Tiếc đất hoang hóa, giá trị sản xuất thấp, từ năm 2012, gia đình chị Lưu Thị Tuyết đã đứng lên thuê đất của người dân thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân). Diện tích này vốn được người dân trồng ngô, đỗ, giá trị kinh tế khá thấp.
Sau khi thỏa thuận, vợ chồng chị Tuyết ký hợp đồng thuê đất với người dân thời hạn mỗi đợt là 3 – 5 năm, giá khoảng 500 – 700 nghìn đồng/sào/năm. Trên diện tích này, chị Tuyết bắt đầu cho trồng cây ăn quả và các loại rau. Vài năm trở lại đây, gia đình chị tập trung sản xuất các loại rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao. Các loại rau chủ yếu vẫn trồng theo thời vụ, áp dụng theo quy chuẩn VietGAP.
Theo chị Tuyết, thời gian đầu sản xuất, khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra. Tư duy bảo thủ của người sản xuất là làm những gì mình có chứ không tạo ra những gì thị trường cần.
Chị Tuyết tâm sự, sau một vài vụ, hai vợ chồng đã nghiệm ra điều này và bắt đầu thay đổi. Do không có chuyên môn về ngành nông nghiệp, chị Tuyết cùng chồng mua sách về đọc, lân la tới các mô hình khác để học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, luôn xung phong đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do ngành nông nghiệp cũng như các công ty tổ chức.
Khi đã có kinh nghiệm, với số vốn hiện có, cộng với vay ngân hàng, gia đình chị Tuyết đã đầu tư 1 nhà lưới, 3 nhà kính để sản xuất rau. Đến nay, từ chỗ loay hoay tìm đầu ra thì giờ đây, vợ chồng chị lại tất bật lo chất lượng cũng như số lượng không đáp ứng được thị trường.
Tính trung bình, mỗi tháng, gia đình chị Tuyết cung ứng ra thị trường từ 20 – 30 tấn rau củ quả các loại. Không còn bán nhỏ lẻ, sản phẩm của trạng trại giờ đây đã được các siêu thị, cửa hàng rau sạch khó tính như hệ thống Vinmart tiếp nhận. Nhiều trường học, cơ quan trên địa bàn cũng đặt hàng dài hạn để cung ứng sản phẩm rau sạch.
Từ chỗ sản xuất đơn thuần, gia đình chị Tuyết đã tiến tới liên kết với hơn 10 hộ dân trong khu vực để làm theo đơn đặt hàng của khách. Hôm chúng tôi về thăm, chị Tuyết vừa nhập thêm một lô bí xanh và bí ngô về để sơ chế, đóng gói theo đơn hàng.
Vậy làm thế nào để kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với những hộ liên kết? Theo chị Tuyết, đây là mấu chốt của sự thành bại. Bởi hằng tháng, gia đình đều phải ký cam kết cung ứng cho các siêu thị. Nếu không đạt chất lượng, số lượng như hợp đồng sẽ phải chịu phạt, thậm chí đứt đầu ra.
“Với những hộ này, chúng tôi đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc BVTV… và yêu cầu họ sản xuất theo quy trình. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi kiểm tra giám sát thường xuyên. Không chỉ riêng chúng tôi, đội ngũ kiểm soát của siêu thị họ có quyền kiểm tra, lấy mẫu test đột xuất bất kỳ lúc nào. Điều này càng khiến các hộ dân ý thức hơn trong sản xuất”, chị Tuyết chia sẻ.
Chủ mô hình cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu sơ chế và bảo quản. Do vốn mỏng, diện tích đất hạn chế nên chưa thể xây dựng được nhà bảo quản hay kho lạnh đạt chuẩn. Việc sơ chế vẫn làm phương pháp thủ công, sau đó dùng xe tải vận chuyển cho các đối tác. Chính vì vậy, khi gặp bão, việc thu hoạch, vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng, dẫn tới chậm đơn hàng.
Bà Nguyễn Thị Minh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lý Nhân cho biết, SXNN của địa phương đang phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giá trị SXNN tăng 1.348 tỷ đồng năm 2010 lên 2.048 tỷ đồng năm 2019. Giá trị bình quân 1 ha đất canh tác tăng từ 68,8 triệu đồng/ha năm 2010 lên 110 triệu đồng/ha năm 2019.
Riêng về trồng trọt, địa bàn huyện đã hình thành 22 vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình "cánh đồng mẫu" với diện tích 260 ha sản xuất 3 vụ/năm. Hình thành 15 vùng hàng hóa tập trung với tổng diện tích 1.390 ha (sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa xuất khẩu) liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho giá trị 160 – 180 triệu đồng/ha/vụ.
Những năm qua, huyện Lý Nhân được tỉnh Hà Nam quy hoạch là vùng trọng điểm về SXNN ứng dụng công nghệ cao. Huyện này đã nhanh chóng thực hiện đề án tích tụ ruộng đất để SXNN công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị.
Đến nay, đã thực hiện 2 khu SXNN công nghệ cao với tổng diện tích 204 ha. Từ đó thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư khu nhà kính, nhà lưới sản xuất các loại rau, củ, dưa lưới, ngô giống…
Bên cạnh các doanh nghiệp mạnh, 14 mô hình tích tụ ruộng đất với diện tích 58,1 ha sản xuất ra, củ, quả… cũng được các hộ dân, HTX đứng lên thực hiện.
Các mô hình bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định, giá trị thu được khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.
Theo bà Minh, việc này từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tập trung hình thành vùng sản xuất liên kết. Nhiều sản phẩm ổi, rau, củ, quả, chuối Ngự đã được các siêu thị lớn tiếp nhận phân phối.