| Hotline: 0983.970.780

Những nghề đánh bắt thủy sản mũi nhọn đến với ngư dân Bình Định

Học nghề lưới vây cá ngừ sọc dưa từ ngư dân Nhật Bản

Thứ Năm 12/01/2023 , 06:10 (GMT+7)

Điều thú vị là nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa được du nhập về từ Nhật Bản nhờ công 1 lão ngư…

Cái nôi của nghề lưới vây rút chì

Một lần về phường Hoài Hương, vùng quê biển của thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), lang thang qua những con đường mọc san sát những ngôi nhà cao tầng của khu phố Thạnh Xuân Đông, tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của làng chài lan tỏa khắp vùng quê trù phú.

Bất ngờ tôi nhìn thấy một lão ngư đã gần 80 tuổi mà vẫn quần đùi, mình trần, thân hình săn chắc ngồi làm việc trên đống lưới to đùng trải rộng khắp nền nhà. Hình ảnh trên có sức hút mãnh liệt, không thể không háo hức, tôi ghé vào xin phép được trò chuyện với ông về nghề biển. Với tính cách phóng khoáng của ngư dân, những người cả đời gắn với nghề “ăn đằng sóng, nói đằng gió” giữa đại dương, lão ngư Trần Đình Vọng cười rất tươi, bảo: “Cháu cứ hỏi chuyện đi, tôi bận tay chứ miệng vẫn rảnh, có thể trò chuyện thoải mái”. Cụ Vọng cười lớn, rất mở lòng.

Ngư dân Trần Đình Vọng, người kể câu chuyện lão ngư Trần Bảng sang Nhật học nghề lưới vây rút chì về truyền đạt lại cho ngư dân Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Trần Đình Vọng, người kể câu chuyện lão ngư Trần Bảng sang Nhật học nghề lưới vây rút chì về truyền đạt lại cho ngư dân Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Qua câu chuyện của cụ Vọng, tôi được biết ngày xửa ngày xưa, làng chài Hoài Hương chỉ có dăm chục căn nhà ọp ẹp của ngư dân nằm thưa thớt. Những ngày trời yên biển lặng, ngư dân làng chài Hoài Hương chèo thuyền nan ra biển, cách bờ chừng 2 - 3 hải lý để đánh bắt hải sản bằng các nghề mành cơm, chà giắt, kiếm ít tôm cá đổi gạo sống qua ngày. Mùa biển động thì chịu, chẳng ai dám ra biển vì thuyền nan không chịu được sóng to gió dữ. Ngày ấy, đời sống của ngư dân Hoài Hương cơ cực trăm bề.

Ngư lưới cụ của nghề mành cơm, chà giắt cũng rất thô sơ. Lưới đánh cá được làm bằng vỏ cây lá gai đập dập rồi đan thành tấm lưới; hoặc hoặc dùng vải xi-ta cho vào xa quay 8 con suốt, quay cả ngày mới được 2kg lưới. Những loại lưới nói trên mỗi tháng phải được ngâm huyết bò pha với dầu ngũ trảu 1 lần để tạo độ bền, để có thể chịu đời với độ mặn của nước biển.

“Đổ nửa ly dầu ngũ trảu vào cái thùng to đựng huyết bò, nhúng tấm lưới vào để cho thấm, sau đó mang lưới phơi ra nắng cho khô. Sau khi lưới khô, bỏ tấm lưới vào cái sọt to được đan bằng tre. Sọt tre đựng tấm lưới được đặt trên 2 cây gỗ gác lên trên cái chảo to dùng để nấu đường, trong chảo đổ đầy nước đặt trên lò lửa. Nước trong chảo được nấu sôi liên tục 3 tiếng đồng hồ, hơi nước xông lên làm keo dính huyết bò vào tấm lưới. Sau đó mang lưới ra phơi khô 1 lần nữa mới đưa ra biển hành nghề. Có như vậy lưới mới chịu nổi sóng gió vì không bị nước biển ngấm vào làm mục lưới. Hồi đó, mua được huyết bò cũng không phải dễ, ngư dân phải lên tận Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn), ngủ đêm cạnh các lò mổ bò canh mua mới có”, lão ngư Trần Đình Vọng nhớ lại.

Nghề lưới vây rút chì làm giàu cho ngư dân Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nghề lưới vây rút chì làm giàu cho ngư dân Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nghề biển ở Hoài Hương thực sự khởi sắc sau ngày đất nước thống nhất nhờ công của ngư dân Trần Bảng. Trước năm 1975, ngư dân Trần Bảng, chú họ của lão ngư Trần Đình Vọng, làm nghề biển trong tỉnh Khánh Hòa. Trong một chuyến đánh bắt xa bờ, ngư dân Trần Bảng kết bạn với một số ngư dân Nhật Bản làm việc trên tàu cá hành nghề lưới vây rút chì. 1 lần được thực tế tận mắt xem ngư dân Nhật Bản đánh bắt, cụ Trần Bảng nhận thấy ngư lưới cụ và kỹ thuật đánh bắt nghề lưới rút của các bạn nghề người Nhật sao mà đơn giản quá, lại cho hiệu quả cao, ông Bảng ngỏ ý muốn học nghề. Những ngư dân Nhật Bản gật đầu cái rụp, thế là cụ Bảng theo các ngư dân bạn sang Nhật học nghề lưới vây rút chì.

“Sau ngày đất nước thống nhất, chú Bảng của tôi về quê, truyền đạt lại kỹ thuật đánh bắt cá bằng nghề lưới vây rút chì cho ngư dân làng chài Hoài Hương. Ban đầu, chỉ khoảng 5 - 6 ngư dân trong làng học nghề của chú Bảng. Học xong, họ mạnh dạn đầu tư tàu lớn và sắm ngư lưới cụ đánh bắt xa khơi, hiệu quả mang lại ngoài mong đợi. Tiếng lành đồn xa, thế là ngư dân làng chài Hoài Hương đổ xô học nghề, rồi ngư dân trong tỉnh, cả ngư dân tỉnh ngoài cũng tìm về đây học nghề của chú Bảng, từ đó nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa dần phát triển mạnh”, lão ngư Trần Đình Vọng kể.

Không ngừng cải tiến

Theo lời kể của lão ngư Trần Đình Vọng, khi sang Nhật học đánh bắt thủy sản bằng nghề lưới vây rút chì, cụ Trần Bảng nắm bắt được yếu tố then chốt của nghề này là chiếc dây rút, nên khi hồi hương, cụ Bảng mua cả dàn lưới lẫn sợi dây rút mang về nghiên cứu. Về nước, cụ Bảng gỡ sợi dây rút trong dàn lưới mua từ bên Nhật ra, tháo từng sợi dây con để tìm hiểu cách xoắn, bện, tết như thế nào để thành sợi dây rút bền chắc. Sau đó, cụ Bảng tự đan dây rút bằng cách gộp 8 dây con thành sợi dây to bằng cổ tay người lớn. Khi ngư dân hành nghề lưới vây rút chì sử dụng dây rút đan theo kỹ thuật của cụ Bảng chuyển giao, khi kéo lưới, tấm lưới vây không còn bị rối dây như trước đây.

Hiện nay, nghề lưới vây rút chì đánh bắt bằng những tấm lưới rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, nghề lưới vây rút chì đánh bắt bằng những tấm lưới rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Từ khi học được nghề lưới vây rút chì từ cụ Trần Bảng, nghề biển của ngư dân Hoài Hương dần vươn ra xa khơi và quy mô làng chài cũng ngày càng mở rộng. Trước đây, gọi là làng chài Hoài Hương nhưng chỉ có dân của 2 thôn Ka Công và Thạnh Xuân làm nghề biển. Sau khi được tách thành 2 đơn vị hành chính là Hoài Hương và Hoài Hải, làng chài Hoài Hương mở rộng ra 5 thôn Thạnh Xuân, Thạnh Xuân Đông, Thạnh Xuân Bắc, Ka Công và Ka Công Nam. Phường Hoài Hương có hơn 18.000 nhân khẩu thì chiếm đến 75% dân số hành nghề đánh bắt hải sản trên biển.

Nếu như trước đây nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Hoài Hương chủ yếu làm ven bờ, thì nay làng chài này đã hình thành đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nhì tỉnh Bình Định. Hoài Hương hiện đang có gần 600  tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu hành nghề lưới vây rút chì và câu mực. Từ năm 2014 đến nay, ngư dân Hoài Hương phát triển thêm nghề câu cá ngừ đại dương kết hợp ánh sáng. Tàu có công suất nhỏ chuyên đánh bắt gần bờ với nghề lưới ghẹ, lưới lồng ở Hoài Hương giờ chỉ còn vài ba chục chiếc. Ở Hoài Hương bây giờ không thiếu gì những “ngư dân tỷ phú”, có người sở hữu đến 3 - 4 chiếc tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ.

Dưới đáy tấm lưới của nghề lưới vây rút chỉ được gắn những khoen đồng bọc chì nặng từ 1,2-1,5 tấn để kéo tấm lưới xuống sát đáy biển để vây cá. Ảnh: V.Đ.T.

Dưới đáy tấm lưới của nghề lưới vây rút chỉ được gắn những khoen đồng bọc chì nặng từ 1,2 - 1,5 tấn mới kéo được tấm lưới xuống sát đáy biển để vây cá. Ảnh: V.Đ.T.

Nghề lưới vây rút chì ở Bình Định ngày càng được phát triển cả về quy mô lẫn công nghệ đánh bắt. Đặc thù của nghề lưới vây rút chì là dưới đáy tấm lưới được gắn những chiếc khoen bằng đồng bọc chì để kéo lưới xuống sát đáy biển để vây cá. Trước đây, khi ngư dân còn đánh bắt bằng lưới nhỏ thì chỉ cần dùng khoen từ 1 - 2 kg/cái, nay đánh bắt bằng lưới lớn, ngư dân phải sử sụng những chiếc khoen có trọng lượng nặng hơn, từ 10 - 15 kg/cái.

Đặc thù của nghề lưới vây rút chì hiện nay là tấm lưới dài đến 600 sải, chiều đứng 70 sải. Mỗi khi buông lưới, để kéo được tấm lưới to chừng ấy xuống tận đáy biển để vây cá, phía dưới đáy lưới cần phải được gắn 120 chiếc khoen bằng đồng bọc chì, mỗi khoen nặng 10kg. Trọng lượng cả tấm lưới của nghề lưới vây rút chì nặng gần 7 tấn, trong đó riêng 120 chiếc khoen nặng 1,2 tấn, tấm lưới nặng 5 tấn, còn lại là trọng lượng của dây rút. Với sự phát triển của nghề lưới vây rút chì hiện nay, đối với những tấm lưới lớn cần phải sử dụng 100 chiếc khoen lớn, mỗi chiếc nặng 15kg, riêng trọng lượng của khoen đã nặng đến 1,5 tấn.

Đánh bắt cá ngừ sọc dưa bằng nghề lưới vây rút chì của ngư dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Đánh bắt cá ngừ sọc dưa bằng nghề lưới vây rút chì của ngư dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Vào năm 2015, nguyên liệu đồng ngày càng hiếm, giá lại đắt, ngư dân chuyển sang dùng khoen i-nox bọc chì để có giá thành rẻ hơn. Ngư dân mua từ cơ sở sản xuất những ống i-nox rỗng ruột quấn tròn, có kích cỡ tương tự như vòng khoen làm bằng đồng trước đây kèm theo những thỏi chì. Mang về, ngư dân nấu chì đổ vào ruột vòng khoen i-nox, thế là tấm lưới của họ được gắn những vòng khoen có sức nặng tương tự khoen đồng, nhưng giá thành lại rẻ hơn một nửa, chất liệu i-nox lại bền hơn đồng.

“Đặc biệt, sử dụng vòng khoen i-nox bên trong đổ chì khi thả lưới xuống đáy biển, sự va chạm của các vòng khoen không phát ra âm thanh to như vòng khoen bằng đồng nên lũ cá ít bị đánh động, không chạy tránh vùng lưới bủa nên đánh bắt đạt sản lượng”, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Khai mạc Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống huyện Lai Vung

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống nhằm ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi, những bàn tay tài hoa chăm chỉ miệt mài của người dân Lai Vung nghĩa tình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự 'Tết sum vầy' với công nhân tại Hải Phòng

Chiều 16/1, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã dự 'Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng' tại Hải Phòng do Liên đoàn Lao động, UBND, Mặt trận Tổ quốc TP phối hợp tổ chức.