| Hotline: 0983.970.780

Người chế thuốc bảo vệ thực vật an toàn

Thứ Sáu 11/12/2020 , 06:45 (GMT+7)

Công thức chế các loại thuốc này không chỉ đơn giản mà còn rất rẻ tiền, đó là các loại rau củ quả bỏ đi. Mặc dù vậy, hiệu quả rất cao.

Đó là bài thuốc độc đáo từ các loại rau củ quả phế phẩm như hành, gừng, tỏi, ớt, cam chanh, sả…của ông Ngô Duy Hợp, chủ cơ sở rau sạch Bàu Trúc, phường Tân Thiện, TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Là một cán bộ Bảo vệ thực vật, ông Ngô Duy Hợp từng tiếp xúc với nhiều vườn rau trồng và chăm sóc theo kiểu tự do phun thuốc, thu hoạch bất cứ lúc nào, canh tác thiếu an toàn. Ông ấp ủ kế hoạch làm mô hình trồng rau an toàn trong nhà kính và không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.

Thuốc trừ sâu của ông Hợp không độc hại, lỡ có uống phải cũng không sao. Ảnh: Hồng Thủy.

Thuốc trừ sâu của ông Hợp không độc hại, lỡ có uống phải cũng không sao. Ảnh: Hồng Thủy.

Năm 2013, ông quyết định đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng màng lưới nhà kính trên diện tích hơn 3.000m2 để trồng rau an toàn. Đồng thời nghiên cứu chế phẩm sinh học trị sâu bệnh từ các loại rau củ quả bỏ đi như hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam.

“Đây là phương pháp sử dụng men sinh học E.M để ủ các loại hành, tỏi, ớt… thành thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cho rau do tôi học từ một người bạn. Sau đó về nghiên cứu, cải tiến thêm trong quá trình sử dụng để hiệu quả cao hơn. Bài thuốc này tôi đã sử dụng trên cây điều từ lâu, nay mới thử nghiệm trên rau.

Chế phẩm men sinh học E.M là phương pháp sản xuất theo công nghệ vi sinh lên men các vi sinh vật có ích (vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, xạ khuẩn và nấm men) sống cộng sinh trong cùng một môi trường có hiệu quả tác động như bổ sung vi sinh vật cho đất; cải thiện môi trường, diệt tác nhân gây bệnh và an toàn cho người”, ông Hợp nói.

Chế phẩm sinh học của ông Hợp san chiết ra can. Ảnh: Hồng Thủy.

Chế phẩm sinh học của ông Hợp san chiết ra can. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo ông Hợp, cách làm loại thuốc này rất đơn giản, trước hết, mua chế phẩm men sinh học E.M ngoài thị trường. Sau đó, đổ nước vào khoảng ½ thùng có nắp đậy, bỏ các loại như hành, tỏi, ớt, vỏ cam, quýt… vào thùng rồi đổ chế phẩm lên men sinh học E.M vào (tùy liều lượng người sử dụng), trộn đều, đậy nắp kín, ủ khoảng 1 tháng là có thể sử dụng được. Tùy theo mức độ sâu bệnh nhiều hay ít mà bổ sung thêm số lượng hành, ớt, tỏi… vào thùng ủ phù hợp.

“Khi pha thuốc phải lọc sạch bã, để lắng cặn, lọc lại lần 2 trước khi pha vào bình, nếu không sẽ bị tắc vòi phun. Quan trọng là liều lượng các chất ủ, ngâm phải hợp lý, lúc pha chế cũng phải đúng liều lượng, nếu không hiệu quả sẽ không cao. Đây là kinh nghiệm, làm lâu mới biết, ai cần tôi sẽ hướng dẫn tận tình”, ông Hợp cho biết.

Vườn rau sạch của ông Ngô Duy Hợp. Ảnh: Hồng Thủy.

Vườn rau sạch của ông Ngô Duy Hợp. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo ông Hợp, tỏi vốn có chất đề kháng tự nhiên cao, tỏi có thể phòng ngừa sâu bệnh và tăng cường dinh dưỡng cho đất. Khi rau đã lên xanh, ông sử dụng công thức 50cc hỗn hợp chế phẩm sinh học E.M đã được ủ lên men với các loại củ, quả hòa trong 20 lít nước, phun cho 1 sào. Nếu rau bị sâu bệnh, ông sẽ tăng số lượng các loại như hành, ớt, tỏi, sả, gừng…có tính khử trùng để diệt trừ sâu bệnh. Trung bình mỗi tuần, ông phun cho vườn rau từ 1 - 2 lần.

“Sử dụng phương pháp này không những diệt trừ sâu bệnh hại rau mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường. Vườn rau của gia đình tôi vừa hạn chế sâu bệnh gây hại, vừa giảm giá thành chi phí sản xuất và nhân công lao động”, ông Hợp nói.

Nói về phương pháp trị sâu bệnh cho rau độc đáo của ông Hợp, chị Lộc Thị Phượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thiện cho hay, hiện có một số hộ đến chỗ ông Hợp để học hỏi, làm theo. Đây là phương pháp mới, nhưng cho thấy hiệu quả và lợi ích cao, cần triển khai rộng.

“Loại thuốc trừ sâu chế từ hành, tỏi, ớt của ông Hợp khá độc đáo, nó không phải diệt côn trùng gây hại như thuốc trừ sâu thông thường, mà bằng cách tạo mùi, xua đuổi, ngăn sự lột xác và đẻ trứng, giảm khả năng sinh sản của côn trùng. Chế phẩm sinh học này không độc hại, không ảnh hưởng đến môi trường. Người dân trồng rau nên tham khảo cách làm của ông Hợp, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cho rau”, ông Trần Ngọc Kinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Phước.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất