Ngày 16/3, tại Nghệ An đã diễn ra Hội nghị “Phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc gia cầm năm 2023”. Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT và Đặng Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đồng chủ trì.
Ngành chăn nuôi Nghệ An tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, từng bước chuyển đổi hình thức từ nhỏ lẻ, phân tác sang trang trại tập trung; từ vùng đồng bằng có mật độ dân số cao lên khu vực miền núi có mật độ dân số thấp; hình thành các vùng chăn nuôi, sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tốc độ tăng trương và giá trị sản xuất ngành chăn nuôi Nghệ An duy trì đà tịnh tiến ấn tượng qua từng năm, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp thuần tăng khá (năm 2022 đạt 48,25%), góp phần đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu ngành.
Tín hiệu khởi sắc bắt nguồn từ sự nhập cuộc của các doanh nghiệp “đại bàng”, như thể là chất xúc tác hữu hiệu để thúc đẩy toàn ngành đi lên. Doanh nghiệp lớn mạnh, có tiềm lực không ngần ngại đầu tư, ứng dụng công nghệ cao thông qua nhiều trang trại quy mô tập trung, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Điển hình là chuỗi chăn nuôi lợn của Công ty Masan, Công ty chăn nuôi CP, Công ty TNHH Thành Đô, Công ty Darby CJ Genetics…
Qua theo dõi, thấy rằng năng suất và chất lượng các sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa) của Nghệ An ngày càng tăng nhanh, nhìn chung đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp công quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn cũng như quá trình phát triển KT-XH của toàn tỉnh.
Thành quả trên một phần đến từ sự nỗ lực, bền bỉ trong công tác phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi thời gian qua. Hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được khống chế. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn đặc biệt quan tâm, do đó đã xử lý kịp thời, các ổ dịch chỉ xảy ra lác đác tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ. Một số dịch bệnh khác cũng kịp thời phát hiện, không để lây lan ra diện rộng…
Ngoài ra, Nghệ An cũng chủ động ban hành và thực hiện hiệu quả các Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh LMLM, CGC, dại, DTLCP, VDNC, thủy sản; xây dựng và duy trì 8 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, thủy sản; duy trì các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh thú y ATTP; công tác quản lý kinh doanh thuốc thú y được tăng cường; nhận thức và chấp hành quy định của nhà nước về buôn bán thuốc thú y có sự chuyển biến rõ rệt…
Nhưng ngành chăn nuôi Nghệ An chưa khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao, vô hình trung gây ra nhiều khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh và chất thải chăn nuôi.
Nghệ An cũng chưa quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, các thương hiệu sản phẩm chăn nuôi cấp tỉnh còn hạn chế. Quá trình tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Đặc biệt, chính quyền cơ sở chưa thực sự kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác nuôi, quản lý, tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ…
Từ thực tiễn đặt ra, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho ngành chăn nuôi. Theo đó, năm 2023 phấn đấu nâng tổng đàn trâu bò lên 793.000 con; đàn lợn 1.150.000 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 285.000 tấn; sản lượng sữa đạt 260 triệu lít.
Bên cạnh đó phải tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2023. Yêu cầu tổ chức thực hiện nghiệm việc tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT, đảm bảo đạt từ 80% tổng đàn trở lên.