“Cái chết ám ảnh khiến tôi thay đổi”
Từng là cán bộ Cục thuế Thanh Hóa, sau đó ra Hà Nội làm ăn sinh sống nhưng ông Nguyễn Xuân Khải lại về quê làm trang trại. Xứ đồng Cồn Ngọc, thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ, huyện Yên Định (Thanh Hóa), nơi ông lập trại gần như hoang hóa. Ông nói, đó là những dự liệu, tính toán kinh tế hẳn hoi chứ không chỉ vì niềm đam mê mù quáng.
Khi được ông Khải đặt vấn đề thuê đất, UBND xã Xuân Thái vui mừng khôn xiết. Từ nay, Xuân Thái vừa có một nhà đầu tư tại địa phương lại vừa tránh được tiếng ruộng đồng hoang hóa bấy lâu nay. Thế nhưng, ít ai dám tin ông Khải sẽ thành công.
“Là người làm thành công mô hình bưởi hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam, tôi được nhiều trang trại mời đến hỗ trợ kỹ thuật trồng.
Tuy nhiên, điều tôi rất buồn là đa phần các chủ trang trại không đủ kiên nhẫn để làm đúng quy trình.
Thấy sâu bọ vừa xuất hiện, khi tôi vắng mặt là họ lại dùng thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó khiến tôi rất buồn”.
(Ông Nguyễn Xuân Khải)
Ban đầu, ông Khải tôn cao xứ đồng Cồn Ngọc, đào ao thả cá, trồng đủ thứ cây như gió bầu, xà cừ, dâu, ngô, sắn, mía... nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không như mong đợi.
Thấy ông Khải thất bại, người dân Xuân Thái lại có cớ để tin rằng, ở cái xứ đồng này kiếm được cơm gạo là điều không thể chứ chưa nói đến việc làm giàu.
Không nản chí, ông Khải ra Hà Hội mua 100 gốc bưởi Diễn về trồng. Do chưa có kinh nghiệm, số bưởi sống sót chỉ có 20 cây. Đến năm 2010, số bưởi Diễn còn lại cho quả đẹp, hương vị thơm ngon chẳng thua kém bưởi Diễn được trồng ở Hà Nội là bao, ông quyết tâm biến xứ đồng Cồn Ngọc thành trang trại bưởi Diễn.
Niềm tin nhân lên, ông Khải tiếp tục mua 3.000 gốc bưởi Diễn ghép đã ươm được 1 năm về trồng trên diện tích 7 ha. Bỏ ra 3 tỷ đồng để mua cây giống, mọi người đều bảo ông Khải đang đánh bạc với trời.
Càng ngày, trang trại cần số nhân công rất lớn trong khi việc thuê người khó khăn, nhất là việc phun thuốc trừ sâu. Nhưng điều khiến ông xót xa nhất là một người làm công cho mình đã chết vì bệnh ung thư.
“Thuê được người phun thuốc trừ sâu cho cây ăn quả rất khó vì cây bưởi cao, người phun đứng phía dưới sẽ rất độc hại. Bản thân mình không trực tiếp phun nhưng cũng thấy lo lắng cho sức khỏe mọi người. Khi người chú họ chuyên phun bưởi cho tôi chết vì căn bệnh ung thư lúc chưa đến 60 tuổi, ao cá không thể nuôi nổi, tôi nghĩ mình phải thay đổi” – ông Khải chia sẻ.
Nhìn đất đai ngày càng suy thoái, chai sần, chim chóc, kiến, côn trùng không còn mảy may ghé thăm vườn bưởi, ông Khải nghĩ mình phải làm một điều gì đó để cứu lấy sự sống trong trang trại của mình.
Và thế là, ông Khải chuyển sang trồng bưởi hữu cơ.
“Chăn kiến” trong trang trại bưởi hữu cơ
Năm 2017, sau khi đọc nhiều tài liệu về nông nghiệp hữu cơ, ông Khải bắt tay vào một “cuộc cách mạng”. Trước hết, ông ra tay cứu đất, dừng ngay nguy cơ suy thoái đất.
Ông Khải tâm sự: Đất tốt hay không được quyết định bởi mật độ vi sinh vật có lợi trong đất. Những vi sinh vật này sẽ là những “kiến trúc sư” giúp phân hủy xen - lu - lô trong lòng đất, đào bới đất thay cho con người. Đã 4 năm nay, nhờ những “kiến trúc sư” này, trang trại bưởi của ông chưa một lần phải đào xới.
Để tăng mật độ vi sinh vật có lợi trong đất, ông Khải sử dụng chủng vi sinh vật có lợi (chế phẩm EM) để kích hoạt, nhân khối dạng F1 tưới cho cây. Phân bón có nguồn gốc thủy sản như cá, tôm... là thức ăn cho các vi sinh vật này.
Theo ông Khải, điều này đã giúp đất trong vườn bưởi của ông ngày càng tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn và tăng độ phì nhiêu. Đó là cách tốt nhất để giải độc cho đất và hướng tới sự cân bằng.
Những “ngôi sao trong đất” hay những “kiến trúc sư” là cách ông Khải dùng để chỉ lũ giun đất. Chúng xuất hiện ngày càng nhiều và phát triển theo cấp số nhân. Lũ dế cũng xuất hiện với mật độ ngày càng cao hơn để phân hủy xen - lu - lô, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Bộ đệm sinh học trong đất dần được cải thiện, cung cấp nguồn năng lượng, giữ độ ẩm cho cây trồng.
Điều khiến ông Khải vui mừng nhất là chỉ một thời gian sau, lũ kiến vàng, kiến đen, bọ ngựa, bọ gai, nhện chăng tơ... không biết từ đâu kéo đến ngày càng nhiều. Chúng trở thành những “chiến sỹ” diệt sâu bọ, côn trùng gây hại trên cây bưởi.
Ông đúc kết: Trồng cây có múi, phiền nhất là nhện, rệp nhưng tôi đã nhờ có các “chiến sỹ” kiến vàng, kiến đen, bọ ngựa, bọ gai, nhện chăng tơ diệt chúng mà không mất một đồng chi phí nào. Việc chăm sóc vườn bưởi trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Lũ kiến có bản năng bảo vệ lãnh thổ nên đã xua đuổi, bắt các loại sâu bệnh, diệt sâu vẽ bùa theo cách đơn giản nhất, ít tốn kém nhất...
Chiều tà, khi chúng tôi chia tay chủ nhân Trang trại bưởi hữu cơ Nguyễn Xuân Organic Farmer để ra về cũng là lúc lũ chim bay về chốn ngủ.
Ông Khải, người đã kéo lũ chim về trang trại trải lòng: Làm trang trại, chiều chiều nhìn cảnh lũ chim kéo về ngủ, sáng sáng lại được nghe tiếng chim hót thì không còn gì vui bằng.
Trang trại bưởi hữu cơ "8 không"
Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ/ORGANIC Quốc gia, trang trại phải thực hiện 8 không: Không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây.
Năm 2020, Trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân Organic Farmer được cấp quyền sở hữu trí tuệ, được cấp chứng nhận hữu cơ/organic Quốc gia và dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Giữ hồn cốt bưởi Diễn ở xứ Thanh
Đưa hàng nghìn cây bưởi Diễn về trồng tại một vùng đất cách xa “quê hương”, bản xứ của nó hàng trăm kilomet, ông Khải đã được cảnh báo về chất lượng của giống bưởi quý này.
Theo ông Khải, tiểu khí hậu là yếu tố khó thay đổi nhưng với thổ nhưỡng thì có thể. Muốn thay đổi thổ nhưỡng phải có giải pháp về dinh dưỡng. Cây ăn quả lâu năm cần rất nhiều năng lượng nhưng một mình phân chuồng hoai mục thôi chưa đủ.
Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả ngon, đúng hương vị vốn có, cây bưởi Diễn cần lượng dinh dưỡng lớn, đa dạng. Nếu muốn quả bưởi Diễn thơm ngon như nơi nó sinh ra, cần phải cung cấp những chất dinh dưỡng tương tự với vùng đất làng Diễn.
Cây được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp gốc phát triển vững chắc, cành khỏe mạnh, lá to, dày. Đây là những yếu tố quyết định năng suất, chất lượng quả bưởi Diễn. Nhiều vườn bưởi Diễn quả to, đẹp nhưng không ngon là vì thiếu những thứ quan trọng nhất để bưởi Diễn cho ra chất lượng tinh túy nhất. Các yếu tố vi lượng trong phân bón hữu cơ tạo ra hương vị cho quả, thứ mà phân bón vô cơ có nhưng cây rất khó hấp thụ.
Mặc dù những cây bưởi hầu hết đều sai trĩu cành nhưng vườn bưởi của ông Khải không phải dùng vật chằng chống. Những gốc cây mới chỉ được trồng 5-7 năm nhưng hết sức vạm vỡ, cành mập mạp đủ sức nâng đỡ được những quả ngọt trên thân mình.
"Cây phát triển tốt chỉ khi gốc phát triển tốt. Cây hấp thụ canxi tốt nhất trong phân bón hữu cơ. Khi cây hấp thụ đủ canxi thì cenlulozo dạng ống phát triển sẽ tăng độ chắc chắn cho thân, cành, lá của cây. Đó là lý do vì sao vườn bưởi nhà tôi không cần chằng chống nhưng vẫn không bị gãy cành. Rễ của những cây bưởi Diễn ở đây rất lớn, đâm sâu vào lòng đất, những rễ mọc nổi cũng rất chắc chắn” – ông Khải chia sẻ kinh nghiệm.
Chủ nhân Trang trại bưởi hữu cơ Nguyễn Xuân Organic Farmer đón một cái Tết sung túc hơn. Với 3.000 gốc bưởi Diễn, ông Khải dự tính sẽ thu về 200.000 quả. Với giá bán bình quân 20 nghìn đồng/quả, năm nay ông Khải thu về trên dưới 4 tỷ đồng.
Khi chúng tôi kết thúc bài viết này, ông Khải gọi điện thông báo vừa nhận được một hợp đồng “khủng”. Trang trại bưởi hữu cơ Nguyễn Xuân Organic Farmer với thương hiệu bưởi hữu cơ Mộc Ân, thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ, huyện Yên Định được Công ty cổ phần Tập đoàn Grove ký Hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.