| Hotline: 0983.970.780

Ngọt lịm xứ cam bù Hương Sơn

Thứ Ba 10/02/2009 , 09:20 (GMT+7)

Những ngày Tết Nguyên đán, dọc theo quốc lộ 8A lên Hương Sơn (Hà Tĩnh), phóng tầm mắt du khách tha hồ chiêm ngưỡng những vườn cam bù trĩu quả...

Cam bù trĩu quả, chín mọng
Những ngày Tết Nguyên đán, dọc theo quốc lộ 8A lên Hương Sơn (Hà Tĩnh), phóng tầm mắt du khách tha hồ chiêm ngưỡng những vườn cam bù trĩu quả, chín mọng trên các sườn đồi...

Đến ngã ba Nầm (xã Sơn Châu), du khách có thể dừng xe để thưởng thức đặc sản cam bù được bày bán la liệt tại chợ xép này. Cam bù Hương Sơn là một đặc sản với hương vị thơm, ngọt, màu sắc quyến rũ.

Từ người say xe, đến người cảm cúm... hễ bóc ăn hết quả cam bù chỉ sau vài phút cơ thể lại khoẻ mạnh như thường. Cam bù chẳng khác gì một vị thuốc quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho người Hương Sơn. Vì thế từ bao đời nay, người Hương Sơn ví quả cam bù là một biểu tượng và là nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng quê sơn cước này.

Là huyện miền núi có 72% diện tích đồi núi, mấy năm gần đây Hương Sơn đã chú trọng đưa nhiều giống cây ăn quả vào trồng theo mô hình kinh tế trang trại. Qua nhiều lần thử nghiệm thì giống cam bù được đánh giá là loại cây ăn quả đạt giá trị kinh tế cao nhất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vì thế cam bù đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện.

Tuy nhiên cam bù Hương Sơn cũng đã mắc phải nhiều phen khốn đốn như thiên tai, sâu bệnh hại đặc biệt là bệnh Greening (gân xanh lá vàng) đã làm cho diện tích phần nào bị thu hẹp. Nhờ sự phối hợp giúp đỡ của Sở KHCN cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự cần cù chịu khó của người nông dân, cây cam bù ở Hương Sơn không những đã đứng vững mà còn phát triển mạnh, thực sự là cây trồng tốp đầu góp phần xoá đói giảm nghèo cho vùng quê này.

Anh Nguyễn Xuân Linh – một chủ trang trại có tiếng ở xã Sơn Mai dẫn chúng tôi đi trong "rừng" cam trĩu quả, vui vẻ cho biết: Năm 2005 gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây dựng trang trại rộng 10 ha. Hiện trang trại của anh đã trồng được gần 500 gốc cam bù và 600 cây ăn quả khác. Nhờ cam năm nay được mùa, được giá nên gia đình anh Linh thu trên 300 triệu đồng, trong đó giá trị cam bù chiếm gần 200 triệu đồng. Mô hình này đang được phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân ở một số xã khác.

Hiện tại ở Hương Sơn đang có nhiều hộ học tập gia đình anh Linh để vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Hợi ở xóm 6 (Sơn Trường), đã vay vốn vào khai khẩn đồi hoang cách xa trung tâm xã hơn chục cây số để trồng cam bù. Với sự hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông, sau 4 năm vất vả vật lộn với đồi núi, giờ đây 7 ha đồi trọc bước đầu cho gia đình anh thu nhập 70 triệu đồng/năm. Cũng tại Sơn Trường, gia đình anh Nguyễn Văn Tuất cùng tập trung lên đồi khai khẩn được 5 ha đất, trồng hơn 100 gốc cam bù, đến nay cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Nhờ đó nhà anh Tuất đã trở nên khá giả.

Ở Hương Sơn số hộ nông dân có mức thu 30 triệu đồng/năm từ cây cam bù là không ít. Ông Đào Nghĩa Nhuận, Phó chủ tịch thường trực Hội khoa học NN Hà Tĩnh cho biết: Từ giá trị của giống cam bù nói trên, nên vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt dự án phát triển trồng mới 1.200 ha cam bù từ nay đến 2015 ở 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang, với tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng. Cũng theo ông Nhuận, tỉnh đã giao cho các nhà khoa học phải tập trung nghiên cứu, trừ diệt dứt điểm bệnh lá vàng gân xanh và bệnh tàn lụi thường gây tổn thương cho loài cây đặc sản quý hiếm này.

Với người Hương Sơn, cam bù mãi mãi là loài cây đặc sản, là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm thức ngàn đời. Cứ mỗi độ xuân về, ở Hương Sơn bất kể gia đình giàu hay nghèo, ai ai cũng có đĩa cam bù đặt lên bàn thờ để dâng cúng tổ tiên, vừa tri ân vừa hưởng lộc.

Loại cam này có hương vị ngọt đậm đà, thơm ngon quyến rũ chưa có giống cam nào sánh được. Thế nên nhắc đến Hương Sơn là người ta nói có đặc sản cam bù. Hiện nay toàn huyện có 780 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 310 ha cam bù trồng theo mô hình vườn và mô hình trang trại, tập trung ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Kim, Sơn Phố...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Duy Trinh thì năm 2008, sản lượng cam bù toàn huyện đạt trên 1.000 tấn, giá trị thu nhập đạt gần 30 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ cam bù.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất