| Hotline: 0983.970.780

Nghề "hóa kiếp" sùng tre

Thứ Năm 02/02/2012 , 12:06 (GMT+7)

Ngồi trong quán cà phê nơi miền rẻo cao A Lưới (tỉnh TT- Huế) cùng anh bạn người Pa Cô Lê Văn Khởi, một vị lãnh đạo huyện vỗ vai anh bảo: "Chiều nay kiếm cho tớ món ơm pờ reng (sùng tre) nhé. Có khách quý dưới thành phố lên". Món ăn đặc sản cùng cái tên lạ lẫm đã níu bước chân chúng tôi khi đến miền rẻo cao này.

Ngồi trong quán cà phê nơi miền rẻo cao A Lưới (tỉnh TT- Huế) cùng anh bạn người Pa Cô Lê Văn Khởi, một vị lãnh đạo huyện vỗ vai anh bảo: "Chiều nay kiếm cho tớ món ơm pờ reng (sùng tre) nhé. Có khách quý dưới thành phố lên". Món ăn đặc sản cùng cái tên lạ lẫm đã níu bước chân chúng tôi khi đến miền rẻo cao này.

Nhậu rừng

Trời quá trưa, cơn mưa rừng đã ngớt, “thợ săn” Lê Văn Khởi tay cầm rựa, một lít rượu nếp, gia vị cùng chiếc xe số 7 trườn qua những con dốc dài, dựng đứng, bỏ lại sau lưng tiếng ồn ào của phố xá. Những cánh rừng tre ven suối A Nô là “thánh địa” của loài sùng tre. Tầm tháng 8 đến hết mùa tết là thời gian lý tưởng để đi “săn” loài đặc sản này.  

Thợ săn Lê Văn Khởi với hành trình “hóa kiếp” sùng tre

Dừng ở điểm ven bìa rừng, tôi hỏi: “Anh không mang gì để đựng sao?”, anh bảo: “Có ống tre rồi, loài này đựng trong ống tre mới tươi sạch, mà truyền thống đồng bào mình ở đây nó thế, không bỏ vào vật dụng khác được". Chọn cây tre tươi, đốt dài, tròn, anh chặt làm cái “a chói” nhỏ để đựng sùng, dùng lá rừng nén lại làm nùi.

Quần thảo giữa cụm tre lồ ô già, thoáng chốc anh đã mang ra phân nửa ống tre loài sùng còn ngung ngoe sống. Hai lá chuối rừng được trải xuống đất làm “bàn tiệc”, anh bắt đầu chế món ăn ơm pờ reng truyền thống của dân tộc mình. Mồi lửa đỏ, đợi cho đám than tàn, Khởi mang gia vị gồm pờ loa rờ (tiêu rừng), củ kiệu, ớt nướng, muối rang đem giã mịn, trộn vào ống tre. Nước suối nấu sôi được trụng qua loài sùng tre để làm sạch những cặn bã. Khởi bảo: “Ăn sùng tre nướng là ngon nhất. Món này chính là món gốc của đồng bào Pa Cô mình. Ngày xưa những thợ săn, người đi làm rẫy nhờ món này mới sống được đó".

Nghe thợ săn Lê Văn Khởi kể mới biết, “tục” nhậu rừng đã có từ xưa. Những người tìm trầm, vàng hay vì kế sinh nhai mà rong ruổi suốt những cánh rừng già trên đại ngàn Trường Sơn, món sùng tre dễ kiếm, dễ chế biến và bổ dưỡng đã giúp họ qua những đèo dốc, qua cái lạnh cùng những cơn sốt rét rừng hung tợn!  

