| Hotline: 0983.970.780

Ngỗng, chạch, cá rô đồng cứu trang trại lợn vượt qua thua lỗ

Thứ Tư 31/05/2023 , 08:44 (GMT+7)

HƯNG YÊN Nhờ cơ cấu thêm một số vật nuôi đặc sản, anh Phan Văn Đức (Việt Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên) đã bù được thua lỗ và giữ được đàn lợn vượt qua khó khăn.

Phải dừng xe, hỏi thăm rất nhiều lần chúng tôi mới tìm vào được trang trại VAC (vườn - ao - chuồng) của anh Phan Văn Đức ở xã Việt Hoà, Khoái Châu (Hưng Yên).

Trang trại của anh Đức rộng 3ha, gồm 1ha giao thông nội trại và chuồng lợn, cùng 2ha vườn cây, ao cá. Vào thời kỳ cao điểm, trang trại chăn nuôi trên 200 lợn nái, 700 - 1.000 lợn thịt. Do thua lỗ kéo dài vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao nên hiện tại anh Đức giảm đàn, chỉ còn nuôi 100 con lợn nái và 500 lợn thịt, chờ thời cơ tái đàn.

Nuôi lợn trong trại lạnh khép kín của anh Phan Văn Đức. Ảnh: Hải Tiến.

Nuôi lợn trong trại lạnh khép kín của anh Phan Văn Đức. Ảnh: Hải Tiến.

Giảm số lượng lợn nuôi, nhưng từ đầu năm tới nay anh Đức vẫn phải bù lỗ hơn 1 tỷ đồng cho đàn lợn, nếu không có nguồn thu từ những vật nuôi khác “đắp” vào, anh Đức sẽ còn bị thua lỗ cao hơn nữa.

Nói rồi anh Đức tươi cười hé lộ, giá lợn bắt đầu tăng trở lại, mỗi con lợn thịt đã có lãi 200 - 300 nghìn đồng, nhưng đàn lợn trong dân cũng cơ bản cạn kiệt nên trang trại lợn của anh Đức bỗng trở thành "của hiếm". Đây là thời cơ cho anh Đức tái đàn, cắt lỗ chăn nuôi mấy năm qua.

Đi thăm các vật nuôi đặc sản của anh Đức, thấy bên cạnh nuôi thêm 600 con gà lai Đông Tảo bản địa, anh còn chăn nuôi ngỗng, chạch đồng, cá rô đồng và cá rô đầu vuông.

Bật mí nguyên nhân nuôi ngỗng, anh Đức kể, do trang trại rộng và xa khu dân cư, anh đã nảy ý tưởng nuôi hơn 10 con ngỗng trông coi trang trại thay vì nuôi chó. Sau thấy ngỗng dễ nuôi, ít dịch bệnh, lợi nhuận cao, anh Đức quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi lên 350 con ngỗng, trong đó có 200 con chuyên đẻ, 150 con nuôi thịt và 100 con hậu bị. Bình quân mỗi năm anh Đức bán ra thị trường gần 3.700 ngỗng giống 1 - 30 ngày tuổi và trên 3 tấn ngỗng thịt, trừ hết chi phí đầu tư còn lãi ngót 200 triệu đồng/năm.

Giống gà lai Đông Tảo thụ tinh nhân tạo ở trang trại của anh Đức. Ảnh: Hải Tiến.

Giống gà lai Đông Tảo thụ tinh nhân tạo ở trang trại của anh Đức. Ảnh: Hải Tiến.

Riêng với cơ duyên nuôi chạch đồng, anh Đức kể: Trong lần bán 100 con lợn sữa bị lỗ vốn gần 30 triệu đồng, anh phải an ủi vợ con bằng cách cho đi ăn đặc sản. Không ngờ, món chạch đồng chiên, quấn với lá lốt tươi ăn rất bùi, béo, thơm ngon, nhưng sau thanh toán hết 120.000 đồng cho mỗi đĩa khoảng 0,3kg chạch. Hỏi ra mới biết nhà hàng phải nhập chạch đồng với giá gần 100.000 nghìn đồng/kg, rồi còn thêm chất đốt, công làm, điện nước và thuế phí các loại. Tiếp tục khảo sát các món ăn thuỷ đặc sản khác, anh Đức cũng thu được kết quả tương tự.

Sau bữa ăn về nhà, anh Đức quyết định chuyển đổi các ao cá trôi, chép, mè, rô phi đơn tính đang bị thua lỗ nặng sang nuôi chạch đồng, cá rô đồng, cá rô đầu vuông. Kết quả, nuôi các con này đều có đầu ra tiêu thụ tốt, lợi nhuận luôn đạt 20 - 30% tổng doanh thu (tuỳ loại).

Một trong các ao nuôi thuỷ đặc sản. Ảnh: Hải Tiến.

Một trong các ao nuôi thuỷ đặc sản. Ảnh: Hải Tiến.

Đối với nuôi gà Đông Tảo, tìm hiểu thực tế thấy anh Đức nuôi có lãi cao là nhờ chăn nuôi hướng thịt, bán cho khách hàng mua thưởng thức hoặc làm quà biếu, tặng. Để có được những con gà làm quà biếu giá trị cao, anh phải mua con giống sinh ra từ thụ tinh nhân tạo và nuôi từ 10 tháng trở ra mới xuất chuồng. Khi xuất chuồng, gà phải đạt từ 4,5kg/con trở lên. Đặc biệt phải có hai chân to lộc gộc, vóc dáng oai phong bệ vệ, bắt mắt. Nhờ vậy, anh Đức luôn bán được trên dưới 2 triệu đồng mỗi cặp gà này.  

Với con ngỗng, anh Đức cũng mua con giống từ các nhà sản xuất uy tín và chỉ nuôi giống ngỗng sư tử, nhanh lớn, chịu nóng, chịu lạnh tốt, trọng lượng có thể đạt 10kg/con. Kinh nghiệm nuôi ngỗng của anh Đức cũng cho thấy, vào mùa hè ngỗng đẻ rất kém, chỉ cần cho ăn cầm chừng thóc và các loại rau cỏ. Bước vào mùa đông (tháng 10 đến tháng 3 năm sau) mới tăng cường cho ngỗng ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, thích hợp cho sinh sản. Cách nuôi này giúp giảm chi phí chăn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất

Đàn ngỗng sư tử chăn thả dưới vườn cây. Ảnh: Hải Tiến.

Đàn ngỗng sư tử chăn thả dưới vườn cây. Ảnh: Hải Tiến.

Đáng chú ý, nhờ nuôi ngỗng thả vườn ăn cỏ, trang trại của anh Đức không phải thuê mượn người cắt cỏ các vườn cây ăn quả, giảm thêm được một khoản chi phí rất đáng kể.  

Anh Đức chú ý thêm, các vật nuôi đặc sản này tuy có khả năng chống chịu tốt, vẫn cần thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho từng giống vật nuôi, và phải có ao nuôi riêng cho mỗi loại. Trong đó, bờ và thành ao nuôi chạch phải kè bê tông cứng, đáy để lớp bùn mỏng chừng 15cm, thức ăn cho chạch nuôi thâm canh chủ yếu là cám công nghiệp chuyên dùng, cần cho chạch ăn vào sáng sớm và chiều tối.

Với rô đồng, thu hoạch kịp thời khi trọng lượng cá đạt 8 - 10 con/kg, nuôi kéo dài cá sẽ không lớn hoặc giảm cân, lãng phí thức ăn. Với rô đầu vuông, có thể nuôi kéo dài thêm cá vẫn tăng trọng, tối đa có thể đạt 0,7kg/con. Tuy nhiên cũng nên thu hoạch khi cá rô đầu vuông đạt trọng lượng từ 8 - 10 con/kg (khoảng 4 tháng kể từ sau xuống giống).

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm