| Hotline: 0983.970.780

Nghị lực của cậu bé viết bằng chân

Thứ Ba 24/12/2019 , 08:35 (GMT+7)

Tại thôn Muối, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, có một cậu bé được gọi với cái tên thân yêu: Cậu bé có đôi chân kỳ diệu.

16-43-25_hinh_nh_4
Với đôi chân diệu kỳ, Tiến Anh đã, đang và sẽ vẽ cuộc đời của chính mình.

Đó là em Nguyễn Tiến Anh (sinh năm 2010). Nhìn hình ảnh cậu bé bị cụt cả hai tay đang chăm chú nắm cây bút chì bằng chân, nắn nót viết những chữ cái đầu đời khiến ai cũng phải nể phục.
 

Bất hạnh đầu đời

Vừa tới đầu làng, tôi dừng xe và hỏi người dân địa phương, họ niềm nở và tự hào gọi cậu với cái tên thật thân thương: “Nguyễn Ngọc Ký làng Muối”. Trên con ngõ nhỏ dẫn vào nhà em, người dẫn đường miệt mài kể cho tôi nghe về hoàn cảnh, những câu chuyện vượt khó phi thường của cậu bé có đôi chân kỳ diệu. Nhắc tới Tiến Anh, làng trên xóm dưới không ai là không biết đến em.

Nhà Tiến Anh ở cuối ngõ, ngôi nhà nhỏ ấm cúng của 3 mẹ con luôn ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Khi tôi đến, chỉ có mẹ em ở nhà. Tôi ngồi trò chuyện cùng chị, tên chị là Nguyễn Thị Tuyên (SN 1985) - một người phụ nữ dáng cao, gầy, dù mới tiếp xúc tôi cảm nhận chị thuộc tuýp người đảm đang, tháo vát và mạnh mẽ.

Chị Tuyên tâm sự, chị đi làm công nhân và lấy chồng xa khi tuổi mới đôi mươi. Những tưởng cuộc hôn nhân êm đẹp và hạnh phúc. Được ít lâu, hôn nhân tan vỡ. Chị Tuyên đau đớn xót xa ôm con trai đầu lòng về nhà và sống với bố mẹ đẻ tại thôn Muối. Vài năm sau, ước mong có anh, có em, người mẹ trẻ quyết định sinh thêm nhưng không đi bước nữa.

Chuỗi ngày thai kỳ cứ qua đi. Đến những tháng cuối, khi đi khám bác sĩ chẩn đoán, một trong hai bé phát triển không bình thường, bị thiếu đôi tay. Chị Tuyên đã rất lo lắng: “Lúc ấy, chị lo lắm. Khi sinh trong bệnh viện, các bác sĩ, đặc biệt là mẹ chị cũng động viên tinh thần nên khi chào đón hai bé song sinh, chị rất thoải mái và hạnh phúc. Chị nghĩ âu cũng là số phận nên quyết định đặt tên hai bé là Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Tiến Anh”.

Dù là “đôi đũa lệch” nhưng hai anh em luôn cùng nhau cố gắng. Khi mới tập đi, người anh song sinh của Tiến Anh đứng dậy tập đi, em cũng men theo ven tường tự bước đi mà không nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.

Hai anh em song sinh Tuấn Anh - Tiến Anh luôn song hành với nhau từ tấm bé.

Nhìn thấy con chập chững, ấy đã là một điều hạnh phúc lớn lao đối với một người mẹ, và như có phép màu lạ đến với Tiến Anh, điều đó càng giúp chị Tuyên có thêm động lực để cố gắng, cũng như có thêm hy vọng rằng, ngày mai “tay con sẽ mọc”…
 

Chiến thắng chính mình là chiến thắng tất cả

Chừng hơn 2 tuổi, Tiến Anh nói sõi, em biết dùng chân chơi trò chơi, tự xúc ăn cơm,… Khi đi mẫu giáo, chị Tuyên mong con có môi trường để hòa nhập, Tiến Anh có thể thoải mái chơi đùa cùng bạn bè, được tập tô, tập vẽ, tập viết cùng các bạn. Vậy mà dần dần, niềm mong mỏi của người mẹ trẻ đã thành hiện thực, Tiến Anh có thể tự làm được tất cả.

Đã từng có lần Tiến Anh hỏi mẹ rằng: Mẹ ơi, sao con không có tay như các bạn, bao giờ tay con sẽ mọc hả mẹ? Câu hỏi thơ ngây của con trai khiến lòng người mẹ trẻ quặn thắt. Dù rất nhọc nhằn, nhưng chị Tuyên đành chọn cách giải thích cặn kẽ cho con hiểu rằng, con là người khuyết tật, tay con sẽ không bao giờ mọc nữa…

Có lẽ, nhận thức được sự thiếu hụt trên cơ thể, vì vậy mà Tiến Anh tập cho đôi chân của mình có thể làm mọi công việc thay đôi tay. Không vì thế mà em mặc cảm, tự ti, ngược lại, Tiến Anh luôn vô tư, thoải mái, hòa đồng, hồn nhiên nô đùa, học tập cùng bè bạn.

Trải lòng cùng chị Tuyên, tôi càng hiểu thêm được nỗi lòng bao la của người mẹ trẻ này. Nhọc nhằn là thế, không biết bao nhiêu giọt nước mắt người mẹ đã rơi vì cậu con trai bé bỏng. Tôi thương Tiến Anh bao nhiêu thì lại càng xót xa cho người phụ nữ tảo tần, lam lũ ấy bấy nhiêu.

Tôi tìm về trường Tiểu học Lan Mẫu, xã Lan Mẫu, vào một buổi chiều muộn. Ánh nắng vàng len lỏi qua từng tán lá cây. Cả sân trường ngập tiếng reo vui của lũ trẻ nô đùa trong giờ ra chơi.

Tôi háo hức nhìn quanh sân trường, cái dáng nhỏ con, cái chân thoăn thoắt mải miết chơi đá bóng của cậu bé Tiến Anh đã khiến tôi nhanh chóng nhận ra em. Tôi thích thú đưa mắt nhìn em, nếu không được mắt thấy tai nghe, tôi sẽ không thể tin được, Tiến Anh lại có thể làm được những điều tưởng như không thể.

Tiến Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động thể chất.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, chủ nhiệm lớp Tiến Anh bùi ngùi cho biết: “Ngày đầu Tiến Anh mới đi học, chúng tôi lúng túng không biết bố trí em ngồi chỗ nào cho thích hợp. Lúc đầu nhà trường bố trí em ngồi ở góc phòng, dưới nền xi măng lót áo mưa vì bàn học cao quá không phù hợp khi em viết bằng chân.

Khi học, hễ gặp chữ nào khó thì Tiến Anh đều cố gắng rèn cho bằng được. Em viết chữ bằng chân nhưng rất đẹp, rõ nét, mềm mại. Em học giỏi môn Toán và môn Tiếng Việt, vẽ cũng đẹp... Mỗi lần nhìn thấy Tiến Anh viết bài toát mồ hôi là mỗi lần tôi thấy thương em nhiều hơn. Mỗi lần nhìn thấy Tiến Anh cười và ríu rít khoe khi được điểm 10 cũng là mỗi lần tôi xúc động. Trên đời này đâu có nhiều người làm được điều đó”.

Tiến Anh đưa tôi đến hết những bất ngờ này tới bất ngờ khác. Khi được thấy em ngồi viết bài, “cậu bé có đôi chân kỳ diệu” này càng chứng minh cho tôi thấy rõ, em rất nghị lực và kiên cường.

“Những tháng đầu mới tập viết, hai ngón chân kẹp bút của con đỏ ửng lên, tôi có bảo con nghỉ nhưng con vẫn không nghe. Có lần vì mải viết chữ, chân con đau nhức, con lại gọi tôi: “Mẹ ơi bóp chân cho con, mẹ ơi xoa bàn chân cho con”. Lâu dần con viết chữ thành thạo hơn, nhanh hơn”, chị Tuyên chia sẻ.

16-43-25_hinh_nh_5
Những nét vẽ rất đẹp từ đôi chân của Tiến Anh tại cuộc thi gần đây.
16-43-25_hinh_nh_6
Phần thưởng có ý nghĩa tinh thần rất lớn ghi nhận nỗ lực không biết mệt mỏi của Tiến Anh.

Tiến Anh ngồi trên một chiếc bàn có thiết kế đặc biệt, giúp em thuận tiện dùng chân viết bài. Em kẹp bút ở hai ngón chân, đưa từng nét một, em phải gù lưng, vặn người mới có thể giữ chắc cây bút. Những nét chữ nắn nót, mềm mại cứ thế lướt trên trang giấy. Ngắm em viết bài, tôi càng thấy thương và cảm phục nghị lực của cậu bé.

Trao đổi cùng tôi, thầy Nguyễn Xuân Tưởng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lan Mẫu chia sẻ: “Tiến Anh vẫn luôn lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, không vì bản thân tật nguyền mà mặc cảm hay tự ti. Em luôn cố gắng và nỗ lực. Trong học tập, em đạt thành tích tốt. Đặc biệt, Tiến Anh rất thích vẽ, những bài vẽ của em rất đẹp và sáng tạo”.

Tiến Anh luôn mơ ước trở thành họa sĩ. Em vui vẻ khoe với tôi những bức tranh em vẽ trong tập vở. Những bức tranh mang màu sắc thật tươi sáng về mẹ, về mái trường thân yêu nơi em đang theo học, về những người bạn của em,… Em vẽ tất cả những điều xung quanh em dưới ngòi bút được điều khiển bằng đôi chân kỳ diệu.

Góc học tập của cậu bé trong ngôi nhà nhỏ.

Khi chúng tôi hỏi về quá trình luyện chữ, cậu bé thổ lộ: “Con học từ từ, học theo các bạn. Đầu tiên con cũng cố gắng kẹp cho chắc cây bút ở chân, sau đó đưa theo hướng dẫn trong sách. Làm toán cũng vậy, con tập viết những con số trước, sau đó mới đến cộng, trừ sao cho đúng.

Con không thích làm bẩn sách vở của mình. Con muốn sau này được trở thành làm họa sĩ vẽ lên những tâm tư, ước vọng của mình và sắc màu của cuộc sống tươi đẹp này”.

Trong cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em” năm 2018 mới đây do hãng bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức, Tiến Anh đoạt giải khuyến khích. 

Phải chăng đúng như cái tên của em - Tiến Anh, không bao giờ gục ngã và luôn tiến về phía trước. Bằng đôi chân kỳ diệu của mình, em đang vẽ nên những mảnh ghép cuộc đời bằng những gam màu thật tươi sáng, dưới chất liệu hồn nhiên, mộc mạc.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cửa hàng in quảng cáo chìm trong biển lửa

Sáng 21/4, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn đang khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhiều người liên quan để điều tra vụ cháy xưởng sản xuất biển quảng cáo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm