| Hotline: 0983.970.780

Người cao tuổi ở TP.HCM phấn khởi đi tiêm vacxin phòng Covid-19

Thứ Hai 09/08/2021 , 17:06 (GMT+7)

"Tôi hồi hộp lắm, nhưng tiêm xong thấy bình thường. Tôi hy vọng và tin tưởng sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh", ông Hồ Kỳ Thơ chia sẻ.

Người cao tuổi được bố trí khu vực ngồi chờ tiêm chủng riêng, đảm bảo giãn cách. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người cao tuổi được bố trí khu vực ngồi chờ tiêm chủng riêng, đảm bảo giãn cách. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo thống kê, tại TP.HCM có khoảng 7 triệu người ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đặt mục tiêu trong tháng 8 có khoảng 70% người trên 18 tuổi được tiêm vacxin phòng Covid-19. Đặc biệt, bảo vệ các đối tượng người lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua đã tăng cường, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng có bệnh nền, người trên 65 tuổi với quy trình sàng lọc, tư vấn, theo dõi sau tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng cho người tiêm và đúng quy định 5K của Bộ Y tế.

Tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) từ ngày 7/8, bắt đầu tổ chức tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho đối tượng người trên 65 tuổi có bệnh lý nền là người bệnh thuộc đối tượng HD52 có đăng ký hoặc chưa đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện. Người bệnh không thuộc đối tượng HD52 có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Thống Nhất có đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện trong 6 tháng gần nhất.

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vừa bước ra khỏi phòng tiêm chủng Bệnh viện Thống Nhất, ông Vũ Đình Lưu, sinh năm 1946, ngụ đường Lý Thường Kiệt, phường 9, quận Tân Bình chia sẻ: "Ngay khi nhận được tin nhắn từ Bệnh viện Thống Nhất đi chích vacxin phòng Covid-19, tôi rất mừng và phấn khởi, chuẩn bị tinh thần tốt nhất để đi tiêm. Tôi được tiêm vacxin của Moderna nên cảm thấy yên tâm. Hiện sức khỏe tôi bình thường, không có bất kỳ biểu hiện nào. Hy vọng nhiều người sẽ được tiêm vacxin phòng Covid-19, nhất là những người lớn tuổi như tôi".

Bà Nguyễn Thu Thảo kiểm tra thông tin sau khi tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Nguyễn Thu Thảo kiểm tra thông tin sau khi tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Nguyễn Thu Thảo, 76 tuổi, (nguyên Phó Giám đốc Nhà máy xay Huế) là một trong những người khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất từ năm 1997 đến nay. Bà cho biết, đêm qua bà khá hồi hộp khi nhận tin mình được đi tiêm vacxin phòng Covid-19, tuy nhiên vừa tiêm xong thì cảm giác này không còn mà "rất phấn khởi, yên tâm".

Ông Nguyễn Văn Liên, ngụ phường 12, quận Tân Bình. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Văn Liên, ngụ phường 12, quận Tân Bình. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Là một trong những người thuộc đối tượng HD52, ông Nguyễn Văn Liên (tiến sĩ khoa học), 78 tuổi, ngụ phường 12, quận Tân Bình cho biết, dù về hưu, phải đặt máy trợ tim, nhưng ông vẫn rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên. Tuy nhiên, cứ nhắc đến tiêm là "sợ lắm, lo lắng", thế nhưng khi được nhân viên y tế tư vấn, ông khá yên tâm.

"Tôi thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như vacxin phòng Covid-19. Hiện nay, chỉ có vacxin mới là biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, tôi cũng như mọi người mong ngóng để được tiêm. 

Khi phường thông báo đăng ký tiêm cho người trên 65 tuổi, con tôi khuyên nên tiêm ở bệnh viện vì tôi có bệnh nền để được các bác sĩ theo dõi thì tốt hơn. Đến khi nhận được tin nhắn từ Bệnh viện Thống Nhất hẹn đến tiêm thì tôi mừng lắm dù có hơi hồi hộp. Tuy nhiên, đến đây, tôi thấy cách sắp xếp, tư vấn của bệnh viện rất khoa học, hiệu quả. Tôi vừa tiêm xong, hiện không thấy biểu hiện gì khác lạ. Tôi được tư vấn về nhà theo dõi tình trạng sức khỏe, có gì bất thường thì liên hệ y tế ngay", ông Liên chia sẻ.

Nhân viên y tế hướng dẫn người nhà đưa ông Hồ Kỳ Thơ đến khu vực khám sàng lọc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhân viên y tế hướng dẫn người nhà đưa ông Hồ Kỳ Thơ đến khu vực khám sàng lọc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Hồ Kỳ Thơ, 87 tuổi, nguyên kỹ sư hóa (ngụ quận Bình Thạnh) phải điều trị căn bệnh COPD (hội chứng phổi tắc nghẽn mãn tính) nhiều năm nay cũng được hai người con đưa tới Bệnh viện Thống Nhất tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. "Tôi hồi hộp lắm. Nhưng tiêm xong thấy bình thường. Tôi hy vọng và tin tưởng sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh", ông Hồ Kỳ Thơ nói.

Ông Hồ Kỳ Thơ và con trai cùng ngồi theo dõi sau tiêm chủng.

Ông Hồ Kỳ Thơ và con trai cùng ngồi theo dõi sau tiêm chủng.

Theo bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, để chuẩn bị cho công tác tiêm chủng phòng Covid-19 được đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, ngày từ đầu, bệnh viện lập danh sách các đối tượng tiêm chủng theo khung giờ, và bố trí từng khu vực tiêm chủng, dựng lều tại khu tầm soát, đảm bảo giãn cách theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế...

Quy trình thực hiện tiêm chủng đảm bảo các bước: đối tượng tiêm chủng đến bàn đăng ký tiêm chủng đối chiếu thông tin theo lịch hẹn; thực hiện khám sàng lọc và ký giấy đồng ý tiêm chủng; thực hiện tiêm chủng tại phòng tiêm chủng; theo dõi sau tiêm 30 phút, nếu trường hợp có triệu chứng của phản ứng phản vệ sau khi tiêm thuốc sẽ được xử trí tại chỗ hoặc chuyển khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất hoặc các bệnh viện trên địa bàn tùy tình trạng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện nay TP.HCM thực hiện chiến dịch tiêm đợt 6 với nguồn vacxin phòng Covid-19 hỗ trợ của Bộ Y tế, trên nguyên tắc dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người được tiêm chủng.

Tính đến nay, TP.HCM đã tiêm được 3.311.833 liều với 3 loại vacxin phòng Covid-19 là AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Hiện công suất tiêm của TP.HCM là 200.000 – 250.000 mũi tiêm/ngày với hơn 600 điểm tiêm. Ngày 9/8, số lượng vacxin còn trong kho là 200.000 liều và TP.HCM được phân bổ thêm 600.000 liều Astra Zeneca để tiếp tục triển khai tiêm chủng. 

Theo Trung tâm Kiểm soát Hoa Kỳ (CDC), nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do nhiễm Covid-19 gia tăng theo độ tuổi, người cao tuổi có nguy cơ cao nhất.

Đối với người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ với vacxin phòng Covid-19 mRNA (Pfizer hoặc Moderna) đã giảm 94% nguy cơ nhập viện vì Covid-19 và tiêm chủng có hiệu quả 64% trong số những người đã tiêm chủng một mũi (Pfizer hoặc Moderna).

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.

Bình luận mới nhất