Những năm qua rừng tự nhiên trên địa bàn được quản lý khá tốt, Nghệ An cho thấy chủ động trong việc cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, phát triển theo dạng kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Sở hữu tài nguyên rừng phong phú nhưng những năm qua chưa tận dụng được tiềm năng sẵn có |
Cùng với hệ thống các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, địa phương đã triển khai tương đối đồng bộ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng, đã xây dựng một số nhà máy chế biến sản phẩm gỗ có quy mô (ván MDF, ván ghép thanh, than hoạt tính, viên nén sinh học…). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm đạt 221 triệu USD.
Dù vậy theo đánh giá chung, Nghệ An vẫn chưa phát huy tốt tiềm năng lợi thế về tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, chưa khẳng định được vị trí chiến lược trong quá trình phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Nhằm khắc phục các vấn đề trên, Nghệ An đã trình Bộ NN-PTNT xin chủ trương xây dựng Khu lâm nghiệp công nghệ cao với quy mô và đã được chấp thuận. Các hạng mục đầu tư bao gồm: Khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung (gồm 2 khu vực, tổng diện tích trên 413 ha; Trung tâm giống cây lâm nghiệp (gần 26 ha); Chợ đầu mối về nguyên liệu gỗ (hơn 16 ha)
Việc thành lập trung tâm lâm nghiệp công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các nút thắt |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Sơn khẳng định, được sự giúp đỡ của Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp địa phương, trên tinh thần đó Nghệ An sẽ nỗ lực, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu lớn nhất Bắc Trung Bộ.