| Hotline: 0983.970.780

Nghề lưới vây thua lỗ, tàu cá nằm bờ

Thứ Năm 29/08/2024 , 08:26 (GMT+7)

Quảng Nam Sản lượng đánh bắt giảm, giá cả hải sản thấp, tổn phí tăng cao khiến nhiều tàu cá làm nghề lưới vây ở Quảng Nam lâm vào cảnh thua lỗ, đành phải nằm bờ.

Nhiều chuyến biển thua lỗ nên ông Phạm Xuân Anh (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đành chấp nhận cho 2 con tàu hành nghề lưới vây nằm bờ. Ảnh: L.K.

Nhiều chuyến biển thua lỗ nên ông Phạm Xuân Anh (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đành chấp nhận cho 2 con tàu hành nghề lưới vây nằm bờ. Ảnh: L.K.

Cách đây khoảng hơn 10 năm, nghề lưới vây là một trong những nghề khai thác hải sản phát triển mạnh ở tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là huyện Núi Thành. Các tàu cá làm nghề này chủ yếu đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, mỗi chuyến đi kéo dài gần 1 tháng. Mỗi lần trở về, mỗi tàu đều chở theo hàng chục tấn cá các loại như cá ngừ, cá nục...

Với kinh nghiệm dày dặn trong nghề lưới vây, trước đây, tàu cá của ông Huỳnh Minh Cảnh (trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) luôn đánh bắt được những luồng cá nục, cá ngừ “khủng”. Lợi nhuận thu được ông Cảnh tiếp tục mua thêm tàu để hành nghề. Có thời điểm, ông phát triển đội tàu của mình lên đến 10 chiếc.

Ngoài tàu lưới vây, ông Cảnh còn có cả tàu hậu cần để thu mua lại cá từ các tàu lưới vây khác của người dân trong xã. Những năm 2010, nghề lưới vây của xã Tam Quang phát triển rầm rộ, ngư dân có nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng những năm trở lại đây, sản lượng hải sản sụt giảm, các tàu hành nghề lưới vây khai thác không còn hiệu quả. Nhiều chuyến đi biển thua lỗ, ông Cảnh đành phải bán đi nhiều tàu lưới vây, số còn lại giao cho con trai quản lý.

Không chỉ riêng ông Cảnh mà các tàu lưới vây ở Quảng Nam cũng trong tình cảnh tương tự. Thời điểm này, dù đang vào vụ đánh bắt chính nhưng dọc đoạn sông Trường Giang hay khu neo đậu tàu cá An Hòa (xã Tam Quang, Núi Thành) la liệt tàu lưới vây nằm bờ.

Giá các loại hải sản đánh bắt từ nghề lưới vây hiện nay xuống thấp hơn so với mọi năm. Ảnh: L.K.

Giá các loại hải sản đánh bắt từ nghề lưới vây hiện nay xuống thấp hơn so với mọi năm. Ảnh: L.K.

Ông Phạm Xuân Anh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) có hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề lưới vây chia sẻ, trước đây, khi nghề này khai thác thuận lợi, ông đầu tư 2 tàu lớn với công suất mỗi chiếc từ 600 – 800CV cùng với máy dò cá, các trang thiết bị, hầm bảo quản P.U để phục vụ đánh bắt. Mỗi chuyến trở về 2 con tàu đầy ắp các loại cá, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

“Bây giờ cá nục, cá ngừ ít hơn rất nhiều, sản lượng khai thác sụt giảm nghiêm trọng. Riêng năm nay, hễ đi biển là lỗ tổn phí nên tôi đành chấp nhận cho tàu cá nằm bờ, thỉnh thoảng mới đi vài chuyến cho đỡ nhớ biển”, ông Anh chia sẻ.

Ông Phan Vĩnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Quang thừa nhận, chưa bao giờ nghề lưới vây ở Tam Quang lâm vào cảnh thất bát, thua lỗ như hiện nay, sản lượng chỉ bằng 1/4 so với năm trước. Trong khi đó, nghề lưới vây có đặc trưng riêng, muốn cải hoán, chuyển đổi qua nghề khác thì cần kinh phí từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Nếu làm ăn đạt, ngư dân có nguồn lực mới tính đến đầu tư tàu cá khác để đa dạng hóa nghề biển, thua lỗ thì chỉ có cách bán tàu trả nợ.

Theo ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, tại tỉnh này, không riêng gì nghề lưới vây mà các nghề khác như câu mực khơi, lưới chụp, lưới rê hỗn hợp cũng gặp khó. Nguyên nhân là nguồn lợi hải sản ngày càng suy kiệt.

Về phía ngành chức năng chỉ có thể khuyến khích ngư dân đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới để tăng năng lực khai thác hải sản hoặc hỗ trợ ngư dân hoàn thiện thủ tục để hưởng các chính sách. “Chúng tôi chỉ có thể tiếp sức ngư dân tăng năng lực đánh bắt, bảo quản hải sản tốt hơn, giảm chi phí chuyến biển và khơi thông, ổn định đầu ra...”, ông Long nói.

Theo các chủ tàu, đối với nghề lưới vây, trung bình mỗi chuyến biển mất chi phí khoảng 200 triệu đồng bao gồm tiền nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cần thiết. Vậy nhưng sản lượng đánh bắt mỗi chuyến rất thấp, chỉ được vài tạ cá. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay giá cá ngừ, cá nục cũng giảm mạnh, chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/kg (trước đây khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg) nên các tàu đều thua lỗ.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển