| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân chới với vì mất kế sinh nhai

Chủ Nhật 19/11/2023 , 16:18 (GMT+7)

Hàng chục chủ tàu cá vỏ thép 67 ở Bình Định bị ngân hàng kiện ra tòa vì 'nợ xấu', phương tiện bị phát mãi, chủ tàu chới với vì mất kế sinh nhai…

Chủ tàu cá hàng chục tỷ đi làm thuê

Trước năm 2015, ngư dân Đinh Công Khánh ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) là chủ của 2 tàu đánh cá vỏ gỗ cùng 20 thuyền viên thường xuyên bám biển, “ngang dọc” ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Khi ấy, chuyến biển nào cập bờ, tàu cá của anh Khánh cũng cá mực đầy hầm, mỗi thuyền viên đi bạn lại “rủng rỉnh” tiền. Sau đó, anh Khánh bán 2 chiếc tàu gỗ để đóng tàu vỏ thép trị giá 17,6 tỷ đồng, mang số hiệu BĐ 99086 TS. Tiền bán 2 tàu vỏ gỗ anh dồn hết để đối ứng 5% trong tổng vốn đầu tư con tàu, 95% còn lại vay ngân hàng trả dần theo thỏa thuận.

Cứ ngỡ có tàu vỏ thép công suất lớn, thời gian bám biển đánh bắt sẽ được lâu, việc làm ăn sẽ hanh thông, sản lượng đánh bắt sẽ cao hơn, anh Khánh không ngờ tàu mới hạ thủy, vỏ thép của con tàu đã bắt đầu gỉ sét, máy móc trục trặc nên không thể ra khơi. Chưa đánh bắt được chuyến biển nào mà anh đã phải tốn thêm 1 khoản tiền khá lớn ngoài dự kiến để sửa chữa con tàu sau đó mới hành nghề được.

Khi còn hoạt động, thiết bị gắn trên tàu cá BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền rất đầy đủ và hiện đại. Ảnh: V.Đ.T.

Khi còn hoạt động, thiết bị gắn trên tàu cá BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền rất đầy đủ và hiện đại. Ảnh: V.Đ.T.

Khi tàu của anh Khánh bắt đầu ra khơi được thì nhiên liệu tăng giá, sản phẩm lại hạ giá, chuyến biển nào cũng bị lỗ vốn. Chẳng lẽ mới đóng con tàu to đùng mà phải neo bờ, anh Khánh lại vay mượn mấy trăm triệu để làm vốn, tiếp tục bám biển. Đây cũng là điều cần thiết để giữ thuyền viên, bởi nếu anh Khánh cho tàu nằm bờ là thuyền viên bỏ đi tàu khác hết, sau này gọi họ đi lại tàu mình không được.

“Tình hình thị trường và giá nhiên liệu không được cải thiện, tiếp đến 2 năm liền bị ảnh hưởng dịch Covid-19, sản phẩm đánh bắt được bán không ai mua, khoản lỗ chuyến sau chồng lên chuyến trước. Thế là tôi mất khả năng trả nợ cho ngân hàng đúng kỳ hạn nên bị ngân hàng khởi kiện, thu hồi con tàu để phát mãi. Bây giờ tôi phải đi bạn thuê cho tàu cá khác để kiếm thu nhập”, anh Khánh kể với giọng chua xót.

Cùng ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), theo nghề biển từ năm 18 tuổi, anh Thái Văn Duyệt được bà con xóm giềng đánh giá là ngư dân đang ăn nên làm ra. Thế nhưng, từ khi đóng mới tàu vỏ thép 67 mang số hiệu BĐ 99160 TS với tổng vốn đầu tư 19,8 tỷ đồng (anh Duyệt đối ứng 1 tỷ, còn 18,8 tỷ đồng vay của ngân hàng), đó cũng là lúc vận đen ập đến với anh.

Sau khi tàu cá BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền bị ngân hàng 'cột', nằm bờ chờ phát mãi thì bị trộm tháo gỡ hết thiết bị trong buồng lái. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi tàu cá BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền bị ngân hàng “cột”, nằm bờ chờ phát mãi thì bị trộm tháo gỡ hết thiết bị trong buồng lái. Ảnh: V.Đ.T.

“Sau khi hạ thủy, tôi cho tàu ra khơi được 2 chuyến biển thì lỗ đủ 2 chuyến. Tiếp đến bị dịch Covid-19 làm cho đổ nợ, vì sản phẩm đánh bắt được nhiều nhưng không bán được. Không kham nổi thua lỗ liên tục nên tôi đành cho tàu nằm bờ. Trước khi bị kiện ra tòa, tôi được ngân hàng mời vào Quy Nhơn làm việc và bảo tôi trả cả gốc lẫn lãi 24 tỷ đồng thì sẽ không phát mãi con tàu, để tôi tiếp tục đi biển làm ăn. Thế nhưng với khoản tiền khổng lồ ấy thì gia đình tôi không đủ khả năng, đành phải chia tay với con tàu”, ngư dân Thái Văn Duyệt ngậm ngùi nhớ lại.

Trả nợ đều vẫn bị phát mãi tàu

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong 61 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, trong đó có 4 tàu đã bị gió bão đánh chìm trong quá trình khai thác. Còn lại 57 tàu đang hoạt động thì 4 tàu ngân hàng đã phát mãi để thu hồi vốn, 15 tàu khác cũng đã bị ngân hàng phát mãi nhưng chưa có người mua, 20 tàu nằm bờ do kiếm không ra người đi bạn hoặc vì giá nhiên liệu tăng cao nên ra khơi không thường xuyên vì sợ lỗ. Số tàu hoạt động thường xuyên và hiệu quả có 12 chiếc, 6 chiếc đánh bắt không hiệu quả, có chiếc hòa vốn, có chiếc bị lỗ.

Có những trường hợp sau khi tiếp nhận tàu cá vỏ thép 67, chủ tàu chí thú làm ăn, kiên tâm bám biển, trả nợ cho ngân hàng đều đặn. Thế nhưng qua đợt dịch Covid-19, bán sản phẩm không được, chủ tàu ấy liền trở thành “con nợ xấu” của ngân hàng và phương tiện bị phát mãi, từ tỷ phú nghề cá trở thành trắng tay. Đó là trường hợp của ngư dân Nông Thành Điền ở thôn Chánh Hóa, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định).

300 chiếc tăng phô trên tàu BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền đều bị trộm tháo sạch, chỉ còn lại dây điện. Ảnh: V.Đ.T.

300 chiếc tăng phô trên tàu BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền đều bị trộm tháo sạch, chỉ còn lại dây điện. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Trần Thi Thu Thủy, vợ ngư dân Điền, là “tay hòm chìa khóa” của gia đình, chia sẻ: Đầu tháng 10/2016, tại Cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), gia đình anh Điền được Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) bàn giao tàu cá vỏ thép Đức Triều mang số hiệu BĐ 99478 TS. Sau khi tiếp nhận con tàu, anh Điền bám biển đánh bắt và liên tục thắng lợi. Những năm đầu hoạt động, năm nào vợ chồng anh Điền cũng trả nợ cho ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, 3 năm liền như vậy.

Bước sang năm 2020, dù dịch Covid-19 đang hoành hành, anh Điền vẫn cho tàu ra khơi đánh bắt, thế nhưng giá thủy sản tuột không phanh do giãn cách nên không có người thu mua, cá mực chỉ còn 5.000 - 10.000 đ/kg. Tuy chuyến biển nào cũng lỗ nhưng năm nào vợ chồng anh Điền cũng trả nợ cho ngân hàng, dù ít.

“Năm 2020, dù đánh bắt không hiệu quả nhưng vợ chồng tôi vẫn trả ngân hàng 300 triệu đồng. Sang năm 2021, làm ăn khá hơn nên tiền trả nợ tăng lên được 700 triệu. Năm 2022, tuy làm ăn sa sút nhưng tôi lấy lãi mua bán thủy sản bù vào để trả cho ngân hàng được 500 triệu, hứa đến tháng Chạp năm đó sẽ trả thêm 200 triệu nữa. Thế nhưng, mới tháng 10/2022, ngân hàng đã thu hồi con tàu để phát mãi, nên vợ chồng tôi không còn cơ hội thực hiện lời hứa. Tính đến nay, gia đình tôi đã trả cho ngân hàng gần 6 tỷ đồng. Nếu năm 2023 này còn tàu để đi đánh bắt, đến giờ này vợ chồng tôi có thể trả thêm cho ngân hàng được 700-800 triệu đồng nữa”, chị Thủy chia sẻ.

Những tàu cá của ngư dân huyện Phù Cát (Bình Định) đang neo đậu tại cửa Đề Gi (xã Cát Khánh) chờ ngân hàng phát mãi. Ảnh: V.Đ.T.

Những tàu cá của ngư dân huyện Phù Cát (Bình Định) đang neo đậu tại cửa Đề Gi (xã Cát Khánh) chờ ngân hàng phát mãi. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Thủy yên lặng 1 lát như để “nuốt cục nghẹn” rồi nói tiếp: “Lúc ra tòa, vợ chồng tôi trình bày là do hoàn cảnh khách quan, bị ảnh hưởng dịch Covid-19 làm ăn không được mới chậm trả nợ, chứ không phải ù lì. Vợ chồng tôi năn nỉ được giữ lại con tàu để chồng tôi tiếp tục đi đánh bắt, cam kết mỗi năm trả nợ cho ngân hàng 500-700 triệu đồng, nhưng năn nỉ bất thành. 1 năm nay, con tàu vẫn chưa bán được, nằm ngoài mưa ngoài nắng càng thêm xuống cấp, thiết bị lắp đặt trên tàu bị gỡ trộm hết”, chị Thủy cho hay.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định, nguyên nhân khiến tàu cá 67 trên địa bàn làm ăn thua lỗ do trình độ của ngư dân còn hạn chế, nên lúng túng trong vận hành, bão dưỡng những con tàu. Thêm vào đó, chi phí mua sắm, nhiên liệu và lao động phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, dẫn tới sản lượng đánh bắt thấp, giá bán sản phẩm bấp bênh nên hiệu quả mang lại không như mong muốn. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, cũng có một số chủ tàu làm ăn có hiệu quả nhưng chây ỳ, không có thiện chí trả nợ vay ngân hàng. Cũng có người ỷ lại đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên có ý trông chờ hỗ trợ.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.