| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Lợn chết vứt bừa bãi, thịt bán tự do

Thứ Ba 05/11/2019 , 08:44 (GMT+7)

Tính đến đầu tháng 10 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiêu hủy 66.388 con lợn với tổng trọng lượng 3.231.610kg.

16-40-14_lon_dich_chet_th_troi_song
Lợn chết bị vứt bỏ gây ô nhiễm, tạo điều kiện cho dịch lây lan thêm.

Dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và đang lây lan ra diện rộng ở hầu hết 21 huyện, thành, thị, danh sách các hộ dân buộc phải tiêu hủy ngày càng dài ra.

Đầu tháng 10 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đã chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không được lơ là, buông lỏng và chủ quan với dịch tả lợn Châu Phi. Nhưng tại nhiều nơi tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc phòng chống dịch vẫn xảy ra.
 

Lợn chết vứt bừa bãi

Ở huyện Thanh Chương những ngày vừa qua người dân rất lo lắng về tình trạng có nhiều bao bì đựng lợn chết vứt trôi nổi trên sông Lam, sông Cầu Gang và cả hai bên đường những đoạn ban đêm vắng người đi lại.

Ngày 23/10, tại khu vực Rú Nguộc thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn, có một người nào đó quá vô trách nhiệm đã vứt cả 15 con lợn chết dịch xuống cửa cống thoát nước và ngay sau khi nhận được tin từ người dân báo lên, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ và giao chính quyền sở tại thu dọn, chôn cất 15 xác lợn chết.

Tại huyện Yên Thành cũng xuất hiện tình trạng lợn bị chết dịch người dân không ngại ngần tìm cách vứt xác lợn chết xuống song. Cụ thể ngày 5/10 ở khu vực cầu Cây Phượng, xã Lăng Thành nhiều xác lợn chết vứt ra trôi nổi trên sông Cái thuộc hệ thống nông giang dẫn nước từ bara Đô Lương chảy về Diễn Châu và Quỳnh Lưu.

Đến huyện Hưng Nguyên cũng vậy, sáng 8/10 người dân xã Hưng Đạo phát hiện một số xác lợn trôi nổi lềnh bềnh trên sông Đào đã bốc mùi hôi thối.

Ngược lên các huyện miền núi cũng thấy tình trạng vứt lợn chết dịch bừa bãi.

Tại thị xã Thái Hòa vào khoảng 10h ngày 22/10 khi đi qua cầu Sông Hiếu người dân phát hiện một bao tải để bên thành cầu chưa kịp hất xuống lòng sông, có lẽ người đi vứt gặp quá nhiều người đi lại trên cầu sợ bị lộ rồi bỏ đi. Người dân tưởng đó là bì rác, mở ra thì xác một con lợn chết.

Có thể nói không có địa phương nào không bị dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, không có nơi nào không có lợn chết vì dịch và tình trạng lợn chết dịch được vứt bừa bãi hai bên lề đường, xuống sông suối không phải là ít. Đã thế, đang trong mùa dịch thịt lợn lại được bày bán nhiều nơi không có dấu kiểm dịch.
 

Thịt bán tự do

Chỉ một đoạn ngắn trên đường Nguyễn Trung Ngạn cạnh chợ Quán Lau thành phố Vinh có tới 7 điểm bán thịt lợn vỉa hè, tất cả bán trên tấm phản gỗ hoặc trên tấm bạt nhỏ, thậm chí trên mẹt; có điểm bán cả con, có điểm bán 15 - 20kg… Giữa trung tâm thành phố Vinh, ngay tại vỉa hè chung cư phường Đội Cung không sáng nào không có 2 điểm bán thịt lợn được đưa từ các huyện Thanh Chương, Nam Đàn… về bán. Tôi hỏi ai cho các chị bán thịt lợn ở đây và thịt bán lại không có dấu kiểm dịch của thú y. Chị Nguyễn Thị Chung quê ở Thanh Chương, chủ điểm bán thịt nói ngay: Sáng nào em cũng bán ở đây có ai kêu ca gì đâu.

Đi một vòng quanh thành phố Vinh trên các tuyến đường như Hà Huy Tập, Kim Đồng, Lê Viết Thuật…, sâu vào các ngõ phố các khu chung cư đều thấy các điểm bày bán thịt lợn tràn lan bất chấp dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát.

Những tưởng chỉ có ở thành phố Vinh dân được "tự do" bán thịt, hóa ra đi một vòng đến một số vùng nông thôn ở các huyện: Hưng Nguyên lên Thanh Chương, Đô Lương, xuống Yên Thành, Diễn Châu về Nghi Lộc đều bắt gặp các điểm bán thịt lợn từ 15 - 20kg, bán trên các trục đường liên thôn, liên xã, ngã ba, ngã tư.

Tại gần cổng chợ xã Nghi Mỹ huyện Nghi Lộc có 2 điểm bày bán thịt lợn bên lề đường, gặp chúng tôi cả 2 chị An và Khuyên vui vẻ chào mời mua thịt và tự giới thiệu: thịt ngon, thịt lợn nhà, không phải thịt lợn bị dịch bệnh đâu mà sợ… Khi chúng tôi hỏi, đang mùa dịch tả lợn Châu Phi ai cho các chị bán thịt ở đây? Cả 2 chị nói ngay: "Bọn em thấy người ta bán được thì bọn em bán".

Khi có dịch bệnh xảy ra trên các con gia súc, gia cầm nói chung, con lợn nói riêng, từ Trung ương đến các tỉnh, thành, xuống đến các làng xã đều có văn bản của Nhà nước nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán các loại thịt và các loại thực phẩm được chế biến từ thịt của con gia súc, gia cầm đó. Đồng thời tổ chức triển khai mọi biện pháp phòng chống dịch triệt để cho đến khi công bố hết dịch mới được vận chuyển, buôn bán, giết mổ thịt trở lại.

Nhưng xem ra trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiều địa phương tại Nghệ An cho thấy chưa thật sự quyết liệt, không triệt để và thiếu kiên trì khiến dịch bùng phát trở lại.

Vừa qua không một huyện, thành nào, không một xã, phường nào không thành lập ban phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Nhưng vấn đề là chất lượng hoạt động, hiệu quả hoạt động. Thành lập cho có ban bệ là chuyện hình thức, là chuyện đối phó xưa nay đã có, đã thấy.

Nếu các ban bệ chống dịch hoạt động tốt thì làm gì có chuyện lợn chết vứt xuống sông suối, hai bên lề đường, thịt lợn đang trong mùa dịch được bán tràn lan… Đây chính là điều kiện và cũng là nguyên nhân bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan, kéo dài chưa có hồi kết.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.