| Hotline: 0983.970.780

Nghi vấn ngao chết do xả thải?

Thứ Tư 25/03/2015 , 06:12 (GMT+7)

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đã liên tục xảy ra hiện tượng ngao nuôi bị chết hàng loạt tại các vùng nuôi ở Nghệ An và Hà Tĩnh./ Hà Tĩnh: Ngao chết hàng loạt

Các xét nghiệm ban đầu chưa phát hiện thấy nguyên nhân do dịch bệnh hay tảo độc. Vì vậy, nguyên nhân ngao chết đang được hướng về yếu tố xả thải môi trường.

Cục Thú y cho biết, tính đến thời điểm này, tại Hà Tĩnh đã xảy ra hiện tượng ngao chết với tổng diện tích trên 90 ha (trong tổng số gần 370 ha toàn tỉnh) tại 42 hộ nuôi thuộc 5 xã của 3 huyện. Hiện tượng ngao chết hàng loạt bắt đầu vào ngày 19/2/2015 (tức mùng 1 Tết âm lịch).

Tại Nghệ An, tình trạng này cũng bắt đầu xảy ra tại huyện Quỳnh Lưu từ ngày mùng 3 Tết, đến nay tổng diện tích ngao bị chết ở huyện này đã lên tới trên 100 ha.

Theo Cục Thú y, mặc dù hiện tượng ngao chết xảy ra khá nghiêm trọng, nhưng người dân và địa phương báo cáo muộn, một phần chủ quan vì thường thì năm nào cũng có ngao chết, nhưng năm nay lại rất nghiêm trọng. Ước tính, tỉ lệ ngao bị chết có nơi lên tới 70%, nơi nhẹ khoảng 30%.

Ngay sau khi có thông tin, Cục Thú y đã cử 3 đoàn công tác tới các địa phương lấy 28 mẫu bùn, nước và ngao để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm trên cả ngao và sò biển sống đến thời điểm này cho thấy, cả ở Nghệ An và Hà Tĩnh đều không phát hiện ký sinh trùng Perkinsus (bệnh thường xảy ra trên ngao).

Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo: Tại các vùng xảy ra ngao chết, trong khi chưa tìm ra nguyên nhân, người dân chưa nên vội vào giống mới; tiến hành vệ sinh, dọn dẹp sạch vỏ ngao chết; cày đảo, phơi khô bãi nuôi…
Các địa phương cần tập trung thường xuyên giám sát việc quan trắc môi trường nước tại vùng nuôi, khi có các yếu tố bất thường thì thực hiện ngay các việc như: Thu hoạch ngay ngao đã đến tuổi thu hoạch; di dời ngay ngao chưa đến tuổi thu hoạch tới vùng an toàn. 

Chỉ có 3/6 mẫu ngao, 1 mẫu bùn và 1 mẫu sò phát hiện có vi khuẩn Vibrio lớn hơn mức cho phép. Đặc biệt, đã phát hiện một số mẫu nước có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép nhiều lần.

Nơi nuôi ngao tại Nghệ An và Hà Tĩnh bị thiệt hại cùng có chung đặc điểm xuất hiện hiện tượng nước biển đỏ bất thường trước lúc ngao bị chết từ 1-2 ngày. Điều này đang đặt ra nghi vấn có thể ngao chết do hiện tượng thủy triều đỏ, bị nhiễm tảo độc.

Tuy nhiên theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kết quả kiểm tra xét nghiệm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đến thời điểm này đều không phát hiện thấy các yếu tố của tảo độc cũng như các yếu tố về dịch bệnh, điều này chứng tỏ khả năng ngao chết vì yếu tố tảo độc là chưa có cơ sở.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, qua kiểm tra đã thấy có hiện tượng nhiều loại cá, nhệch, ốc, sò lông… ngoài biển bị chết trôi dạt vào bờ một cách bất thường trước khi xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt.

Trong khi đó theo Cơ quan Thú y vùng III, có hiện tượng tại thời điểm ngao chết quan sát thấy nước biển hơi đen, kiểm tra bùn đáy thấy có màu đen, mùi thối. Những dữ liệu này đang hướng nguyên nhân về việc ngao chết có thể do hoạt động xả thải từ ngoài biển, gây tình trạng sốc và chết hàng loạt không chỉ ngao mà còn cả hải sản khác trên biển.

Hiện tại, Cục Thú y phối hợp với chính quyền các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang gấp rút lấy mẫu nước, kiểm tra kỹ về các yếu tố môi trường tại các vùng bị ngao chết.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất