn Tây, đến vị trí của từng người ở những cấp bậc khác nhau khi ngồi trên xe hoặc tại bàn ăn với đối tác. Đâu đó từ những lời dạy của anh, tôi bắt gặp câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” năm nào, với niềm tin rằng, dù là quản lý cấp cao hay nhân viên tập sự, mỗi con người trong gia đình U&I đều cần thể hiện được văn hoá giao tiếp của cá nhân và tổ chức mà mình đại diện.

Lễ là “kính thầy mới được làm thầy”

“Lễ còn có nghĩa là đạo đức, là sự tri ân, kính trọng người đi trước và dìu dắt người đi sau. Trong cuộc sống, cháu phải luôn nhớ “kính thầy mới được làm thầy” cháu nhé”. Ông ngoại tôi tiếp lời, trong câu chuyện cũ kể trên.

Tôi tự nhận mình là một người ham học và luôn kính trọng những người thầy trong cuộc đời của mình. Có lẽ vì vậy, từ một người “ngoại đạo” với nghề nông, tôi có may mắn được gặp và trở thành học trò của nhiều người thầy giỏi trong hành trình “tầm sư học đạo” (mà tôi còn nói vui là “du học bụi”) tại các quốc gia nông nghiệp hàng đầu thế giới, thuở mới chập chững vào nghề.

Ông Phạm Quốc Liêm và những người thầy trong 1 lần đi khảo sát về cây chuối giống ở Viện chuối Đài Loan. Từ trái qua: GS.TS Trương Vũ Nam, PGS.TS Nguyễn Minh Châu và TS.Triệu Chí Bình, Viện trưởng viện chuối Đài Loan (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Unifarm.

Ông Phạm Quốc Liêm và những người thầy trong 1 lần đi khảo sát về cây chuối giống ở Viện chuối Đài Loan. Từ trái qua: GS.TS Trương Vũ Nam, PGS.TS Nguyễn Minh Châu và TS.Triệu Chí Bình, Viện trưởng viện chuối Đài Loan (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Unifarm.

Người thầy đầu tiên đã truyền cảm hứng và kiến thức về nông nghiệp hiện đại cho tôi là ông Aviel Sade, một kỹ sư hoá học người Israel. Ông là một trong những người Israel đầu tiên rời thành phố Tel Aviv để đến vùng đất Arava từ những năm 70 của thế kỷ trước, dựng nhà kính trồng cà chua, ớt ngọt và xuất khẩu thành công đi Châu Âu, góp phần biến Arava từ một hoang mạc của 50 năm trước trở thành một vùng nông nghiệp hiện đại trù phú ngày nay. Tôi học được ở ông đức tính không khuất phục trước khó khăn, sẵn sàng biến cái không thể thành có thể, và dĩ nhiên, không thể thiếu cái gọi là trách nhiệm xã hội khi làm trong lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ con người.

Tôi may mắn được thỉnh giáo với GS.TS Trương Vũ Nam – một giáo sư kỳ cựu tại Khoa nông nghiệp của Đại học Đài Trung, người thầy của nhiều thế hệ lãnh đạo nông nghiệp của Đài Loan hiện nay. Ông đã đến và gắn bó với nông nghiệp Việt Nam từ hơn 20 năm trước theo lời mời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam khi đó. Cũng chính ông là người đã giúp Unifarm đặt quan hệ hợp tác với nhiều nhà khoa học của Đài Loan trong suốt những năm qua.

Tôi còn có duyên được cộng tác với PGS. TS. Nguyễn Minh Châu, người đã dành tâm huyết cả đời cho ngành cây ăn quả Việt Nam trên cương vị Viện trưởng của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam trong hơn 20 năm từ lúc thành lập viện đến ngày ông nghỉ hưu. Về Unifarm trong vai trò cố vấn, PGS. TS. Nguyễn Minh Châu đã cùng tôi xuôi ngược khắp nơi, cả trong lẫn ngoài nước, để xây dựng quan hệ hợp tác quốc tế và tìm ý tưởng mới về nông nghiệp.

Nếu không có những người thầy trên, chắc chắn tôi đã không trở thành một người am hiểu về nông nghiệp để có thể vững vàng lèo lái doanh nghiệp của mình, rất đúng với câu: “kính thầy mới được làm thầy” mà ông tôi từng căn dặn.

Có nên bỏ chữ Lễ khỏi hệ thống tư tưởng giáo dục tại Việt Nam?

Gần đây, qua báo đài, tôi có biết câu chuyện một vị giáo sư đã đề xuất chấm dứt dùng khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” nhằm thúc đẩy “tư duy phản biện”. Tôi cũng nghe một số chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng các bạn trẻ ngày nay có phần yếu về khả năng phản biện.

