| Hotline: 0983.970.780

Hào hứng trồng ngô sinh khối

Thứ Tư 04/11/2020 , 07:30 (GMT+7)

Mặc dù gặp mưa lớn đầu vụ, tuy nhiên hiện các vùng ngô sinh khối tại Hà Nội vẫn phục hồi, sinh trưởng tốt.

Vụ đông năm 2020, lần đầu tiên ngô sinh khối được trồng tại hai xã Tản Hồng và Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Anh Nguyễn Phú Quý (thôn La Phẩm, xã Tản Hồng) cho biết, anh cùng với 4 hộ dân khác trong xã đang tiến hành gieo trồng ngô sinh khối với diện tích 34 ha.

Nông dân huyện Ba Vì tích cực chăm sóc ngô sinh khối. Ảnh: Trung Quân

Nông dân huyện Ba Vì tích cực chăm sóc ngô sinh khối. Ảnh: Trung Quân

Theo anh Quý, vấn đề khó khăn lớn nhất là quỹ đất để gieo trồng ngô sinh khối. Do quỹ đất ruộng hạn hẹp, nếu gieo trồng với diện tích nhỏ, sau khi trừ chi phí thì có lãi ít. Để có diện tích gieo trồng lớn, cần phải đi từng hộ trong thôn mượn lại ruộng trong thời gian ruộng nhàn rỗi giữa hai vụ lúa, khi nào thu hoạch ngô xong sẽ cày bừa đất, bàn giao lại cho bà con tiếp tục gieo trồng lúa vụ sau.

Vụ đông năm nay, do đầu vụ ảnh hưởng mưa nhiều, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển.

Ông Hà Văn Tuyến (thôn Kiều Mộc, xã Cổ Đô) có 3 sào trồng ngô sinh khối cho biết, thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của mưa lớn đầu vụ, nhưng đến thời điểm này ngô vẫn phục hồi và phát triển nhanh. Thời gian trồng đến khi thu hoạch ngô sinh khối ngắn nên rất phù hợp với thời gian đất 2 vụ lúa nhàn rỗi.

Theo HTX thôn Cổ Đô (xã Cổ Đô), tỷ lệ nảy mầm của các diện tích ngô sinh khối vừa qua đạt từ 90-95%, cây mầm mập mạp, khỏe mạnh, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh. Các đợt mưa đầu vụ (nhất là đợt mưa do ảnh hưởng của bão số 7), cục bộ đã có một số diện tích bị ngập, sau đó được bà con kịp thời chăm bón, hiện tại vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.

Với đặc thù có nhiều diện tích đất bãi, nhất là quỹ đất sản xuất vụ đông nhàn rỗi trên 2 chân lúa, nên Hà Nội rất thuận tiện để trồng ngô sinh khối. Mặt khác, nhu cầu về thức ăn thô xanh giàu dinh dưỡng cho đàn đại gia súc đang rất lớn ...

Bà Vũ Thị Thanh Hoa, Phó chủ nhiệm HTX thôn Cổ Đô cho biết: Sau khi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập huấn các kiến thức về ngô sinh khối, bà cùng một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn cải tạo đất ruộng, đưa vào gieo trồng thử 5 ha ngô sinh khối, bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Một số diện tích ngô bị ảnh hưởng do mưa lớn và sâu bệnh cục bộ, đang được nông dân tích cực giám sát, phun trừ sâu hại. Ảnh: Trung Quân

Một số diện tích ngô bị ảnh hưởng do mưa lớn và sâu bệnh cục bộ, đang được nông dân tích cực giám sát, phun trừ sâu hại. Ảnh: Trung Quân

“Vụ đông năm nay, toàn xã Cổ Đô gieo trồng 16 ha ngô sinh khối, tập trung ở 3 thôn Kiều Mộc, Cổ Đô, Vu Chu. Nếu năm nay trồng lứa ngô sinh khối đầu tiên cho kết quả khả quan, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích gieo trồng ngô sinh khối theo hướng tập trung thêm 10 - 15 ha vào năm sau”- bà Hoa cho biết.

Với mục đích xây dựng mô hình trồng ngô sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cùng UBND và nông dân hai xã Tản Hồng, Cổ Đô (huyện Ba Vì) đã ký kết với Công ty T&T 159 trong việc thu mua toàn bộ ngô sinh khối.

Phía công ty cam kết thu mua sản phẩm của bà con với đơn giá 800 đồng/kg (thu mua tại một điểm tập kết của xã); 750 đồng/kg (thu mua tại bờ ruộng) hoặc 700 đồng/kg (công ty sẽ tự thu hoạch tại ruộng).

Ngoài ra, để tạo điều kiện giúp người nông dân từng bước tiếp cận với giống ngô mới phù hợp với thu hoạch sinh khối, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai chính sách hỗ trợ của thành phố cho các mô hình trồng ngô sinh khối tập trung, cụ thể: Hỗ trợ 7kg đạm/sào, 9,5kg lân/sào, 2,5kg kali/sào.

Ngoài ra, phía Công ty T&T 159 hỗ trợ 18 kg phân hữu cơ/sào, 18 nghìn thuốc sâu/sào, đồng thời thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống thăm đồng, hướng dẫn bà con cách chăm sóc ngô trong từng giai đoạn phát triển.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.