| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An thận trọng với các dự án chuyển đổi đất rừng

Chủ Nhật 09/04/2023 , 17:39 (GMT+7)

Không muốn tài nguyên rừng bị “bào mòn” thêm nữa, 5 năm qua Nghệ An đã tập trung quán xuyến chặt chẽ, đặc biệt là những dự án trong diện chuyển đổi đất rừng.

Kể từ khi Chỉ thị số 13-CT/TW có hiệu lực, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Nghệ An được cải thiện thấy rõ. Ảnh: Việt Khánh. 

Kể từ khi Chỉ thị số 13-CT/TW có hiệu lực, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Nghệ An được cải thiện thấy rõ. Ảnh: Việt Khánh. 

Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hệt như một làn gió mát tràn qua địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước.

Giai đoạn 2017 - 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bị xử lý vì thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư đối với các dự án đầu tư có ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp.

Chỉ sau 5 năm thực hiện diễn biến an ninh rừng tại Nghệ An được củng cố thấy rõ, tài nguyên rừng ngày càng đảm bảo, vốn quý không ngừng nảy nở, sinh sôi. Thành quả trên một phần đến từ công tác rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển KT-XH có tác động đến diện tích và chất lượng rừng.

Điều này là cấp thiết, nhất là sau khoảng thời gian khá “thông thoáng” trong công tác thu hút đầu tư trước đó. Từ 2017 đến nay Nghệ An thực sự quyết liệt, thận trọng khi tiến hành chuyển mục đích sử dụng rừng để phục vụ các dự án thủy điện, khoáng sản, các khu công nghiệp và dịch vụ du lịch.

Nghệ An rất thận trọng với những dự án thủy điện buộc phải chuyển đổi đất rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An rất thận trọng với những dự án thủy điện buộc phải chuyển đổi đất rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Với những dự án liên đới đến rừng tự nhiên, quan điểm của Nghệ An luôn bất di bất dịch. Sở NN-PTNT chỉ tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đối các dự án đảm bảo hồ sơ, đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định hiện hành. Trước tiên, những dự án này phải mang tính cấp thiết, hoặc phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh.

Theo ghi nhận của NNVN, từ 1/1/2017 đến 31/12/2022, Nghệ An mới tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho 87 dự án với tổng diện tích hơn 1.420ha. Qua phân loại có 4 dự án quốc phòng, an ninh; 18 dự án công cộng, an sinh xã hội; 8 dự án phát triển nông, lâm nghiệp; 24 dự án khai thác khoáng sản; 17 dự án công nghiệp, du lịch, thương mại… đáng nói rừng tự nhiên chỉ chiếm hơn 142ha, còn lại đều là rừng trồng.

Đa phần những diện tích chuyển đổi là rừng trồng. Ảnh: Công Điền.

Đa phần những diện tích chuyển đổi là rừng trồng. Ảnh: Công Điền.

Có thời điểm công tác quy hoạch thủy điện tại Nghệ An thực sự “nóng ran”, nội dung này được đưa ra mổ xẻ không biết bao nhiêu bận. Từ cơ sở thực tế và lắng nghe “tiếng lòng” của người dân ở những vùng liên đới, Nghệ An đã tổ chức rà soát tổng thể, qua đó kiến nghị và trực tiếp loại bỏ hơn chục dự án không phù hợp.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.378MW, đến nay có 22 nhà máy đã vận hành thương mại với tổng công suất 935MW.

Qua nắm bắt, dự án thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô triển khai chậm, kéo dài và ảnh hưởng khá nhiều đến diện tích rừng tự nhiên, nhận thấy quá nhiều bất ổn UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo dừng lại.

Bên cạnh đó, một số công trình được các nhà đầu tư xin phép nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch để bổ sung vào quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ như thủy điện Bản Bà, Nậm Pông 2, Bản Cốc B, Hủa Na A, Sông Hiếu, hạ Đồng Văn… nhưng UBND tỉnh Nghệ An chưa xem xét, đồng thời yêu cầu phải có đánh giá tổng thể tác động môi trường, xem ảnh hưởng đến rừng và đời sống nhân dân ra sao, tránh tình trạng làm đến đâu xử lý đến đấy.

Không bất chấp chạy theo các dự án phát triển điện năng là quan điểm của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Không bất chấp chạy theo các dự án phát triển điện năng là quan điểm của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

UBND tỉnh Nghệ An cũng thể hiện rõ quan điểm hòng sớm tháo gỡ “nút thắt” của dự án thủy điện Hủa Na. Trước tiên, yêu cầu Sở TN-MT hướng dẫn UBND huyện Quế Phong (nơi triển khai dự án), chủ đầu tư phải xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến. Sở NN-PTNT chủ trì, tham mưu phương án xử lý đối với diện tích rừng tự nhiên đã được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng (trước thời điểm áp dụng Chỉ thị 13-CT/TW được ban hành). Về phía thủy điện Hủa Na, ngoài những nhiệm vụ liên quan cần phải cấp kinh phí để xử lý dứt điểm.

Liên đới đến dự án này, UBND huyện Quế Phong đã lập hồ sơ, giao cho người dân tái định cư diện tích khoảng 302 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 115 ha đã được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng, thế nhưng chủ đầu tư lại tỏ ra chầy ỳ trong công tác GPMB.

Tương tự là dự án thủy điện Tiền Phong. Dự án này được quy hoạch khoảng 8,5 ha, bao gồm 3,75 ha (3,11 ha rừng tự nhiên; 0,64 ha đất chưa có rừng) đã được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác nhưng chậm GPMB. Chưa kể trong phạm vi quy hoạch còn khoảng 4,75 ha (2,63 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; 2,12 ha đất chưa có rừng) chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng.

Từ những yếu tố này, UBND tỉnh Nghệ An khẳng định dự án thủy điện Tiền Phong thuộc đối tượng phải tạm dừng thực hiện theo Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.