| Hotline: 0983.970.780

Nghị lực phi thường của những người biến đồi cát thành vựa rau củ quả

Thứ Bảy 10/02/2018 , 07:15 (GMT+7)

Từ một bãi cát trắng, nông dân xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã biến thành cánh đồng củ cải mơn mởn màu xanh. Năm nay, củ cải vừa được mùa, vừa được giá với gần 1 tấn/sào nên người dân rất phấn khởi. Ngoài ra, đây cũng là điểm cho các em học sinh tham quan du lịch trải nghiệm.

16-45-52_1
Gia đình chị Nguyễn Thị Bính mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng từ cánh đồng rau củ

Những ngày này, trên cánh đồng Bắc Văn (xã Thạch Văn) nông dân đang tất bật với việc thu hoạch vụ đông. Toàn bộ diện tích đất cát được phủ xanh bằng các loại rau củ cải, cải bẹ, dưa chuột, cà chua, hành tăm… Trong đó củ cải trắng là loại cây trồng thích hợp nhất và được trồng nhiều nhất, chiếm 70% diện tích toàn vùng. Dù thời tiết mưa phùn, lạnh tê tái nhưng họ vẫn phấn khởi xuống đồng thu hoạch bởi năm nay củ cải vừa được mùa, vừa được giá.

Năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Bính trồng hơn 1ha củ cải trắng với nhiều lứa khác nhau. Tính đến cuối tháng 1 này, chị sẽ thu hoạch xong lứa củ cải đầu tiên trong vụ.

Chị Bính chia sẻ: “Mấy năm trước chúng tôi trồng toàn bộ diện tích một lứa nên dù được mùa nhưng không được giá lại khó bán. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi trồng xen kẽ để tính toán làm sao khi thu hoạch xong lứa thứ nhất thì lứa thứ hai mới bước vào kỳ thu hoạch và đến Tết Nguyên đán vẫn có củ cải bán. Vùng này đất cát dễ trồng, không phải sử dụng thuốc hay chất kích thích gì nên người mua rất ưa chuộng”.

Cũng theo chị Bính, trước đây vùng này là những đồi cát hoang hóa, bạc màu. Sau khi được một doanh nghiệp san phẳng người dân liền đấu thầu cánh đồng này để trồng rau củ quả. “Mùa này chúng tôi trồng củ cải, cà rốt, dưa chuột, bầu bí, mùa sau lại trồng lạc, dưa hấu, dưa lê… Mùa nào trồng theo cây nấy chứ không để đất nghỉ, vừa không để lãng phí đất đai, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng từ cánh đồng này”, chị Bính phấn khởi.

Không chỉ chị Bính mà nhiều người dân vẫn đang đội mưa tất bật thu hoạch rau củ trên đồng. Bà Trần Thị Tí vui vẻ: “Dù trời mưa nhưng tôi vẫn phải ra thu hoạch củ cải để sáng mai đưa lên chợ tỉnh bán. Trung bình mỗi ngày tôi nhập khoảng 60 – 70kg củ cải với giá khoảng 8.000 đồng/kg. Cũng có thương lái đến đây thu mua tại chỗ nhưng giá rẻ hơn nên chúng tôi tự đem đi bán. Thu hoạch hết lứa này chúng tôi lại trồng lứa khác”.

16-45-52_2
Người dân phấn khởi vì năm nay củ cải trắng vừa được mùa vừa được giá

Năm 2017, phát huy thế mạnh sản xuất vụ đông trên đất cát ven biển, ngay từ đầu vụ xã Thạch Văn đã chỉ đạo bà con mở rộng diện tích rau, củ, quả ở vùng tập trung và vườn nhà. Đến nay các vùng rau đã cho thu hoạch với năng suất cao.

Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: “Đến nay, toàn xã có 12,5ha sản xuất rau củ cải tập trung chủ yếu ở thôn Bắc Văn, trong đó có 3 HTX và 3 THT sản xuất rau củ quả với khoảng 100 lao động tham gia. Việc trồng giống cây rau màu trên vùng đất cát không quá kỳ công bởi đây là vùng đất cát, giống cây củ cải lại rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu bản địa, dễ chăm sóc, không phải bỏ nhiều công sức. Ngoài ra, quy trình sản xuất giống cây củ cải chỉ mất khoảng 45 ngày là có thể cho thu hoạch nên người dân có thể sản xuất 4 lứa củ cải trắng mỗi năm. Những năm được mùa người dân sẽ có thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/ha”.

Hiện nay, toàn bộ vùng đất cát này đã được đầu tư hệ thống tưới nước tiên tiến, phục vụ tưới tiêu cho bà con. Do vậy, mùa hè người dân vẫn có thể yên tâm sản xuất mà không lo thiếu nước.

Từ đồi cát hoang trở thành những cánh đồng rau củ xanh ngút ngàn không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập mà còn là điểm tham quan du lịch trải nghiệm cho các em học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. “Từ đầu vụ đến nay, rất nhiều trường cho học sinh đến đây tham quan và trải nghiệm. Dạo này mưa rét quá chứ nắng ấm lên học sinh đến tham quan đông lắm”, ông Thái chia sẻ.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.