| Hotline: 0983.970.780

Mưu sinh trên những miền rừng

Quây quần giữa rừng đêm

Thứ Hai 12/12/2022 , 08:05 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Sau một ngày cực nhọc với nghề khai thác gỗ keo, những lao động che lán tạm ngủ qua đêm luôn ở rừng, đôi khi có cả trẻ em đi theo bố mẹ...

Bài liên quan

Chiếc xe máy vượt quãng đường tầm 20 cây số đành bất lực trước con dốc cao ngửa cổ nhìn lên đỉnh núi thấy cả mây trôi trong chiều muộn. Tôi giấu xe máy vào rừng keo cao ngang đầu người ven đường rồi khoác ba lô lội bộ vượt dốc. Hoàng hôn bao phủ khắp núi đồi với khung cảnh hoang vu khiến lòng cảm thấy sờ sợ. Chim chao nghiêng đôi cánh đậu xuống tổ sau cả ngày mê mải bay đi tìm mồi chốn xa xôi.

Con đường mòn xe tải chở gỗ keo thường ngày gập ghềnh, lên đỉnh cao rồi xuống vực sâu khiến đôi chân rã rời. Những vạt rừng vừa khai thác gỗ keo rồi đốt dọn để trồng mới nham nhở trông thật thảm hại. Bóng đêm bao phủ núi rừng khiến khung cảnh càng thêm hoang vắng...

Tác giả (bên phải) đang trò chuyện với những người phụ nữ Hrê

Tác giả (bên phải) đang trò chuyện với những người phụ nữ Hrê. 

Niềm vui cuối ngày 

Rồi tôi cũng đến được lán trại đồng bào dân tộc thiểu số Hrê trú ngụ sau hơn 1 giờ cuốc bộ. Những người khai thác gỗ keo thuê đến từ huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) niềm nở đón tiếp như người thân trong gia đình. Họ cười nói lao xao lẫn tiếng gió rì rào rung rinh cây lá. Những gương mặt sạm đen vì nắng gió rạng ngời niềm vui dưới ánh đèn pin treo trên cành cây.

Mọi người chia thành hai mâm rượu giữa nam và nữ quây quần bên nhau giữa rừng đêm. Mồi nhắm với rượu là mì tôm chế nước sôi và cá khô nướng qua than lửa thơm lừng. Họ chuyền tay nhau ly rượu quê trong vắt đượm nồng men cay. "Chúng tôi uống vài ly để giải mỏi chứ không uống nhiều vì phải giữ gìn sức khỏe để mai đi làm. Trong bữa rượu, chúng tôi bàn bạc công việc cho ngày mai, mọi người nói cười vui vẻ khiến tình cảm thêm gắn kết...", chị Phạm Thị Biết tâm sự.

Qua tuổi ngũ tuần, bà Phạm Thị Bôi có hơn 20 năm rong ruổi trên những miền rừng với nghề lột vỏ keo thuê. Bởi lột vỏ keo lâu ngày nên đôi tay bà chai sần vì thường bị vỏ keo cứa vào da và gai cào rướm máu. Mỗi ngày lao động mệt nhọc bà kiếm được trên dưới 200 nghìn đồng, khoản tiền khá lớn so với nguồn thu từ 3 sào ruộng canh tác bấp bênh vì phụ thuộc vào nước trời. Vậy nên quanh năm suốt tháng, bà luôn theo người làng khai thác gỗ keo thuê khá nhọc nhằn.

Sương khuya ướt dầm vai áo giữa rừng đêm. Chúng tôi đốt lửa rồi quây quần bên nhau để sưởi ấm, thì thầm chuyện trò để khỏi lỡ giấc ngủ của những người phụ nữ miền sơn cước. Chuyện đời của những người chốn non cao là chuỗi ngày cơ cực khó diễn tả thành lời. Do đi học muộn từ thuở nhỏ nên Phạm Văn Thủy lớn hơn hẳn bạn cùng lớp. Đôi tay thường ngày quen phụ giúp việc nhà lóng ngóng khi cầm bút viết con chữ lên trang giấy trắng tinh. Sau bao ngày cắm cúi bên tập vở, Thủy thành thạo viết chữ và làm những bài toán được cô khen ngợi.

Đồng bào dân tộc thiểu số quây quần giữa rừng đêm

Đồng bào dân tộc thiểu số quây quần giữa rừng đêm. Ảnh: Thanh Kỳ.

Nhưng chặng đường đến trường xa hơn khi lên bậc trung học cơ sở, phải lội bộ vượt qua bao núi đồi và suối khe để đến lớp. Thế là Thủy nghỉ học theo người làng vào Tây Nguyên hái cà phê thuê với bao nỗi nhọc nhằn. Đôi tay chàng thiếu niên run run khi cầm 900 nghìn đồng, tháng tiền công đầu tiên từ chủ vườn. Và, nghiệp làm thuê vận vào đời Thủy từ dạo ấy.

Sau khi lập gia đình, cả hai vợ chồng cùng nhau đi làm thuê. Quanh năm suốt tháng, vợ chồng Thủy rong ruổi khắp các miền rừng với những việc như khai thác gỗ keo, đốt thực bì rồi trồng lứa mới, phát dọn chồi dưới tán rừng keo... Những đồng tiền kiếm được từ bao nỗi đắng cay giúp vợ chồng Thủy xây dựng được căn nhà nhỏ và lo cho 2 con đến trường. "Vợ chồng em ráng làm lụng và để dành cho con cái ăn học. Đời tụi em đã khổ vì thiếu học nên hi vọng các con được ăn học đàng hoàng để bớt khổ", Thủy tâm sự.

Người "có chữ" nhất trong nhóm là Phạm Văn Láy, 28 tuổi. Hết bậc trung học cơ sở, Láy đăng ký vào một trường cao đẳng nghề cách nhà khoảng 30 cây số. Đoạn đường đi về qua bao đèo dốc và hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến em nghỉ học. Tiếp đến là những ngày dài vất vả trên non cao để mưu sinh. Láy cùng chiếc xe máy cà tàng trên những nẻo đường rừng làm thuê cuốc mướn.

Mùa mưa cuốc đất trồng keo non và phát dọn chồi dưới tán rừng keo đầy muỗi vắt. Mùa khô, em cùng người làng đi cưa hạ và lột vỏ keo thuê với khoản tiền công mỗi ngày đôi trăm nghìn đồng. Sau khi cưới vợ, cả hai đưa nhau đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Rồi cuộc sống càng thêm khốn khó khi hai con lần lượt chào đời. Gánh nặng đè lên vai khiến Láy già hơn so với tuổi của mình. "Tuy được nhà nước quan tâm giúp đỡ nhưng cuộc sống của đồng bào miền núi còn khó khăn lắm anh à! Vậy nên không chỉ mình em mà nhiều người ráng sức lo cho con ăn học để sau này bớt khổ", Láy tâm sự.

Dầm mình trong mưa bão 

Những giọt sương đọng trên lá rơi thẳng vào người lạnh buốt giữa đêm khuya. Dưới những mái che lán trại, trẻ con và phụ nữ ngủ say sau cả ngày chơi đùa, lao động mệt nhọc. Cánh mày râu cột võng vào hai gốc cây rồi phủ tấm mền mỏng giữ ấm cơ thể. Gió xào xạc cây lá. Trăng xa chiếu sáng khu rừng bàng bạc sương đêm. Những người đồng bào dân tộc thiếu số Hrê luôn chừa một khoảng rừng cây dựng lán trại rồi khai thác sau cùng trước khi chuyển đến nơi khác.

Những phụ nữ Hrê

Những phụ nữ Hrê "giải mỏi" với vài ly rượu sau cả ngày lao động vất vả. Ảnh: Thanh Kỳ.

Tán cây che bớt ánh nắng giữa trưa, làm vơi đi phần nào mỏi mệt. Nhưng đấy là điều ẩn chứa hiểm nguy vào những khi mưa bão. Cây có thể ngã đổ, đập vào lán trại và cả thân người khi mưa to gió lớn. "Biết là nguy hiểm nhưng không thể cắt trụi cây lá anh à! Vì dựng lán trại giữa rừng chẳng có cây nắng nóng không thể chịu nổi", Phạm Văn Đức tâm sự.

Anh Phạm Văn Héo cho rằng tôi là người mang đến điều may mắn khi vào rừng. Đêm ấy sương rơi. Gió trời se se nên lành lạnh. Cách đấy 1 tuần, trời chợt đổ mưa giông. Sấm chớp liên hồi. Gió tràn qua khiến cây cối ngả nghiêng. Núi rừng mịt mù trong mưa gió. Lũ trẻ theo cha mẹ vào rừng run rẩy vì mưa lạnh và sợ hãi. Chúng tụm lại ngồi trong lán trại với ánh mắt đầy vẻ lo âu. Người lớn chia nhau nắm giữ giây chằng chống lán trại để tránh gió thổi bay, người lạnh run vì ướt sũng nước mưa. Hồi lâu, mưa dứt, gió dừng khi ai nấy mệt nhoài. Mọi người vội gom củi đốt lửa sưởi ấm cơ thể. "Ở rừng gặp mưa gió là chuyện thường. Chỉ sợ gió mưa dữ dội vào đêm tối không biết trú ẩn ở đâu", anh Héo tâm sự.

Hơn 2 năm trôi qua, Phạm Văn Thủy chưa thể quên đêm mưa gió trước bão số 9 năm 2020. Khi ấy, Thủy là nhóm trưởng cùng 19 người làng vào rừng mưu sinh. Chiều muộn, vợ chồng Thủy cưỡi xe máy về nhà vội lo cơm nước, chăm sóc con thơ. Đêm tối, mưa như trút nước, gió rít từng hồi nghe ghê rợn. Thủy vội điện thoại cho người bạn trú ở lán trại dò hỏi thông tin. Ngay trong lúc ấy, nhóm người còn lưu lại trong rừng vô cùng hoảng sợ.

Trẻ em theo cha mẹ vào rừng ê a học chữ. Ảnh: Thanh Kỳ.

Trẻ em theo cha mẹ vào rừng ê a học chữ. Ảnh: Thanh Kỳ.

Gió gào thét như tử thần đòi đoạt mạng, cây ngã ào ào, mưa quất vào da thịt rát buốt. Đường mòn xe tải chở gỗ cạnh lán trại biến thành dòng suối cuồn cuộn nước lũ. Những chiếc xe máy dựng bên đường bị nước cuốn trôi xuôi. Họ cầm đèn pin soi đường chạy theo nhau trong cơn hoảng loạn tìm hốc đá hay lùm cây bụi trú ẩn trong đêm lạnh.

Mưa gió vẫn ầm ào phủ xuống những phận đời bé nhỏ. Mọi người run cầm cập vì mưa lạnh tái tê. Mãi đến tận giữa buổi sáng hôm sau mưa mới tạm dừng. Mọi người trở về lán trại chứng kiến khung cảnh tan hoang. Cây cối ngã rạp như bãi chiến trường sau trận đánh. Những tấm bạt che lán trại bị gió thổi tung bay tận phía rừng xa. Xe máy bị nước lũ vùi trong bùn đất nhão nhoẹt. Mọi người vội thu lượm rồi đào bới xe máy dắt xuống núi, vượt chặng đường xa trở về nhà.

Khi Thủy lên đến nơi thì mọi người ai nấy rã rời trông thật thảm thương. "Bà con không trách nhưng trong lòng tôi áy náy lắm. Mình là nhóm trưởng, rủ bà con cùng đi làm mà đêm ấy không có mặt tại rừng. May là đêm ấy bão số 9 chưa vào và không có ai bị thương. Anh may mắn nên hôm nay lên đây trời có trăng sao chứ không gặp mưa...", Thủy tâm sự.

Đêm về khuya. Mọi người chìm vào giấc ngủ. Ánh trăng bàng bạc xuyên qua cành lá đong đưa tạo nên cảnh đẹp mơ màng. Gần võng tôi nằm, những người đồng bào Hrê ngủ vùi sau cả ngày lao động vất vả. Họ không còn đủ sức để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên huyền ảo giữa núi rừng. (Còn nữa...)

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Bình luận mới nhất