Chuẩn bị “nhậu rừng” với món ơm pờ reng truyền thống của người Pa Cô

Vì thế, xưa người Pa Cô đã biết cách bảo quản sùng tre thật độc đáo, suốt trong một tuần liền vẫn sử dụng được. Sùng được cho vào ống tre, gọt vài lát măng non làm thức ăn cho chúng. Lấy lá chuối rừng làm nùi, úp ngược ống tre, ngâm dưới suối. Hơi lạnh từ nước suối sẽ giúp bảo quản con sùng được tươi nguyên.

Đám than vừa tàn, ống đựng sùng tre vừa thấm gia vị, được đặt, xoay đều bên bếp lửa. Nướng sùng tre phải kiên trì, nướng đều tay, sao cho lớp vỏ tre vừa cháy đến, sức nóng bên ngoài sẽ hấp vào bên trong, làm các gia vị cùng thân con sùng tre quyện vào nhau, dậy lên mùi thơm đến khó tả. Tiêu rừng và ớt nướng là hai gia vị chính của núi rừng cho món ăn đặc biệt này thêm vị cay nồng.

Được thưởng thức món ơm pờ reng giữa ngút ngàn đồi nương, chợt thấy sự hào phóng của núi rừng pha lẫn những nhọc nhằn của nghề “hóa kiếp” sùng tre. Nhấp chén rượu nếp, Khởi cho biết, với người Pa Cô mình, món này chỉ dùng đãi khách quý từ dưới xuôi. Thời xưa, khi nhà có khách, gia chủ xách mác đi kiếm sùng tre về chiêu đãi, nay thì có khác rồi, nghề bắt con sùng tre trở thành thứ nghề hái ra tiền hiện nay. Một đĩa sùng tre khi “thoát thai” khỏi dấu tích của rừng rú, vào tận nhà hàng cũng có giá từ 150-200 nghìn đồng.

Giữa thanh âm của tiếng suối rừng, bên chén rượu nếp thơm hương vị của đất của nước người vùng cao, được “nhậu rừng” cùng món ăn đặc sản, chợt hiểu người Pa Cô xưa nay vẫn sống lạc quan, hiên ngang giữa núi rừng khắc nghiệt. Nhậu rừng cũng là cách sống, cách dung hòa với thiên nhiên của họ…

“Săn” ơm pờ reng

Từ trung tâm thị trấn A Lưới, sáng sớm đã có hàng chục chuyến xe máy rẽ vào các đường nhánh, mất hút sau những tán lá rừng. Vào mùa giáp tết, nghề săn sùng tre sôi động hơn bao giờ hết. Theo cánh thợ săn, khoảng vài năm trở lại đây, sùng tre bắt đầu có giá nên số lượng người đi săn cũng ngày một nhiều. Khi con người đã chán chê những thức ăn vốn có, họ thích tìm những món lạ miệng, hưởng thụ đặc sản của núi rừng.

Sùng tre

Giữa rừng tre bát ngát nơi xã Nhâm, Hồng Bắc, A Roàng… mỗi thợ săn đều tự chia lấy “lãnh địa” riêng cho mình bằng cách để lại dấu tích không lẫn được vào thân tre nơi mình đã “chạm dấu rựa” đến. Nếu vào rừng tre của người khác, phải xin ý kiến của gia chủ không thì sẽ bị phạt nặng. Người Pa Cô quan niệm rằng, trong vườn nhà mình, có dấu chân của người lạ thì cả vườn cây sẽ chết.

Trước khi hóa thân thành loài bướm, sùng chỉ sống trong thân cây tre lồ ô non, chúng như loài sâu ký sinh, hút chất dinh dưỡng từ cây tre mà sống. Bởi thế, chỉ có đám thợ săn mới biết cây tre nào có sùng, cây nào không.

Khởi bật mí: “Thường cây măng lồ ô lớn lên, chiều cao ngang quá đầu người, bỗng dưng chúng không phát triển nữa, các đốt tre ngắn lại. Nếu quan sát kỹ trên thân măng, sẽ thấy một lỗ dẹt dài hơn hạt gạo, bên ngoài bóng láng chính là nơi sùng tre ở. Nếu thấy được một bụi măng non chết, hôm đó xem như khỏi mất công, chỉ cần chặt xong bụi măng đó, sẽ có một ống sùng tre đầy mang về".

Mỗi đốt tre khi chặt ra thường chứa vài con, có khi đến nửa bát nhỏ loài sùng, dù nhiều hay ít thì người thợ săn phải lấy hết sùng, nhằm để cây tre tái sinh. Loay hoay trong cụm măng lồ ô, thợ săn Khởi cần mẫn nghiên cứu từng đốt tre, tìm từng dấu tích nơi loài sùng sống. Chiếc rựa trên tay anh vung chặt liên hồi, từng ống măng lồ ô bị chém phân nửa, toác ra như từng thớ thịt, để lộ cả ổ loài sùng tre đang giẫy giụa chờ hóa kiếp! Phát hiện sùng tre, phải dùng que nhỏ đưa vào, loài sùng thấy động sẽ bám lên thân que, giúp người thợ săn dễ dàng mang chúng ra khỏi hang ổ.

Dưới những tán cây rừng, chúng tôi được nghe câu chuyện “truyền đời” về sự tích ra đời món ăn ơm pờ reng đặc sản của người Pa Cô. Xưa có đôi nam nữ cùng làng lấy nhau, hai gia đình không đồng thuận bởi sợ cận huyết thống. Đôi trai gái bỏ làng ra đi, dắt nhau lên rừng tìm đất sống. Những ngày chưa có lương thực, họ được một cụ già tốt bụng mách cho cách nhận biết, bắt con sùng tre cùng với hái tiêu rừng để chế biến món ơm pờ reng. Từ đó lớp con cháu người Pa Cô - những người con của núi rừng biết đến loài sùng tre này.

Trong suốt buổi hành trình cùng nhiều nhóm thợ săn sùng tre, tuy mỗi người có cách nhận biết, cách bắt loài sùng khác nhau nhưng với thợ săn người Pa Cô, ăn của rừng “truyền đời” họ vẫn biết bảo vệ cho rừng. Sùng được lấy hết sau mỗi cây tre bị chém phân nửa thân, theo các thợ săn, nếu lấy hết sùng cây tre sẽ có cơ hội sống lại, lần sau mình có cái mà chặt. Âu đó cũng là triết lý sống nguyên bản, sơ khai của đồng bào vậy!

Nghề săn ơm pờ reng đã có từ xưa, cũng là nghề nguy hiểm khi phải liên tục cần mẫn chui lủi trong những cụm tre già, nơi có nhiều loài rắn, rít độc sinh sống. Với những thợ săn loài sùng, đi săn bị rắn rết cắn, gai độc đâm không phải là hiếm.

Ngồi nghỉ bên cồn đất, thợ săn Lê Văn Khởi kể: “Chuyện buồn mình không muốn nhắc lại làm gì. Hai năm trước, thằng Bốt bạn mình ở A Ngo, đi chặt sùng không may bị rắn lục chửa cắn. Nó đi chỉ một mình, nên khi cắn không ai biết, cố bò ra khỏi bìa rừng thì kiệt sức. Hôm sau bà con đi làm rẫy phát hiện thì đã quá muộn”.

Trong cánh thợ săn sùng tre ở A Lưới vẫn truyền tai nhau câu chuyện thoát chết hi hữu của một đồng nghiệp. Đó là một thợ săn tên A Riêng, người Tà Ôi ở xã Hồng Vân. Khi chặt xong được một ống sùng tre chuẩn bị mang về chợ thị trấn bán, đang ngồi nghỉ hút thuốc bên mỏm đá thì không may bị rắn hổ tấn công. Thanh rựa cầm sẵn trên tay đã giúp người thợ săn thoát chết. A Riêng vì “thất hồn bạt vía” trở về mà ốm liệt giường, từ đó bỏ luôn nghề.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm