| Hotline: 0983.970.780

Mưu sinh trên những miền rừng

Nghề khai thác keo thuê và những lần chia nhau tới hạt muối cuối cùng

Thứ Ba 13/12/2022 , 09:45 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Bữa cơm của những lao động mưu sinh giữa rừng vô cùng kham khổ. Họ chia nhau từng hạt muối cho món ăn thêm đậm đà, thấm đẫm nghĩa tình chốn non cao.

Chia đều thành quả lao động 

Khai thác keo thuê rất nặng nhọc nên đòi hỏi những người có sức khỏe mới kham nổi công việc. Thế nhưng, trong nhóm có những thiếu niên tầm 14 - 15 tuổi hay phụ nữ ốm yếu vẫn mưu sinh giữa rừng. Theo yêu cầu của chủ thuê, mỗi nhóm từ 10 - 30 người khai thác đủ mỗi ngày một vài xe tải gỗ keo đưa đến nhà máy chế biến dăm gỗ. Những người trẻ, khỏe mạnh tự nguyện đảm đương công việc nặng nhọc như cưu hạ và cắt khúc, lột vỏ, vác hay khiêng những khúc gỗ lớn, chất gỗ lên xe... Khoản tiền kiếm được chia đều cho mọi người sau khi trừ chi phí khấu hao máy cưa và xăng, nhớt.

Anh Héo cựa hạ keo thuê

Nghề làm rừng thuê vất vả, nhưng thấm đẫm tình người. Ảnh: Thanh Kỳ.

Bài liên quan

"Mình lớn tuổi rồi nên chỉ làm việc nhẹ thôi. Hàng ngày chỉ có lột vỏ keo nhưng vẫn không nhanh nhẹn như lúc trẻ nữa. Vậy nhưng vẫn được chia bằng tiền như mọi người trong nhóm. Ở đây đi làm keo chung nhóm nào cũng như vậy cả, không tính toán thiệt hơn...", bà Phạm Thị Bôi cho biết.

Cha mất sớm nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. 13 tuổi, Phạm Văn Sốc cùng người làng vào rừng mưu sinh bằng việc lột vỏ keo thuê. Sức yếu nên em không thể vác những khúc gỗ nặng như người lớn, chỉ gom phần ngọn thành đống trước khi lột vỏ. Ban đầu, tay chân lóng ngóng nên lột vỏ khá chậm. Sốc ái ngại trước ánh mắt đầy thương cảm của mọi người.

Bài liên quan

Hiểu được tâm tư của em, người làng ân cần động viên, chỉ bảo cách làm việc hiệu quả. Từ đó, em tự tin cùng mọi người làm việc trên những nẻo đường rừng ở gần lẫn xa quê nhà. Em tự nguyện xuống khe suối mang nước lên rừng cho các cô, chú, bác uống để vơi đi mệt nhọc sau giờ lao động vất vả. Sự siêng năng của Sốc khiến mọi người càng thêm yêu thương thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm.

"Em theo mọi người vào rừng làm thuê dịp nghỉ hè để kiếm tiền mua sách vở trước khi bước vào năm học mới. Em còn nhỏ, sức khỏe yếu nên không làm được gì nhiều nhưng vẫn được các cô, chú tính tiền bằng mọi người. Lòng tốt của mọi người em không thể nào quên. Vậy nên em phải cố gắng, siêng năng hơn để không phụ lòng tốt của các cô, chú", Sốc tâm sự. 

Khi những cánh rừng không còn muông thú

Những chuyến vào rừng lưu trú nhiều ngày, đồng bào dân tộc Hrê mang theo gạo, muối, cá kho mặn, cá khô, mì tôm và gia vị. Họ nấu ăn theo từng bếp vợ chồng hay vài ba người bà con thân thuộc. Do khoảng cách khá xa nên mươi bữa, nửa tháng, một người vượt quãng đường núi gập ghềnh đến chợ mua lương thực, thực phẩm cho các bếp ăn trong nhóm. Vậy nên bữa cơm thường ngày của đồng bào luôn đạm bạc.

Quây quần bên nhau giữa rừng đêm

Quây quần bên nhau giữa rừng đêm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Sau buổi làm việc vất vả, những phụ nữ rảo bộ trong rừng tìm mớ rau dại mang về lán trại nấu canh với nước suối, nêm thêm ít muối và bột ngọt. Cánh đàn ông vào rừng thăm bẫy đặt bắt những loài thú nhỏ như chồn, chuột, nhím, cheo... để cải thiện bữa cơm hàng ngày. Nhưng với những khu rừng keo bạt ngàn thì rau dại và thú rừng ngày càng khan hiếm. Bởi vì sau khi thu hoạch, chủ rừng thuê người đốt trụi, phát dọn rồi trồng mới. Hàng năm phát dọn chồi non nên rau rừng xanh tươi bị chặt trụi trông thật thảm hại.

"Lúc trước rừng núi ở gần nhà em có thú hoang nhiều lắm. Nhiều khi trồng củ mì hay rẫy bắp thường bị heo, nhím phá hết nên phải đi canh giữ, xua đuổi. Bây giờ đâu đâu cũng trồng keo nên muông thú chạy trốn hết rồi chứ không riêng gì ở đây", Phạm Văn Khơi cho biết.

Thực phẩm "chủ lực" của những người khai thác gỗ keo thuê ở rừng dài ngày là mì tôm loại rẻ tiền. Họ "biến tấu" mì tôm thành nhiều món ăn cho qua bữa cơm thời khốn khó. Khi mặt trời chạm vào đỉnh núi, họ tạm dừng công việc và kéo nhau ra suối tắm rửa sau ngày lao động mệt nhọc. Những người phụ nữ lội bộ dọc theo suối khe tìm vài cọng rau xanh về nấu canh với mì tôm.

Ngày hè nắng nóng như đổ lửa, rau xanh khô héo và chết rụi nên canh chỉ có mì tôm suông. Những bữa mưa trắng núi rừng nên củi bị ướt dầm không thể nhóm bếp, họ ăn mì tôm sống rồi uống nước cho qua bữa. Mì tôm sống bẻ nhỏ rồi rắc ít muối nêm thành món "mồi bén" cho mấy ông lai rai dăm ly rượu quê sau cả ngày lao động vất vả.

Lán trại dựng tạm giữa rừng

Lán trại dựng tạm giữa rừng. Ảnh: Thanh Kỳ.

"Khi vào rừng, chúng tôi phải đem theo những loại thực phẩm để được lâu ngày. Và, mì tôm là một trong số đó. Lúc không có thức ăn thì nấu mì tôm với nước sôi làm canh ăn với cơm. Nửa đêm dậy đói bụng thì nấu nước chế mì tôm ăn rồi ngủ tiếp để lấy sức", anh Phạm Văn Héo cho biết.

"Rau xanh mua ở chợ mang vào rừng chỉ để được một hai ngày là héo úa. Cá thì phải kho mặn mới ăn được năm bảy ngày. Cá khô thì phải nướng hoặc kho mới ăn được. Chỉ có mì tôm là tiện lợi nhất thôi", chị Phạm Thị Biết (vợ anh Héo) góp chuyện.        

Thú rừng bị săn bắt quá mức và môi trường sống không còn những cánh rừng già che chở nên kéo nhau đi nơi khác ẩn thân. Những chuyến lội bộ trong rừng tìm rau hay thăm bẫy thú trở về lán trại với tiếng thở dài nghe não lòng. Bữa cơm với cá khô nướng xé nhỏ chấm nước mắm cùng nồi canh mì tôm lõng bõng.

"Bà con chúng tôi sống phụ thuộc vào rừng nhiều lắm. Khi chưa trồng keo thì rừng còn nhiều chim thú lắm. Mỗi bữa đi thăm bẫy được một vài con thú nhỏ mang về nấu nướng món ăn. Giờ trồng keo thì chúng nó chạy trốn hết rồi. Nhiều lúc đặt bẫy hoài mà chẳng có con nào...", anh Phạm Văn Lít thổ lộ.

Chia nhau hạt muối cuối cùng

Giữa năm 2021, những làng quê ven biển Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) bùng phát dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh nên chính quyền các cấp triển khai các biện pháp phòng chống nhằm ngăn ngừa lây lan ra diện rộng. Nhiều chốt chặn ngăn cản việc đi lại, giao tiếp của người dân trong vùng.

Xe tải chở vượt chặng đường rừng hiểm trở vào chỏ gỗ keo

Xe tải vượt chặng đường rừng hiểm trở vào chở gỗ keo. Ảnh: Thanh Kỳ.

Nhóm người khai thác gỗ keo thuê gồm vợ chồng chị Biết và bà con cùng làng mắc kẹt trong rừng, không thể xuống chợ mua lương thực, thực phẩm như thường ngày. Lương thực dần cạn, chỉ còn lại ít gạo, muối, mì tôm và bột ngọt. Ngặt nỗi, rau rừng cũng khan hiếm trong mùa khô với những ngày nắng như đổ lửa. Nhiều người ráng sức cuốc bộ dọc suối khe đành thất thểu trở về lán trại. Họ san sẻ cho nhau từng gói mì tôm, muỗng bột ngọt và hạt muối cuối cùng.

Bữa ăn của mỗi gia đình hết sức kham khổ, nhiều hôm chỉ có cơm và nước mắm. Vợ chồng nhìn nhau nén tiếng thở dài, miếng cơm nghẹn ứ trong cổ họng. Nhiều người lấy nước chan vào chén làm mềm những hạt cơm khô cứng. "Chúng tôi rất tiết kiệm nhưng vẫn phải mua chút cá để kho mặn và mì tôm nấu canh ăn với cơm cho có sức còn làm. Những bữa không thể xuống núi mua được thứ gì nên ăn uống khổ lắm. Giờ thì ai cũng được tiêm vacxin, dịch bệnh cũng được đẩy lùi nên tự do đi lại mua thức ăn. Sướng quá chừng!", chị Biết hồi tưởng.

Vợ chồng ông Trần Sơn ở xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ) sở hữu nhiều rừng nên gắn bó với đồng bào thiểu số khai thác gỗ keo thuê. Ngày đầu tiên khai thác gỗ, vợ chồng ông bày biện lễ vật ra tấm bạt trải nơi góc rừng rồi thắp hương cúng vái, lầm rầm khấn nguyện. Ông cầu cho những người khai thác keo thuê được mạnh khỏe, bình an, mong cây đạt sản lượng...

Vợ chồng ông Sơn bày biện lễ vật cúng rừng rồi liên hoan với đồng bào dân tộc thiểu số

Vợ chồng ông Sơn bày biện lễ vật cúng rừng rồi liên hoan với đồng bào dân tộc thiểu số làm thuê. Ảnh: Thanh Kỳ.

Hương tàn, vợ ông mang thức ăn đến từng lán trại và mời mọi người tụ họp chung vui. Ban đầu, họ còn e dè nhưng lát sau đã nói cười vui vẻ như người thân trong gia đình. Họ cùng nhau thưởng thức món ăn và nâng ly rượu nồng cay thắm đượm nghĩa tình, xóa nhòa khoảng cách chủ rừng và người làm thuê. Dẫu khoán sản phẩm nhưng vài ba bữa, vợ chồng ông mang lòng heo vào núi cho các thành viên trong nhóm và không quên dăm lít rượu "để tụi nó giải mỏi".

"Bà con khổ mới đi làm như thế nên mình giúp đỡ chút ít để chia sẻ bớt khó khăn. Cứ mươi bữa mới xuống chợ mua thực phẩm nên họ ăn uống đạm bạc lắm...", ông tâm sự.

Bữa cơm kham khổ giữa rừng và câu chuyện san sẻ khó khăn, trao nhau niềm yêu thương luôn ám ảnh trong tôi khi viết những dòng này. Họ, những người đồng bào Hrê đã viết nên câu chuyện đẹp lấp lánh về tình người trong gian khó.

Mỗi dịp xuân về, ông Nguyễn Xuân Nhật ở xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), một chủ rừng lại mang quà bánh ngược núi đón Tết với bà con chốn non cao. Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng, cùng ăn uống và vui chơi ca hát giữa ngày trời se lạnh, tình cảm càng thêm gắn bó.

"Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng những người đồng bào Hrê sống chân tình lắm. Tôi gắn bó với họ bao năm rồi nên biết rõ. Cứ có công việc thì điện thoại họ xuống làm thôi. Bà con sống tốt với mình nên đến Tết là phải lên chung vui với họ. Có mình lên họ phấn khởi lắm", ông Nhật tâm sự.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.