| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Được mùa lạc đông

Thứ Hai 25/11/2019 , 08:44 (GMT+7)

Theo kế hoạch thì vụ đông 2019 toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu gieo trồng 1.400 ha lạc, phấn đấu đạt năng suất bình quân 21 tạ/ha, sản lượng 2.940 tấn.

Trồng lạc vụ đông.

Nhưng trận mưa lớn xảy ra từ ngày 14 - 16/10 vừa qua, với tổng lượng mưa lên đến 940mm đã gây ngập úng tạm thời trên diện rộng, tưởng chừng vụ lạc đông năm bị "xóa sổ".
 

Được mùa lạc đông

Ngay từ những ngày đầu bước và sản xuất vụ đông năm nay, thời tiết có thể nói khá thuận lợi, trước đó các loại cây trồng trong vụ hè thu cũng được thu hoạch nhanh, gọn để nhường đất cho các loại cây trồng vụ đông được tiến hành gieo trồng sớm.

Một trong những loại cây trồng trong vụ đông được ngành nông nghiệp Nghệ An ưu tiên mở rộng dần, đó là cây lạc. Nghệ An vốn là vùng đất có diện tích lạc xuân được gieo trồng nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước (từ 21.000 - 22.000 ha vụ xuân) và cũng là tỉnh luôn luôn đạt năng suất lạc xuân từ 25 - 26 tạ/ha, trong nhóm các tỉnh, thành có năng suất lạc cao nhất nước.

Những năm trước đây khi bàn về chuyện cây lạc đông có rất nhiều ý kiến băn khoăn về thời tiết do vụ lạc này thường bị mưa to, mưa kéo dài gây ngập úng, gió mạnh, thậm chí là bão về sớm… nên từ người lãnh đạo, chỉ đạo, đến bà con nông dân rất do dự và chần chừ có nên gieo trồng lạc không. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, về lý thuyết thì như vậy, nhưng cứ làm thử đi, làm để biết, làm để rút kinh nghiệm thành công và thất bại.

Tính đến hôm nay, Nghệ An đã trải qua 3-4 vụ sản xuất lạc đông trên quy mô từ 800 - 1.000 ha. Từ vụ đông 2017 trở lại đây, lạc đông đang trở thành cây trồng chính ở một số địa phương thuộc các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương và một số huyện miền núi.

Vụ lạc đông 2019, toàn tỉnh gieo trồng được 1.432 ha, thời gian đầu nắng hạn, thời điểm lạc có củ và củ non bắt đầu phình to thì gặp mưa lớn vào các ngày 14 đến ngày 16/10/2019, với tổng lượng mưa đo được trong 3 ngày đó xấp xỉ 1.000mm. Mưa gây ngập úng nặng tạm thời ở nhiều vùng trong tỉnh. Sau trận mưa đó, tưởng chừng cây lạc mất trắng không thể cứu vãn nổi.

Nhưng thật may, hầu hết cây trồng vụ đông mất mát không đáng kể, nhất là cây lạc do được gieo trồng ở những vùng đất cao, có hệ thống thoát nước nhanh, nên thiệt hại gần như không đáng kể. Đến nay, cơ bản vụ lạc đông năm nay toàn tỉnh đã thu hoạch xong, năng suất theo báo cáo nhanh của các huyện đạt bình quân 23,20 tạ/ha, cao hơn cả vụ lạc đông năm 2018 là 1 tạ/ha.

Riêng tại huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN- PTNT cho biết, vụ đông 2019, toàn huyện gieo trồng được 825 ha lạc, năng suất bình quân 27 tạ/ha, thấp thua vụ lạc đông năm ngoái 3 tạ/ha, do ảnh hưởng của trận mưa lớn từ ngày 14 - 16/10 gây ngập úng, tiêu nước chậm.

Ở Nghệ An, địa phương có diện tích gieo trồng lạc vụ đông nhiều nhất tỉnh, năng suất cao nhất tỉnh, đó là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Toàn xã gieo trồng 320 ha lạc, năng suất đạt bình quân 28 tạ/ha, sản lượng 896 tấn.

Ông Hà Huy Đồng, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết, vụ lạc đông năm nay diện tích bằng vụ đông năm 2018, nhưng năng suất thấp thua vụ đông năm ngoái hơn 2 tạ/ha do ảnh hưởng của trận mưa lớn giữa tháng 10 vừa qua. Nhưng lạc vẫn là cây trồng cho thu nhập cao nhất trong các cây trồng vụ đông.

Giá lạc hiện nay đang được thương lái và một số công ty giống cây trồng ở các tỉnh mua từ 32.000 - 33.000 đ/kg. Tính ra 1 ha lạc thu về trên dưới 90 triệu đồng, nhiều gấp 5 lần gieo trồng ngô. Đây chính là nguyên nhân vì sao bà con nông dân Diễn Thịnh "mê" trồng lạc nhiều hơn bất cứ cây trồng nào trong vụ đông là vì vậy.

Còn tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, vụ lạc đông năm nay, ông Trần Văn Sao - Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã gieo trồng được 20 ha lạc đông (10 ha giống lạc L20 và 10 ha giống lạc Sen tại Nghệ An). Cả 2 giống này đều cho năng suất bình quân từ 28 - 30 tạ/ha.

Trong đó giống lạc sen tại Nghệ An củ đẹp hơn, năng suất cao hơn giống lạc L20 từ 5-7% do có tỉ lệ hạt chắc cao hơn và chất lượng hạt lạc ăn ngon, thơm hơn, nên sau thu hoạch dân thương lái đến mua hết và được bán với giá cao hơn các giống lạc khác từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
 

Bài học kinh nghiệm

Gieo trồng cây lạc trong vụ đông khác với gieo trồng cây lạc trong vụ xuân, trong điều kiện thời tiết hoàn toàn khác nhau. Đầu vụ gieo trồng nắng nóng, nhiệt độ không khí cao, thậm chí bị hạn nặng. Cuối vụ thường gặp mưa to, gió mạnh và có thể có gió bão về sớm gây mưa lớn, làm ngập úng cả đồng lạc.

Nhưng trong thực tế sản xuất, người nông dân đã biến cái khó thành cái khôn để tránh né những khó khăn do thời tiết gây ra. Chính vì vậy từ những thất bại 1, 2, 3 vụ trồng lạc vụ đông đầu tiên, đến hôm nay nhờ rút kinh nghiệm từ những thất bạ đó mà có thành công liên tục.

Những kinh nghiệm đó là, thứ nhất quy hoạch và lựa chọn vùng đất để gieo trồng lạc đông phải là những vùng đất cát pha, thịt nhẹ, cao ráo rất ít khi bị mưa to ngập úng. Chung quanh vùng lạc đông phải có mương tiêu thoát nước nhanh khi có mưa to.

Thứ hai, thời vụ gieo trồng càng sớm càng tốt, tốt nhất gieo xong trong ngày đầu tháng 8. Sau khi thu hoạch xong cây trồng vụ hè thu, làm đất gieo trồng ngay, vừa lúc đất còn đủ ẩm, vừa gieo trồng được càng sớm càng tốt để thu hoạch sớm, né được mưa to, mưa nhiều giai đoạn cuối vụ làm giảm năng suất lạc, nhất là những giống lạc hở vỏ, giống lạc dễ nẩy mầm.

Thứ ba, chỉ nên gieo trồng các giống lạc vừa ngắn ngày, vừa kín vỏ như các giống L14, L20, Sen lai Nghệ An 75/23… Về chăm sóc, đầu tư phân bón nhiều và đủ phân trước khi gieo, cụ thể 1 ha cần bón từ 10 - 15 tấn phân chuồng hoai + 600-800 kg NPK loại 3-9-6 + 300 kg vôi bột. Phân chuồng và NPK 3-9-6 trộn đều bón hết trước khi gieo và nên bón rãnh trên mặt luống, bón xong khỏa đất lấp phân lại mới gieo hạt. Riêng vôi 70 - 80% bón vào đất rải đều, số vôi còn lại vào lúc cây lạc ra hoa bói.

Cuối cùng, gieo trồng lạc vụ đông nhất thiết phải phủ nilon kín trên mặt luống để vừa hạn chế cỏ mọc, vừa chống dẹ đất sau mỗi cơn. Khác với trồng lạc trong vụ xuân là nilon được đục lỗ sẵn trước khi gieo để đề phòng khi hạt lạc mọc mầm lên khỏi mặt đất không bị chết do nhiệt độ trên mặt luống lọc cao bởi nilon phủ kín trong điều kiện nhiệt độ không khí ngoài trời lúc này vẫn còn rất cao.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.