| Hotline: 0983.970.780

Nghề phục hồi 'sức khoẻ' cho mai

Thứ Tư 01/03/2023 , 09:06 (GMT+7)

Sau khi đơm nụ, nở hoa, những cây mai cảnh chưa bán được trong dịp Tết đã mất sức, cần được cắt tỉa cành phục hồi 'sức khỏe' để chuẩn bị cho năm sau…

Empty

Anh Nguyễn Xuân Phúc, nhà vườn mai cảnh Bonsai Xuân Hà ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn), đang sửa lại những chậu mai còn lưu vườn. Ảnh: V.Đ.T.

Sửa mai chuyên nghiệp

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do thời tiết bất thuận nên nhiều vườn mai ở thị xã An Nhơn (Bình Định), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” mai cảnh miền Trung bị “điếc” nụ, hoa nở không kịp Tết nên không bán được, phải lưu lại vườn.

Qua Tết, những cây mai còn lưu vườn phải được nhổ cọc, cắt nụ, cắt hoa, xới đất, thay chậu để “bồi bổ” sức khỏe cho mùa hoa mới. Do đó, vừa qua những ngày nghỉ Tết Nguyên đán là các nhà vườn trồng mai cảnh ở An Nhơn tất bật với những công việc chăm, sửa mai.

Tại các làng mai Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh ở thị xã An Nhơn (Bình Định) có nhà vườn trồng số lượng lớn từ 6.000 đến 10.000 cây mai, mỗi dịp Tết bán được 1.000 - 2.000 cây, lứa này bán đi lứa sau bù vào, nên sau mỗi dịp Tết các nhà vườn rất hút công chăm, sửa mai. Từ đó hình thành lực lượng thợ sửa mai chuyên nghiệp, rong ruổi làm hết vườn này đến vườn khác, công việc dày cả năm.

Từ mùng 10 tháng Giêng, các làng mai ở An Nhơn rộn ràng chẳng kém những ngày trước Tết Nguyên đán. Nếu những ngày trước Tết các con đường bê tông dẫn về các làng mai nhộn nhịp những chiếc xe tải, xe lôi chở mai đi tiêu thụ thì sau Tết, cũng những con đường này lại nhộn nhịp những chiếc xe tải chở chậu, chở đất về các làng mai, để các nhà vườn “bồi dưỡng” cho những cây mai “tích sức” cho mùa hoa mới.

Theo anh Nguyễn Xuân Phúc, nhà vườn mai cảnh Bonsai Xuân Hà ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn), với số lượng ổn định thường xuyên 2.000 cây mai, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhà vườn Xuân Hà phải thuê đến 5 - 6 công cả nam lẫn nữ để chăm sóc mai.

Công nữ thì dùng những cây tre xới đất trong những chậu mai, công nam thì dùng những cộ rùa chở đất để thay đất cho những chậu mai, những thợ chuyên sửa mai thì chăm chút cắt tỉa cành nhánh, tạo dáng lại cho những cây mai.

Empty

Qua Tết, nhiều nhà vườn mai cảnh tập trung sửa sang lại những chậu mai còn lưu vườn. Ảnh: V.Đ.T.

“Sau Tết, những cây mai phải được cắt hết hoa, búp còn trên cây để tập trung sức nuôi cây chuẩn bị cho mùa hoa mới. Cứ qua mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm các nhà vườn thuê công nhổ cọc, cắt hoa và những cành phụ để cây mai dồn nhựa nuôi những cành chính phát triển tái sinh mùa hoa mới”, anh Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Theo anh Lê Văn Tư, thợ sửa mai cảnh chuyên nghiệp ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), những chậu mai 3 - 4 năm chưa thay đất mà chưa xuất bán được, đất trong chậu đã chai cứng, mất hết chất cần phải thay đất, thay chậu lớn hơn để phù hợp với độ phát triển của cây mai.

Những chậu mai chưa cần thay đất, thay chậu mới thì cũng phải được cắt tỉa cành, xới xáo đất trong chậu để vừa diệt cỏ, vừa tạo độ tươi xốp cho đất để kích thích rễ phát triển. Đến tháng 4 tháng 5 âm lịch các nhà vườn sẽ cho mai “ăn” phân để thúc mai phát triển cho mùa hoa Tết năm sau.

Empty

Đất phù sa trong tháng Giêng tăng giá do nhu cầu thay đất cho mai tăng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Tại thời điểm bón phân cũng là lúc các nhà vườn tiến hành ghép những giống mai đang được thị trường ưa chuộng để sức tiêu thụ được mạnh hơn. Các giống mai các nhà vườn thường ghép nhất hiện nay là mai cúc và mai giảo, những giống mai có sắc hoa rất tươi và rực.

“Đến mùa thay đất cho mai, các cơ sở đúc chậu cũng ăn nên làm ra. Nhiều cơ sở đúc chậu sản xuất mỗi ngày 200 - 300 chậu nhưng vẫn không kịp cung ứng cho các nhà vườn. Hầu hết các cơ sở đúc chậu phải đúc trước từ trong Tết để ra giêng bán, đồng thời dự trữ trước xi măng để chủ động sản xuất trong thời cao điểm. Ra giêng, đất phù sa cũng tăng giá vì nhu cầu của các nhà vườn tăng cao, hiện nay 1 xe 4 khối đất có giá 600.000 - 700.000 đồng/xe. Mỗi xe đất 4 khối nếu vô chậu mai Bonsai cỡ nhỏ được 200 - 250 chậu, còn vô những chậu mai lớn thì chỉ 100 chậu. Do đó, hiện các nhà vườn phải trộn thêm vào đất cám dừa hoặc trấu sống vì đất phù sa bây giờ hiếm lắm”, anh Lê Văn Tư cho hay.

Cây mai xấu thành mai Bonsai

Ở “thủ phủ” mai vàng An Nhơn (Bình Định), ngoài những nhà vườn chuyên trồng mai Bonsai với những dáng thế độc đáo cung ứng cho những khách chơi sành điệu, còn lại đa số là những nhà vườn trồng mai thị trường.

Mai thị trường có 2 loại, mai lùm là những cây mai tự nhiên không sửa sang dáng thế để bán cho khách hàng miền Nam và mai dáng long, những cây mai có dáng như con rồng uốn lượn từ gốc lên đến ngọn để bán cho khách hàng miền Bắc.

Empty

Mai Bonsai được người chơi sành điệu mua với giá cao. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Lê Văn Tư, mỗi nhà vườn trồng 6.000 - 7.000 cây mai dáng long, đến khi cây được 3 - 4 năm tuổi sẽ bị loại ra từ 700 - 1.000 cây bị chết nhánh hay có chi, bánh không đều, không tròn tay tròn tán, những cây này phải được sửa sang lại thành mai Bonsai để dễ bán. Anh Tư chuyên nhận làm những mai dáng long bị hư để chuyển thành mai Bonsai trên địa bàn thị xã An Nhơn.

“Tôi nhận làm đến 6 - 7 nhà vườn, vườn ít nhất cũng 600 - 700 cây, vườn nhiều cả ngàn cây. Với số lượng mai nhiều là vậy nên vừa qua Tết, từ mùng 10 tháng Giêng là tôi đã phải vào việc xả mai chứ không kịp. Xả mai là bấm cắt hết những cành mai có hoa, nếu không kịp bấm bỏ hoa sẽ đậu quả gây mất sức cho cây mai. Sau khi cây mai được bấm xả hết những cành cũ sẽ ra mầm mới. Từ những mầm mới này tôi sẽ uốn, sửa và ghép giống mới để thành những chậu mai Bonsai mini”, anh Lê Văn Tư giải thích.

Empty

Anh Lê Văn Tư đang đào mai phôi bán cho nhà vườn. Ảnh: V.Đ.T.

Với 6 - 7 vườn mai, việc của anh Tư dày kín cả năm. Cứ mỗi sáng sớm, với chiếc kềm cắt cây chuyên dụng anh Tư chạy xe máy đến vườn để làm việc. Công việc của anh Tư không hao nhiều mồ hôi, nhưng đầu óc phải luôn vận động.

Bởi, mỗi cây mai có 1 bộ gốc mang dáng thế riêng, để chuyển cây mai từ dáng long sang Bonsai, anh Tư phải vận dụng năng khiếu để tạo dáng cho cành nhánh phù hợp, hài hòa với bộ đế (bộ gốc) của nó. Từ 1 cây mai dáng long bị hư bánh, hư chi không thể tiêu thụ biến thành cây mai Bonsai có dáng thế độc đáo, giá trị sẽ tăng lên.

“Sau khi bấm cắt hết những cành cũ cây sẽ mọc mầm mới. Sau khi bấm cắt, 1 tuần sau cành sẽ lên mầm, khoảng 1 tháng sau là có thể dùng dây nhôm để tạo dáng cho cành mới. Ngày công tôi được chủ nhà vườn trả 400.000 đồng/ngày, không nhiều, nhưng công việc có đều quanh năm. Trưa, chiều về tôi bơm nước tưới cho 800 cây mai trồng trên 250m2 đất ruộng bán cho các nhà vườn làm phôi để làm mai Bonsai”, anh Tư chia sẻ.

Empty

Một chủ nhà vườn mai cảnh mua mai phôi của anh Tư. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài thu nhập từ nghề sửa mai, anh Tư còn có thu nhập không nhỏ từ ruộng mai 800 cây của anh. Mai trồng ngoài ruộng không tốn công chăm sóc nhiều, chỉ vài hôm bơm nước từ ngoài sông vào tưới, thỉnh thoảng bơm thuốc chứ cành nhánh không phải sửa sang gì. Năm ngoái, anh Tư đã bán 200 cây phôi với giá 150.000 đồng/cây. Đầu tháng 2 âm lịch năm nay anh Tư bán tiếp cho 1 nhà vườn 100 cây mai phôi nữa, mai phôi năm nay có giá 200.000 - 250.000 đồng/cây, 100 cây mai phôi anh Tư kiếm được gần 25 triệu đồng.

“Bán mai phôi tôi cắt hết cành nhánh, chỉ đào lấy gốc. Mai phôi mang về trồng chỉ khoảng 1 tháng sau là đóng mầm, ghép giống mới để sau này cây cho hoa đẹp, bán có giá. Sau khi mầm cứng cáp, chủ nhà vườn sẽ thuê tôi tạo dáng cho cây để thành mai Bonsai, công việc cứ thế làm quanh năm…”, anh Lê Văn Tư chia sẻ.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm