| Hotline: 0983.970.780

Ngô sinh khối gắn chặt nông nghiệp hữu cơ

Thứ Tư 04/11/2020 , 07:30 (GMT+7)

Ngô sinh khối có vai trò quan trọng trong sản xuất nông sản hữu cơ. Điều này chỉ có thể hiện thực hóa khi doanh nghiệp - nông dân gắn bó chặt chẽ.

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (trái) thăm cánh đồng ngô sinh khối tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Anh Thắng.

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (trái) thăm cánh đồng ngô sinh khối tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Anh Thắng.

"Chúng ta nói nhiều đến thịt, trứng, sữa hữu cơ. Song để có những sản phẩm đó, thì ngô sinh khối là điều kiện tiên quyết trong bối cảnh chúng ta không có những cánh đồng cỏ lớn. Nhu cầu thức ăn xanh cho đàn đại gia súc khoảng 2,5 triệu con trâu, 5,6 triệu con bò thịt và 350.000 bò sữa là rất lớn. Cần có cuộc cách mạng về ngô sinh khối, chứ không chỉ dừng ở những thành tích trước đây", TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết ngày 3/11, tại diễn đàn về ngô sinh khối tổ chức ở Vĩnh Phúc. 

Theo ông Thanh, để làm được điều này, cần sự vào cuộc của nhiều bên, từ nông dân đến doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp chăn nuôi đại gia súc, cơ quan quản lý Nhà nước.

Về mặt kỹ thuật, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết có 2 cách để xác định thời điểm tối ưu thu hoạch ngô sinh khối. Một là dựa vào bắp, khi tách bắp ra, nhìn vào hạt, nếu phần gốc hạt cứng được 2/3, phần dính vào lõi chỉ còn 1/3 là lúc thích hợp. Cách nữa là dựa vào lá. Nếu 1 - 3 lá có hiện tượng vàng theo kiểu chín tự nhiên thì cũng là lúc nên thu hoạch ngô. 

"Theo tính toán của chúng tôi, 1 ha ngô lấy thân được canh tác trong 80-85 ngày, cho năng suất 40-45 tấn/ha/vụ. Giá bán 850.000 - 1 triệu đồng thì nông dân lãi 24-30 triệu. 1 ha canh tác 3 vụ ngô sinh khối mỗi năm, tính ra có thể lãi 90 triệu đồng, cao hơn nhiều loại cây trồng khác", ông Thanh nói.

Chia sẻ quan điểm với ông Thanh, ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, lưu ý nông dân cần tham khảo các cơ quan như Trung tâm Khuyến nông, Sở NN-PTNT để được hướng dẫn về ưu đãi khi trồng ngô sinh khối. Nông dân có thể được hỗ trợ tới 50% chi phí phân bón và giống. Đây đang là chính sách được Vĩnh Phúc áp dụng bởi tâm lý người dân ít nhiều còn lo ngại do chi phí trồng ngô sinh khối còn cao. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trao đổi với nông dân trồng ngô sinh khối ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Anh Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trao đổi với nông dân trồng ngô sinh khối ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Anh Thắng.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu ngô, một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô lấy thân làm thức ăn cho gia súc (ngô sinh khối). Sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp như Cty Vinamilk, Cty CP Nông nghiệp ứng dụng CNC Quốc tế (TH Group) với người dân để tiêu thụ sản phẩm đã phát huy hiệu quả. 

Viện này cũng cho rằng để tạo nguồn thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc, đặc biệt gia súc ở miền Bắc vào mùa đông giá rét, hay với bò thịt, bò sữa nuôi theo hướng công nghiệp thì ngô sinh khối có vai trò quan trọng. Dư địa để phát triển ngô sinh khối ở Việt Nam khá lớn.

"Có thể khai thác đất bỏ hoang hóa vụ Xuân ở vùng miền núi phía Bắc (khoảng 100.000ha), đất vụ Đông sau hai vụ lúa ở trung du và đồng bằng Bắc bộ (200.000ha) để trồng ngô sinh khối", đại diện Viện này cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện TH Group cho biết nguồn thức ăn thô xanh trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng. Đơn cử đơn vị thành viên của TH Group hàng năm thu mua 150.000-200.000 tấn thức ăn thô xanh, trong đó ngô chiếm 90%. Tuy nhiên, TH Group cho rằng cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tạo vùng quy hoạch nguyên liệu để ổn định chất lượng, giá cả giữa bên mua và bên bán. 

Kỳ vọng đột phá

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN- PTNT, Cục Chăn nuôi được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong, ngoài Bộ đã xây dựng, xin ý kiến, hoàn thiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu đến năm 2025, nước ta dự kiến nuôi khoảng 2.445 ngàn con trâu, 6.254 ngàn con bò thịt, 514 ngàn con bò sữa và 3.400 ngàn con dê để tạo ra tương ứng lượng thịt hơi gồm 166 ngàn tấn thịt trâu, 610 ngàn tấn thịt bò, 1.711 ngàn tấn sữa tươi nguyên liệu và 51 ngàn tấn thịt dê, cừu.

Vụ đông năm 2020, các địa phương phía Bắc đã đăng ký sản xuất khoảng 114 nghìn ha ngô (trong đó có ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi). Ngô sinh khối được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong vụ đông năm 2020 nhằm khai thác quỹ đất nhàn rỗi trong vụ đông tại các tỉnh phía Bắc.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất