| Hotline: 0983.970.780

Người Bru Vân Kiều không quên cây cà phê mít

Chủ Nhật 05/04/2020 , 11:09 (GMT+7)

Cây phê mít (coffea liberia) được người Pháp đưa vào trồng tại vùng đất đỏ bazan phía tây tỉnh Quảng Trị từ 100 năm trước.

Thu hoạch cà phê mít. Ảnh: Công Điền.

Thu hoạch cà phê mít. Ảnh: Công Điền.

Vì nhiều lý do mà giống cà phê này đã phải nhường chỗ cho một giống cà phê mới – đó là cà phê chè catimor. Thế nhưng, dù trải qua thời gian, đồng bào Bru Vân Kiều bản địa ở đây vẫn không quên giống cà phê mít đã từng một thời gắn bó với họ như cơm áo.

Cây trồng vang bóng một thời

Trong trí nhớ của nhiều già làng người Bru Vân Kiều ngày trước giống cà phê mít hiện diện khắp vùng Khe Sanh, Hướng Hóa. Cây cà phê mít được người dân trồng trên các nương rẫy, trong vườn nhà, tại các đồn điền của người Pháp. Vậy mà bây giờ, tìm được một vườn cà phê mít thuần chủng thật khó như tìm vàng bởi hầu hết nông dân đã chuyển sang trồng không giống cà phê chè catimor thì cũng là những cây trồng có giá trị khác.

Vườn cà phê mít của đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Trằm. Ảnh: Công Điền.

Vườn cà phê mít của đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Trằm. Ảnh: Công Điền.

Chúng tôi đến bản Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, nơi mà người dân vẫn còn lưu giữ diện tích cà phê mít khá lớn so với các địa phương khác trong huyện. Già làng Pả Tam niềm nở tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn đã cũ nhưng vẫn giữ được nét thô mộc của những ngôi chưa truyền thống chưa bị cách tân.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh cây cà phê cứ dong dài như không có hồi kết. Pả Tam cho biết, trước đây cà phê mít được trồng phổ biến ở vùng đất này. Sau năm 1975, người dân khắp nơi đổ về Khe Sanh - Hướng Hóa sinh sống và làm ăn, đa phần họ đã chọn giống cà phê chè catimor để phát triển sản xuất vì năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn và bán được giá hơn. Diện tích cà phê mít từ đó cũng giảm dần, có nơi hoàn toàn biến mất.

Là một người dân trồng cà phê lâu năm nên Pả Tam có sự am hiểu khá tường tận về quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cà phê mít. Bằng một giọng trầm ấm ông ôn tồn trải lòng: “Cà phê mít là cây trồng có tính chịu hạn cao do có bộ rễ cắm sâu vào lòng đất. Cây vốn được gieo từ hạt, lớn lên và cao vút nên mỗi khi thu hoạch phải bắc thang như hái tiêu. Qua thực tiễn lâu năm, cây cà phê mít rất thích hợp với độ cao từ 350 – 500 mét, rất thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu vùng đất Hướng Hóa này”.

Tuy có lịch sử phát triển khá lâu trên vùng đất Khe Sanh, Hướng Hóa nhưng nhược điểm lớn nhất của cà phê mít là thường có năng suất không cao, giá bán cũng thấp hơn so với các loại cà phê khác. Chính vì nhược điểm trên nên từ những năm 90 của thế kỷ trước, với việc chính quyền địa phương bắt đầu khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cà phê mít sang cà phê chè catimor, diện tích cà phê mít bắt đầu giảm dần. Lịch sử của cây cà phê mít trên vùng đất Khe Sanh, Hướng Hóa cũng “sang trang” từ đó.