Tôi không có ý lạm bàn chuyện của ngành giáo dục. Tuy nhiên, từ góc nhìn của một người sử dụng sản phẩm của ngành giáo dục (tức con người), tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Ngược lại, với sự năng động vốn có, các bạn trẻ ngày nay còn sẵn sàng nói khác với ý kiến của người đối diện mà không quá e dè như các thế hệ trước.

Unifarm họp mặt, liên hoan cuối năm. Đây là dịp để tập thể lãnh đạo, nhân viên thể hiện tình cảm gắn bó như một gia đình, đoàn kết, chia sẻ và động viên nhau. (Trong ảnh: Chủ tịch Unifarm Phạm Quốc Liêm động viên, khen tặng nhân viên xuất sắc). Ảnh: Unifarm.

Unifarm họp mặt, liên hoan cuối năm. Đây là dịp để tập thể lãnh đạo, nhân viên thể hiện tình cảm gắn bó như một gia đình, đoàn kết, chia sẻ và động viên nhau. (Trong ảnh: Chủ tịch Unifarm Phạm Quốc Liêm động viên, khen tặng nhân viên xuất sắc). Ảnh: Unifarm.

Mặt tích cực của việc này là thái độ tự tin dám thể hiện quan điểm. Nhưng mặt trái của hiện tượng này là có một số người chỉ lo phản biện mà ít chịu khó quan sát, học hỏi và nắm vững vấn đề mình sắp trình bày.

Khi mới sang Việt Nam làm việc tại Unifarm, không ít lần ông Aviel Sade đã yêu cầu các nhân viên trẻ hãy chịu khó lắng nghe, quan sát, thực hành và suy ngẫm trước khi bày tỏ thái độ tiêu cực về một vấn đề nào đó. “Phản biện” chỉ tốt khi các bạn có sự lập luận đúng đắn dựa trên việc làm chủ kiến thức và kinh nghiệm về chủ đề cần phản biện, trong đó có sự thừa hưởng kiến thức từ người đi trước.

Quay lại với đề xuất của vị giáo sư kia với giả thiết là xã hội chấp nhận bỏ câu “tiên học lễ, hậu học văn” đi, liệu có thể dẫn đến tình trạng thế hệ trẻ không còn kính trọng người đi trước của mình (ông ba, cha mẹ tại gia đình, thầy cô trong nhà trường, lãnh đạo trong tổ chức)? Khi đó, liệu họ có cơ hội để được thừa hưởng kiến thức và kinh nghiệm của những người đi trước để làm nền tảng phát triển năng lực cá nhân, từ đó có được sự phản biện đúng đắn và có giá trị hay không?

Rộng hơn, một dân tộc không đề cao nền văn hoá truyền thống cũng như không khuyến khích sự kế thừa về mặt kiến thức và kinh nghiệm giữa các thế hệ thì đó phải chăng là một dân tộc đang tự lãng phí về tài nguyên trí tuệ và rồi tương lai của dân tộc đó sẽ về đâu? “Có nên bỏ chữ Lễ khỏi hệ thống tư tưởng giáo dục tại Việt Nam” chăng - Hỏi tức là đáp vậy.

Tôi khép lại câu chuyện bằng một lời khuyên dành cho cô con gái, và cũng tự nhắn nhủ với chính mình: ““Tôn sư trọng đạo”, “Lễ nghĩa”, không chỉ là truyền thống tốt đẹp của người Việt chúng ta, mà của cả nhân loại, con gái ạ. Đó chính là tiền đề quan trọng để hình thành một nhân cách tốt. Đối với một con người, hoàn thiện nhân cách chính một yếu tố quan trọng để thành công trên đường đời. Vì thế, con phải luôn ghi nhớ và tuân thủ chữ ‘lễ” trong suốt cuộc đời mình”.

Tại công ty CP Nông nghiệp Unifarm, công nhân không chỉ có công việc ổn định, mà họ còn có cơ hội học về kiến thức nông nghiệp công nghệ cao trong một môi trường coi trọng văn hoá truyền thống. Ảnh: Unifarm.

Tại công ty CP Nông nghiệp Unifarm, công nhân không chỉ có công việc ổn định, mà họ còn có cơ hội học về kiến thức nông nghiệp công nghệ cao trong một môi trường coi trọng văn hoá truyền thống. Ảnh: Unifarm.

Ông Phạm Quốc Liêm có 3 bằng cử nhân: Hải quan, Ngữ văn Anh và Quản trị kinh doanh; ông từng học và trải nghiệm về nông nghiệp tại các quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, như: Israel, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…Unifarm là một trong những công ty tiên phong đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam từ năm 2009 với quy mô hàng ngàn ha tính đến nay, là đơn vị đầu tiên của cả nước trồng dưa lưới theo công nghệ Israel, trồng chuối xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc… với nhãn hiệu Unifarm và Dole.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.