| Hotline: 0983.970.780

Nghề thêu Quất Động

Thứ Hai 06/07/2015 , 09:49 (GMT+7)

Nghề thêu tay truyền thống ở xã Quất Động (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) nổi tiếng với lịch sử lâu đời, vang danh khắp vùng từ xưa đến nay.

Khoảng 500 năm trước, chính nơi đây ông Lê Công Hành (ông tổ nghề thêu tay) đã dạy những đường kim mũi chỉ thêu đầu tiên và từ đó nghề đã phát triển rộng ra cả làng, xã.

Hiện nay, người biết thêu tranh ở Quất Động rất nhiều, trẻ có, già có, nhiều nhất là người trung tuổi. Dân ở trong làng truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, hầu như ở đây ai cũng biết thêu.

Chị Nguyễn Thị Phượng, nghệ nhân thêu tranh nổi tiếng của thôn Đô Quan, chia sẻ: “Tôi cũng chẳng nhớ rõ nghề thêu này có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ thời ông bà nội tôi đã làm nghề này rồi, gia đình cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ sau giữ nghề để sống.

Hiện nay, do gia đình có nghề thêu truyền thống nên cũng được rất nhiều nhà may và các hãng thời trang về tận nơi đặt hàng. Nghề thêu vẫn là nghề chính đem lại thu nhập cho gia đình với thù lao chừng 2,5 triệu đồng/tháng”.

Đề tài tranh Quất Động rất phong phú, mỗi tác phẩm đều mang đậm tính dân tộc, nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem tình yêu đối với non sông đất nước.

Tuy nhiên, trong những năm trở gần đây, có một thực tế mà những người trong xã Quất Động ai cũng nhận thấy là sự mai một của nghề thêu xảy ra từng ngày.

Trong những gia đình làm nghề thêu tranh, các lao động chủ yếu là phụ nữ trung tuổi và người già còn thanh niên rất hiếm bởi thu nhập từ nghề thêu tranh tương đối thấp. Đầu ra của sản phẩm gặp không ít khó khăn và giá của mỗi sản phẩm cũng không cao.

Ông Nguyễn Qúy Đôn, Trưởng thôn Đô Quan, cho biết: “Trước đây, phần đông lớp trẻ đều biết thêu và chọn nghề này để phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều DN ở Hà Nội và cận kề xã mọc lên. Vì thế, nhiều người trong số họ đã đi làm thêm cho các Cty chứ không còn mặn mà với nghề thêu tay nữa".

Hiện nay, tranh Quất Động đã có mặt ở thị trường trong và ngoài nước, tuy nhiên đó chỉ là sản phẩm của một số cá nhân. Còn nhiều gia đình lại rất chật vật trong việc tìm kiếm thị trường vì thế họ không mở rộng SX được.

Trong thời kì mới, việc giữ vững và phát triển nghề thêu ở Quất Động đóng vai trò quan trọng, không chỉ là lưu giữ nghề truyền thống lâu đời mà trong quá trình xây dựng NTM sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Quất Động, cho hay: “Từ năm 2012, xã bắt tay vào xây dựng NTM, Ban chỉ đạo cũng xác định việc phát triển nghề thêu là mục tiêu quan trọng, bởi hiện nay vẫn rất nhiều người dân trong xã duy trì nghề này.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nghề thêu đang có xu hướng tụt hậu và đem lại thu nhập không ổn định. Để xây dựng hướng phát triển trong thời gian tới, xã sẽ tập trung hình thành hợp tác xã thêu, khuyến khích lớp trẻ tham gia hiệp hội, mở các lớp truyền nghề do nghệ nhân cao tuổi trực tiếp đứng ra hướng dẫn các học viên kinh nghiệm cũng như kĩ thuật thêu tay truyền thống.

Đồng thời, phối hợp với hiệp hội nghề thêu trong xã tổ chức các buổi triển lãm tại các tỉnh thành trong cả nước, nhằm giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh làng nghề và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.