| Hotline: 0983.970.780

Thú chơi mai cảnh cũng dày công phu

Thứ Sáu 26/02/2021 , 14:02 (GMT+7)

Hơn 30 tuổi anh mới bước vào nghề trồng mai cảnh, thế nhưng nhờ đam mê, anh đã nhanh chóng thành công và trở thành “bàn tay vàng nghệ nhân” cấp tỉnh năm 2020.

Tay ngang trở thành “tay vàng”

Là cư dân của xã Nhơn Hạnh, xã láng giềng với xã Nhơn An, nơi được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng” của TX An Nhơn (Bình Định); nhìn thấy người dân Nhơn An ai nấy đều ăn nên làm ra từ nghề trồng mai cảnh, cách đây 21 năm, anh Trần Ngọc Tuấn (56 tuổi) cũng mày mò làm theo.

Mới “chân ướt chân ráo” vào nghề mà Tuấn đã trồng đến 500 cây, trong khi anh chưa có chút kinh nghiệm nào về kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng cho mai.

“Tôi làm là làm liều chứ khi ấy tôi có biết gì về mai đâu. Lại “ngựa non háu đá”, đã làm là làm luôn 500 cây. Làm rồi mới thấy mình cả gan bởi nhìn vào cây mai không biết cắt tỉa như thế nào cho ra dáng. Vậy là phải thuê người đến sửa mai. Họ nhận lời rồi mà hẹn lên hẹn xuống, cả tháng không thấy bóng dáng đâu. Sau này hiểu ra là họ giấu nghề, sợ tôi học lỏm. Khi ấy tôi nghĩ mình trồng nhiều thế này mà cứ đợi người đến sửa thì biết đến bao giờ, kiểu này chắc phải bỏ vườn mai. Lỡ liều tôi liều đến cùng luôn, vậy là tôi chuyên tâm nghiên cứu, tự sửa những cây mai của mình để khỏi phải lệ thuộc ai”, anh Tuấn bộc bạch.

Bây giờ nói: “Hồi ấy tôi tự mày mò nghiên cứu” nghe “nhẹ tênh” là vậy, nhưng thật ra là cả một kỳ công. Không có “thầy” hướng dẫn trực tiếp, kỹ thuật trong sách thì mơ hồ, buộc anh phải dồn hết tâm lực.

Anh Trần Ngọc Tuấn bên cây mai 'long dáng' 20 năm tuổi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trần Ngọc Tuấn bên cây mai “long dáng” 20 năm tuổi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ khi “dính” với cây mai, hầu như anh Tuấn không còn màng đến chuyện ruộng nương đồng áng, chuyện nhà chuyện đồng anh giao hết cho vợ. Cả ngày anh quanh quẩn bên những cây mai, đêm về anh cũng nghĩ đến những cây mai. Cây nào có dáng thế tiềm năng là gần như luôn hiển hiện trước mặt anh, dù anh đang không đứng trước nó. Khi ấy anh vận dụng hết công suất của trí tưởng tượng để định hình cho cây mai ở thì tương lai, dựa trên tiềm năng nó đang có.

Cũng may cho anh, niềm đam mê đã không phụ lòng, mai anh trồng lên 3 - 4 năm tuổi bán lấy tiền tươi, giá lại cao hơn vườn nhà người khác, nên vợ anh cứ để cho anh vô tư bám trụ với vườn mai.

“Cách đây 16 năm, có người đến xem vườn mai 4 năm tuổi của tôi và chọn mua 4 cây, tôi gióng giá 20 triệu đồng, ông ấy mua ngay không trả treo gì, trong khi giá thị trường mai 4 năm tuổi khi ấy chỉ có 500 - 700 ngàn đồng/chậu. Mai 1 - 2 năm tuổi của tôi cũng bán được giá cao hơn mai vườn người khác. Vợ thấy việc trồng mai của tôi mang lại hiệu quả kinh tế nên từ đó cho tôi thoải mái theo nghề”, anh Tuấn chia sẻ.

Qua hơn 20 năm, hiện vườn mai của anh Tuấn đã tăng trưởng đến 1.000 cây. Trong số 1.000 cây mai ấy anh tuyển ra những cây ưng ý ai có trả mua giá cao mấy cũng không bán, anh quyết nuôi chúng đến tuổi trưởng thành. Hiện anh đang sở hữu 35 cây mai dáng “độc” đã được 20 - 21 năm tuổi và 30 cây lớp hậu bị có tuổi đời từ 10 - 12 năm. Số còn lại anh tuyển từng lứa bán vào những dịp cuối năm để kiếm tiền xoay sở chuyện gia đình.

Anh Trần Ngọc Tuấn bên cây mai có dáng 'tứ diện' 21 năm tuổi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trần Ngọc Tuấn bên cây mai có dáng “tứ diện” 21 năm tuổi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tôi tham dự “Hội thi mai xuân” 10 cây, trong đó 2 cây đoạt huy chương vàng, 2 cây đoạt huy chương bạc và 2 cây đoạt huy chương đồng. Cũng trong năm này tôi đạt danh hiệu “Bàn tay vàng nghệ nhân cấp tỉnh”. Hội thi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa rồi tôi tham gia 4 cây, cây nào cũng trên 20 năm tuổi. 10 năm nữa, khi 4 cây này đúng tuổi trưởng thành, mỗi cây có giá trị không dưới nửa tỷ đồng”, anh Tuấn cho hay.

Dày công mới có ưng ý

Theo anh Tuấn, muốn tạo dáng cho cây mai phải bắt đầu từ lúc nó còn rễ cám. Khi ấy, phát hiện ra nó có tiềm năng phát triển thành dáng gì, thì chủ nhà vườn sẽ định hình và cắt tỉa, uốn nắn nó thành dáng ấy. Mai cảnh có nhiều dáng thế: Dáng long, dáng trực, dáng tứ diện, dáng long phụng, dáng ngũ phúc, dáng tỷ muội…

“Những bậc trưởng thượng trong nghề chơi mai cảnh đã nói: “Nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ hoa”. Ý muốn nói dưỡng cây mai nghệ thuật phải bắt đầu từ đế là bộ rễ. Khi có bộ đế vững vàng rồi thì mới chăm sóc, uốn tạo dáng cho thân cây, sau đó mới đầu tư đến cành, hoa là ưu tiên chót. Muốn có cây mai đẹp, ngay từ lúc nó mới 1 tuổi mình phải định hình dáng thế cho nó, dựa vào đó mình vạch ra kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa như thế nào để nó thành hình. Thậm chí mình còn phải mường tượng ra đến 10 năm tuổi nó sẽ phát triển đến như thế nào, rồi mình đề ra kế hoạch tiếp tục chăm sóc ra sao để nó trưởng thành đúng theo ý mình”, anh Tuấn chia sẻ.

Anh Trần Ngọc Tuấn đang phân tích cách tạo dáng cho 1 cây mai theo ý muốn cho người thưởng ngoạn tại Hội thi mai vàng thị xã An Nhơn (Bình Định) mừng Xuân 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trần Ngọc Tuấn đang phân tích cách tạo dáng cho 1 cây mai theo ý muốn cho người thưởng ngoạn tại Hội thi mai vàng thị xã An Nhơn (Bình Định) mừng Xuân 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đứng trước cây mai “long dáng” đã được 21 năm tuổi, anh Tuấn phân tích tỉ mỉ: Đối với cây mai có dáng long, mình phải hình dung bộ đế của nó là “đầu rồng”. Đầu rồng gồm có đỉnh đầu, 2 bên đỉnh đầu là 2 râu, dưới 2 râu là 2 mang nằm 2 bên. 2 sợi rễ được xem là “râu rồng” phải đều nhau, rễ được xem là “mang rồng” cũng vậy, không được sợi to sợi nhỏ để khỏi bị “lỗi dáng” và cấu tạo rễ 2 mang phải lớn hơn rễ 2 râu.

“Cũng là những sợi rễ trong 1 bộ đế, nhưng để có sợi lớn sợi nhỏ như ý muốn, tôi phải nuôi từ lúc bộ rễ nó còn nhỏ. Sự lớn, nhỏ của rễ theo từng chi tiết tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng mình cho nó ăn. Sợi rễ cần to thì đất chỗ nó sống cần có độ phì cao hơn, sợi rễ cần nhỏ thì độ phì chỗ đất nó nằm phải thấp hơn. Lượng phân bón cho nó ăn phải cân bằng, không được lạm dụng, cho nó ăn nhiều phân bộ rễ sẽ bị thối, còn cho ăn ít hơn nhu cầu thì nó sẽ không phát triển”, anh Tuấn phân tích.

Về phần thân cây mai có dáng long, cũng theo anh Tuấn, phải “cân đo” kỹ càng khoảng cách của các chi. Ví như khoảng cách từ chi 1 đến chi 2 phải lớn hơn khoảng cách từ chi 3 đến chi 4 khoảng 1 - 2 phân. Càng đi về phía “đuôi rồng” là đọt cây thì khoảng cách phải càng ngắn lại thì cây mai “long dáng” mới được tạo hình hoàn hảo. Chi 1 phải được nuôi khỏe mạnh để nhánh to gần bằng thân cây, những chi đi dần từ gốc lên ngọn phải nhỏ dần và chiều cao của cây mai “long dáng” không được cao quá 1m thì cây mới cân đối.

Từ 1 người 'ngoại đạo' trong nghề mai cảnh, nhìn thấy người dân xã láng giềng Nhơn An ăn nên làm ra từ nghề trồng mai, anh Tuấn làm theo và nhanh chóng thành công. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ 1 người “ngoại đạo” trong nghề mai cảnh, nhìn thấy người dân xã láng giềng Nhơn An ăn nên làm ra từ nghề trồng mai, anh Tuấn làm theo và nhanh chóng thành công. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Định hình cây có dáng gì là tùy thuộc vào sự hình thành bộ đế của nó từ lúc nhỏ. Khi có bộ đế hoàn hảo rồi mình mới tạo dáng cho thân. Muốn tạo cây mai của dáng bay thì nó phải có bộ đế thật vững vàng. Cây mai có bộ đế yếu, nhỏ mà thân cây mình tạo thành dáng bay là không đúng nghệ thuật. Ví như chiếc xe cần cẩu muốn vươn cần, cẩu được vật dụng nặng thì xe phải có chân trụ vững vàng, nếu không khi cẩu xe sẽ bị lật gọng. Cây mai cũng vậy, dáng bay của nó phải được đứng trên bộ đế vững vàng thì mới đúng nghệ thuật”, anh Tuấn ví von.

“Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng cây mai, nếu mình tạo được những cục nu trên thân của nó thì giá trị của cây sẽ được tăng cao. Bởi, cây mai càng có nhiều u nần thì càng tăng thêm dáng lão, thị hiếu người chơi bây giờ rất thích như vậy. Mình cứ hình dung dòng nhựa chảy trong thân cây tựa như dòng chảy của dòng sông, dòng sông đang chảy gặp vật cản nước sẽ dồn lại, nước dồn nhiều thì bờ vỡ. Thân cây mai cũng vậy, mình muốn nó nu chỗ nào thì dùng kỹ thuật chặn lại chỗ ấy nó sẽ bức vỏ tạo thành cục nu”, anh Trần Ngọc Tuấn chia sẻ.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưa lớn, gió xoáy làm 2 người mất tích

2 người mất tích cùng nhiều tài sản, công trình, nhà cửa của người dân huyện Sìn Hồ (Lai Châu) bị thiệt hại do mưa lớn và gió xoáy.