| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân bức xúc tố Bảo Minh Khánh Hòa từ chối bồi thường bảo hiểm

Thứ Tư 18/10/2017 , 09:05 (GMT+7)

Nhiều năm qua, ngư dân Trần Còn ở thôn Võ Tánh, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa) ôm đơn đi khiếu nại Cty Bảo Minh Khánh Hòa đòi quyền lợi.

Lý do đã mua bảo hiểm nhưng bị từ chối đền bù, vì Bảo Minh cho rằng ông không có bằng máy trưởng. Ông không chấp nhận cách giải thích như vậy.
 

“Tôi mua bảo hiểm không nhận giấy tờ gì”

Ông Còn cho biết, gia đình ông có 2 tàu cá gồm tàu KH 95743 TS, công suất 360CV và tàu KH 92486 TS, công suất 380CV, hành nghề lưới kéo (giã cào). 2 tàu không nằm trong diện vay vốn theo Nghị Định 67 của Chính phủ nên việc mua bảo hiểm ở đâu đáng lẽ ông được quyền tự lựa chọn và không được phép ép buộc.

09-16-51_1
Ông Còn trình bày vụ việc

Thế nhưng, ông Còn nói ông buộc phải mua bảo hiểm cho tàu cá theo NĐ 67 tại Bảo Minh. Bởi nếu không mua, cán bộ tại trạm thủy sản Ninh Hòa (quản lý tàu cá ở xã Vĩnh Lương) sẽ không gia hạn và bị xử phạt hành chính vì trễ hạn giấy phép khai thác thủy sản. Tháng 9/2015, cán bộ trạm thủy sản Ninh Hòa đến nhà ông nhận tiền (30% phải nộp) để mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên cho 2 tàu cá.

“Tôi mua bảo hiểm cho 2 tàu cá nhưng không nhận bất cứ giấy tờ gì, không được phổ biến những quy định liên quan về quy tắc, điều khoản, biểu phí… Tôi cũng không được làm giấy yêu cầu bảo hiểm khai thác thủy sản và chữ ký trên giấy không phải của tôi. Tôi cũng không được ký hợp đồng, không hề thấy và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác thủy sản. Mà giấy chứng nhận bảo hiểm này được chuyển đến nằm trong hồ sơ vay vốn tại ngân hàng”, ông Còn trình bày.

Ngày 7/9/2016, tàu cá KH 95743 TS của ông Còn xuất bến tại Trạm biên phòng Hòn Rớ đi Cam Ranh để sửa chữa theo định kỳ hàng năm (đăng kiểm). Khi chạy khoảng 3 tiếng đến gần đảo Hòn Nội (vịnh Nha Trang) thì tàu này gặp sự cố nước tràn do gió giật mạnh, mưa to.

Để ứng cứu ông Còn gọi tàu cá KH 92486 TS đến lai dắt vào bờ. Do thời tiết xấu nên trong quá trình lai dắt, tàu cá KH 95743 kéo theo tàu KH 92486 đều bị chìm. Vụ tàu chìm đã được trạm biên phòng Hòn Rớ xác nhận.
 

Vì sao bảo hiểm không bồi thường?

“Nếu tôi tự mua bảo hiểm không có gì phải bàn cãi. Nhưng khi sâu chuỗi các vấn đề từ khâu bán cho đến sau này, tôi nhận giấy chứng nhận bảo hiểm tàu, thuyền cá (nhận lúc sau tàu chìm Bảo Minh trả) ở mặt sau lại trống rỗng, không có tóm tắt qui tắt bảo hiểm thân tàu cá và trách nhiệm dân sự của chủ tàu, thuyền cá.

Hơn nữa theo tôi biết, việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu, thuyền cá nếu không ghi ở mặt sau tóm tắt qui tắt bảo hiểm chỉ dành tàu đóng mới theo NĐ 67. Vì tàu 67 họ có làm hợp đồng đã kèm theo quy tắc trong hồ sơ. Còn tàu tôi không thuộc diện đóng mới, Bảo Minh bán bảo hiểm đáng lẽ phải kèm qui tắc bảo hiểm ở mặt sau. Chứ nếu không ghi rõ làm sao tôi biết trách nhiệm của mình”, ông Còn cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Đào Duy Hoàng, PGĐ Cty Bảo Minh Khánh Hòa cho rằng, việc giấy chứng nhận bảo hiểm của ngư dân không có mặt sau kèm theo quy tắc là theo mẫu của Bộ Tài chính. Còn việc ngư dân thắc mắc không nhận quy tắc bảo hiểm đính kèm, thì do không có yêu cầu. “Chúng tôi làm theo đúng quy tắc của Bộ Tài chính ban hành”, ông Hoàng nói.

Còn về việc nhờ trạm thủy sản Ninh Hòa bán bảo hiểm, ông Hoàng xác nhận, đây chỉ là một kênh đầu mối và trước đó họ đã tuyên truyền hết rồi. “Nhiều nơi chúng tôi nhờ xã, phường làm đầu mối bán bảo hiểm, có nơi chúng tôi nhờ chi cục, trạm thủy sản bán dùm. Đây là kênh bán bảo hiểm thôi, chứ chúng tôi không thể đến từng ngư dân bán được”, ông Hoàng bộc bạch.

Đến đây việc ai đúng, ai sai xin nhường lại cơ quan chức năng xác định làm rõ.

Ngày 11/10, Sở NN-PTNT đã kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại của ông Còn. Sau khi tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan, Sở NN-PTNT đã có báo cáo vụ việc, trong đó nội dung phản ánh của ông Còn cho rằng bị ép buộc mua bảo hiểm Bảo Minh mới được gia hạn đăng kiểm là chưa chính xác.

Và sở dĩ dẫn đến sự hiểm lầm, gây bức xúc đối với trường hợp ông Còn do việc hướng dẫn, giải thích của cán bộ Trạm thủy sản Ninh Hòa về chính sách bảo hiểm NĐ 67 chưa được rõ ràng. Hiện Chi cục Thủy sản đã kiểm điểm cán bộ Trạm thủy sản Ninh Hòa.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.