| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân vươn khơi đón Tết trên biển

Thứ Năm 08/02/2024 , 11:34 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Vươn khơi đánh bắt xuyên Tết đối với những ngư dân miền biển không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 62 tàu cá với 378 ngư dân tham gia bám biển khai thác hải sản trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: L.K.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 62 tàu cá với 378 ngư dân tham gia bám biển khai thác hải sản trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: L.K.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cảng cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Bên cạnh không khí hối hả của những tàu cá đang đua nhau cập cảng sau phiên biển cuối năm là khung cảnh tất bật của những ngư dân đang chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết. Với những ngư dân miền biển, những cái Tết xa nhà đã không còn quá xa lạ nhưng cũng rất đặc biệt.

Khác với những lần vươn khơi bình thường khác, chuyến đi lần này của các ngư dân trên tàu ngoài các ngư cụ đánh bắt, nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày thì còn có bánh chưng, hoa, mứt, bia rượu, nhang đèn… để chuẩn bị đón thời khắc giao thừa trên biển. Khi mọi công việc chuẩn bị hoàn tất, từng con tàu lần lượt nhổ neo, rẽ sóng ra khơi trong cái vẫy tay đầy lưu luyến của người thân, gia đình.

Tại cảng cá Sa Kỳ, ngư dân Nguyễn Thời (44 tuổi, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng anh em bạn thuyền đang khẩn trương kiểm tra lại ngư lưới cụ trên tàu cá QNg 90887TS để tiếp tục cho chuyến biển xuyên Tết ở ngư trường Hoàng Sa. Ông Thời cho biết, cách đây vài ngày, tàu cá của ông vừa trở về sau chuyến biển cuối cùng của năm với hơn 5 tấn cá chuồn đánh bắt được.

Ngư dân kiểm tra lại ngư lưới cụ trước khi ra khơi đánh bắt xuyên Tết. Ảnh: L.K.

Ngư dân kiểm tra lại ngư lưới cụ trước khi ra khơi đánh bắt xuyên Tết. Ảnh: L.K.

Cập cảng nhập cá cho thương lái, tính toán trừ chi phí tàu cá của ông Thời lãi hơn 100 triệu đồng. Nhận tiền công, anh em trên tàu tranh thủ ít thời gian về thăm gia đình rồi lại tiếp tục cho chuyến đi xuyên Tết. Với ông Thời và những ngư dân trên tàu, họ đã quen với không khí đón Tết trên biển. Suốt mấy chục năm lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước, những cái Tết sum vầy với vợ con của họ dường như chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

“Tết thì ai cũng muốn ở bên gia đình cả nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên tôi và các bạn thuyền phải chấp nhận bỏ lại niềm vui đoàn tụ để tiếp tục vươn khơi bám biển. Bởi mùa này ít tàu đi khai thác hải sản, thời tiết thuận lợi nên cá, tôm nhiều, giá cả cũng được thương lái thu mua cao hơn những ngày thường. Nhờ đó mà thu nhập của anh em cũng khá hơn. Chuyến này, chúng tôi dự tính đi trong gần 1 tháng rồi trở về đón Tết muộn”, ông Thời chia sẻ.

Đang xếp những cặp bánh chưng, vài bó hoa lên tàu, ngư dân Huỳnh Tấn Minh (trú xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 95492TS cho biết, đến nay đã là năm thứ 40 ông gắn bó với nghề biển nhưng có đến 25 năm cùng bạn thuyền ăn Tết ở các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Minh bộc bạch, năm nào cũng vậy, vào thời khắc đón giao thừa, anh em trên tàu lại gác lại mọi công việc, sửa soạn thắp hương cầu chúc năm mới bình an, làm ăn thuận lợi rồi quây quần bên những chén rượu kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, buồn của năm cũ đã qua.

Những người vợ, người mẹ luôn là hậu phương vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt trong dịp Tết. Ảnh: L.K.

Những người vợ, người mẹ luôn là hậu phương vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt trong dịp Tết. Ảnh: L.K.

“Anh em ngồi bên nhau nói chuyện cho đỡ nhớ nhà. Dù nghĩ về vợ con cũng sẽ buồn nhưng mà buồn một lúc rồi cũng sẽ qua cả thôi. Công việc thì vẫn phải làm vì phía sau mình còn cả gia đình, còn lo cho con cái ăn học. Cả năm đi biển cũng rất kỳ vọng vào đợt khai thác xuyên Tết này. Những ngư dân chúng tôi cũng xác định, việc bám biển còn mang một trọng trách lớn lào là góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng là một phần động lực”, ông Minh nói.

Đối với những chuyến biển như vậy, thêm một nguồn động lực không thể thiếu để những ngư dân mạnh mẽ “vượt sóng, đạp gió” vươn khơi chính là một hậu phương vững chắc. Đó là người vợ, người mẹ luôn âm thầm bên cạnh động viên tinh thần. Bởi, ngay từ đầu, họ đã xác định “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồn" thì dù có xa cách bao nhiêu cũng không ngại khó, không ngại khổ.

Chị Nguyễn Thị Thảo (trú thôn Định Tân, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) tâm sự: “Gần 10 năm qua, những ngày áp Tết năm nào tôi cũng ra bến cảng tiễn chồng đi biển. Chồng, cha đi vào những ngày cận Tết, mẹ con tôi cũng buồn, cũng tủi nhưng vì nghiệp biển mưu sinh nên cũng dặn lòng cố gắng để động viên, làm chỗ dựa cho mọi người yên tâm làm việc. Mong rằng, chồng và bạn thuyền có chuyến đi an toàn, bội thu trở về để sum họp sau Tết”.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh có hơn 4.290 tàu cá với tổng công suất gần 1,8 triệu CV. Trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ hơn 3.100 chiếc. Cơ cấu khai thác thủy sản chủ yếu gồm các nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, với lực lượng lao động khoảng 38.000 người. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh có 62 tàu với 378 ngư dân tham gia bám biển khai thác hải sản. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo về việc theo dõi hoạt động của tàu cá và động viên, thăm hỏi những ngư dân”.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.