| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý lúa được mùa, được giá, nhưng lợi nhuận thấp

Thứ Tư 16/02/2022 , 07:26 (GMT+7)

CÀ MAU Nông dân huyện U Minh (Cà Mau) bước vào thu hoạch lúa đông xuân với năng suất cao, giá lúa ở mức cao và ổn định, nhưng lợi nhuận thấp do chi phí tăng cao.

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nông dân những vùng ngọt hóa trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau) bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Mặc dù ảnh hưởng của thời tiết bất thuận và sâu bệnh gây hại đầu vụ, nhưng với sự chủ động của người dân trong việc áp dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất nên năng suất lúa đạt khá cao.

Nông dân huyện U Minh (Cà Mau) đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2021 - 2022, với diện tích xuống giống toàn huyện trên diện tích 3.230ha. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân huyện U Minh (Cà Mau) đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2021 - 2022, với diện tích xuống giống toàn huyện trên diện tích 3.230ha. Ảnh: Trọng Linh.

Vụ lúa đông xuân năm nay, gia đình ông Trần Ngọc Quý ở ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (Cà Mau) xuống giống trên diện tích 0,4ha với giống lúa ST25. Mặc dù đây là giống lúa mới nhưng với sự chủ động tìm hiểu về đặc tính của giống lúa, cũng như thực hiện tốt các khuyến cáo của nhà phân phối giống, hiện tốt việc thăm đồng, phòng ngừa, phát hiện và điều trị hiệu quả các loại sâu bệnh xuất hiện gây hại cho lúa nên năng suất lúa của gia đình ông Quý đạt khá cao.

Ông Trần Ngọc Quý chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên tôi làm giống lúa ST25 nhưng thật bất ngờ năng suất rất cao. Hôm rồi tôi thu hoạch 0,4ha được 60 bao, quy ra năng suất đạt hơn 3 tấn/0,4ha (hơn 7,5 tấn/ha), đầu năm mới mà thu hoạch được vậy nên gia đình phấn khởi lắm”.

Gia đình ông Quách Hoàng Lăng ở ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh cũng vừa thu hoạch xong 2 ha lúa đông xuân. Năm nay, gia đình ông Lăng sử dụng giống lúa OM18 để gieo sạ, do đây là giống lúa được gia đình ông chọn sản xuất nhiều năm nay nên ông nắm bắt tốt những đặc tính của giống, cũng như áp dụng tốt các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất. Cộng với thời tiết thuận lợi vào thời điểm cuối vụ nên năng suất lúa của gia đình ông Lăng đạt khá cao.

Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, nông dân thu hoạch cho năng suất cao, giá lúa ổn định, song chi phí vật tư lại tăng quá cao nên lãi thấp. Ảnh: Trần Thể.

Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, nông dân thu hoạch cho năng suất cao, giá lúa ổn định, song chi phí vật tư lại tăng quá cao nên lãi thấp. Ảnh: Trần Thể.

Ông Quách Hoàng Lăng cho biết: “Giống lúa OM18 được tôi sử dụng sản xuất nhiều năm nay, tuy nhiên đây là vụ cho năng suất cao nhất, 2ha của tôi hôm rồi thu hoạch cũng được 256 bao, tính ra năng suất đạt trên 7 tấn/ha, trúng mùa nên gia đình phấn khởi lắm".

Không chỉ trúng mùa, bà con nông dân trên địa bàn huyện U Minh còn vui vì được giá. Nếu như thời điểm này năm trước, lúa tươi được các thương lái thu mua chỉ với giá từ 4500 - 4600 đồng/kg thì năm nay có giá từ 5.300 - 5.400 đồng/kg. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào tăng cao nên tính ra lợi nhuận của người dân vẫn đạt thấp.

Ông Quách Hoàng Lăng ở ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh kém vui cho biết: “Giá phân bón, thuốc trừ sâu vụ mùa này tăng cao quá, lúc trước DAP giá chỉ hơn 700 nghìn đồng/bao, vụ rồi tăng vọt lên tới 1.450.000 đồng/bao. Đạm Cà Mau trước đây mắc (đắt) nhất là 400 ngàn đồng/bao, giờ lên tới 1.000.000 đồng - 1.050.000 đồng/bao nên dù lúa trúng mùa, được giá nhưng trừ chi phí thì lãi lời thấp lắm”.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện U Minh (Cà Mau) cho biết: “Vụ lúa đông xuân năm nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện U Minh xuống giống trên diện tích 3.230ha, đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được hơn 1.200ha, năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha. Các diện tích lúa còn lại sẽ được người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 2, đầu tháng 3. Ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, bà con sẽ chuẩn bị các điều kiện cày ải, phơi đất để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.