Vững vàng trước khó khăn

Hiện nay, ở Hướng Hóa muốn tìm được cây cà phê mít phải đến những vùng sinh sống đồng bào Bru Vân Kiều ở các xã như Húc, Hướng Tân, Hướng Lộc, Ba Tầng, Húc… 

Theo chân một cán bộ nông nghiệp địa phương, chúng tôi đến xã Húc, một địa phương của huyện Hướng Hóa có điều kiện đất đai, khí hậu khá thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cây cà phê mít. Khi chúng tôi ghé thăm, bà Hồ Thị Ơi, một trong những nông dân người dân tộc Bru Vân Kiều sở hữu vườn cà phê mít gần 1 ha tại xã Húc đang tất bật bóc vỏ, phơi những hạt cà phê vừa thu hoạch muộn để chờ thương lái đến mua.

Bà Hồ Thị Ơi cho hay, nhiều năm trước, cũng như nhiều địa phương khác, người dân xã Húc có thời điểm đã ồ ạt chặt bỏ nhiều vườn cà phê mít để chuyển sang trồng cà phê chè. Tuy nhiên riêng gia đình bà vẫn giữ lại vườn cà phê mít từ đời ông cha để lại. Bởi theo bà, nếu ai cũng chặt bỏ cà phê mít thì mai đây con cháu không còn ai biết loại cà phê mít này nữa.

Dẫn chúng tôi ra đi thăm vườn cà phê mít xanh tốt được các thế hệ gia đình giữ gìn gần như nguyên vẹn, bà Hồ Thị Ơi cho hay: “Người Bru Vân Kiều chúng tôi yêu quý cây cà phê mít lắm, cây trồng này đã đồng hành cùng nhiều thế cha ông chúng tôi nên không thể bỏ được”.

Theo bà Ơi, ngoài một số cây trồng như sắn, cao su thì cà phê mít là một trong những loại cây trồng rất phù hợp với đất đai miền núi, cũng như tập quán canh tác của người vùng cao. Với đặc tính chịu hạn tốt, công sức chăm bón hầu như rất ít nên được nhiều gia đình trong xã chọn để phát triển sản xuất. “Dù hiện nay giá cà phê đang giảm thấp nhưng nhiều gia đình ở đây vẫn giữ gìn, không ồ ạt chặt bỏ để chuyển sang các cây trồng khác”, bà ơi chia sẻ.

Người dân phơi cà phê mít trên những chiếc bạt. Ảnh: Công Điền.

Người dân phơi cà phê mít trên những chiếc bạt. Ảnh: Công Điền.

Dẫu vậy, từ trong ánh mắt của bà Ơi, của Pả Tam và nhiều nông dân người đồng bào Bru Vân Kiều mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, vẫn còn đó những nỗi ưu tư, lo lắng khi mà nếu làm một phép so sánh đơn giản về hiệu quả kinh tế thì cùng một diện tích, bao giờ cây cà phê mít mang lại giá trị kinh tế thấp hơn so với cây cà phê chè catimor bởi năng suất của cây không cao và giá bán cũng thấp hơn.

Chính vì lý do này, hiện nay phần lớn các gia đình đồng bào Bru Vân Kiều chỉ lưu lại một số diện tích ít cà phê mít trong vườn, vừa lưu giữ kỷ niệm một thời vừa phòng khi giá cả thị trường lên cao thì còn giống mà phát triển.

 Ông Hồ Quốc Trung, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa cho rằng, việc đồng bào Bru Vân Kiều trên địa bàn gìn giữ và phát triển diện tích cà phê mít là rất hữu ích vì góp phần quan trọng trong việc bảo tồn sống loại cây trồng có lịch sử lâu đời ở địa phương, cũng là bảo tồn một nguồn gen quý không để mai một theo thời gian.

Theo ngành nông nghiệp huyện Hướng Hóa, tính đến nay toàn huyện có khoảng 600 ha cà phê mít, chiếm diện tích khá khiêm tốn trong tổng số khoảng 5.000 ha cà phê toàn huyện. Trước thực trạng giá cà phê xuống thấp những năm gần đây, người trồng cà phê trên địa bàn đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên huyện vẫn quyết tâm giữ vững hiện tích cà phê hiện có, đồng thời khuyến khích người dân tránh việc ồ ạt chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm