| Hotline: 0983.970.780

Người Churu làm rau hữu cơ

Thứ Năm 13/02/2020 , 13:15 (GMT+7)

Để bảo vệ sức khỏe và môi trường, nhóm nông dân người Churu ở thôn Ma Đanh (xã Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng) đã bắt tay sản xuất rau hữu cơ.

Mỗi tháng, Iem Goh Churu cung cấp ra thị trường 1,2-1,5 tấn nông sản.

Mỗi tháng, Iem Goh Churu cung cấp ra thị trường 1,2-1,5 tấn nông sản.

Vừa nhổ những củ cà rốt trên khu vườn xanh mượt, Chị Ma Đậm (34 tuổi) vừa thổ lộ: “Cây cứng cáp, khỏe mạnh và củ cũng thon chắc. Mình không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại nên ai đến thăm vườn cũng thích”.

Vườn rau của gia đình chị Đậm rộng 1.000m2 và được nữ nông dân chia thành nhiều luống nhỏ để trồng các loại rau củ.

Ở đây, những luống bắp cải xen hành tây, cà rốt cứ thế vươn lên, xanh mơn mởn. Dưới nền đất ẩm ướt không có thảm nylon như vườn truyền thống mà thay vào đó là những bụi cỏ, cây dại li ti.

Chị Đậm là người Churu và từng phát triển kinh tế gia đình bằng nghề trồng rau củ. Đến khoảng năm 2016, nữ nông dân nhận thấy việc áp dụng quy trình chăm sóc phụ thuộc nhiều vào phân, thuốc hóa học gây nên nhiều hệ lụy về sức khỏe lẫn môi trường nên chị quyết định tìm hướng sản xuất khác.

Để giảm sự tác động này, Ma Đậm bắt tay vào cải tạo đất và sử dụng phân chuồng để làm vườn. “Ban đầu, cây phát triển không nhanh và sản phẩm không đẹp bằng cách làm truyền thống. Sâu và bệnh dịch nhiều khiến năng suất giảm”, Ma Đậm kể lại.

Mùa vụ đầu tiên, rau của Ma Đậm làm ra có phần “xấu xí” nhưng vẫn được người dân đón nhận. Cũng kể từ đó, được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt nên chị tập trung vào cải tạo đất một cách bài bản và cùng với các phụ nữ khác trong thôn lập ra Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu. Đến nay, tổ có khoảng 14 hộ gia đình tham gia với tổng diện tích trên 15.000 m2.

Rau được tiêu thụ bởi một doanh nghiệp tại TP.HCM và các cá nhân, tổ chức khác ở Đà Lạt, TP.HCM.

Rau được tiêu thụ bởi một doanh nghiệp tại TP.HCM và các cá nhân, tổ chức khác ở Đà Lạt, TP.HCM.

Ở Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu, Ma Điểm là cô gái trẻ, năng động và đảm nhận công tác tiếp thị lẫn truyền thông. Cô từng tốt nghiệp ngành sư phạm Địa lý và có thời gian làm công nhân của Công ty Đà Lạt Hasfarm. Cuối năm 2016, Điểm rời công ty và trở về gia nhập Tổ hợp tác rau hữu cơ với “vốn” sản xuất là 200m2 vườn của gia đình.

Ma Điểm chia sẻ, thôn Ma Đanh nằm ở khu vực có khí hậu trong sạch, mát mẻ quanh năm. Ở vùng này, nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng thực hiện các trang trại chăn nuôi, trồng trọt Organic nên hình thành vùng rộng lớn lên đến cả trăm ha an toàn.

“Trong quá trình chăm sóc thì phải tuân thủ tuyệt đối về quy trình hữu cơ và phải thường xuyên lấy các mẫu đất, nước và mẫu rau đi xét nghiệm”, Ma Điểm cho hay.

Vào tháng 10/2019, Tổ hợp tác rau hữu Iem Goh Churu đã được Hệ thống Đảm bảo có sự tham gia của Caritas Đà Lạt cấp chứng nhận hữu cơ CFGS. Cũng từ đây, các sản phẩm của Iem Goh Churu sử dụng nhãn hiệu CFGS trên bao bì đóng gói.

Cũng theo Ma Điểm, các tổ viên sử dụng phân heo, phân bò trộn với vỏ cà phê, thân cây chuối và rơm rạ và ủ trong thời gian 2-3 tháng. Khi phân này hoai mục thì dùng bón ra ruộng để trồng rau.

Trường hợp cây bị sâu, bệnh thì diệt trừ bằng cách bắt thủ công hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý.

Hiện sản phẩm của Iem Goh Churu đã được thị trường đón nhận. Một lượng lớn nông sản sạch đã được một công ty đóng ở TP.HCM bao tiêu và hàng trăm mối khách hàng gồm cá nhân, tổ chức ở TP.HCM, Đà Lạt tiêu thụ.

Trung bình, mỗi tháng, Iem Goh Churu cung cấp cho thị trường từ 1,2-1,5 tấn rau các loại với giá từ 20.000-35.000 đồng/kg. Trong đó, giá cao nhất là xà lách, cà rốt với 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, rau của tổ hợp tác không bị tác động bởi giá thị trường vì khách hàng đặt tiêu thụ cố định theo chu kỳ 12 tháng.

 Rau được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên được thị trường đón nhận.

 Rau được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên được thị trường đón nhận.

Toàn bộ rau của tổ hợp tác sau khi thu hoạch sẽ được chọn lựa, vệ sinh sạch sẽ và đóng gói vào các bao giấy, thùng giấy rồi chuyển cho khách hàng. Đây là cách mà Iem Goh Churu duy trì với mục đích giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Các sản phẩm rau được tổ viên thu hoạch vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Nông sản sau đó được chuyển đến phòng sơ chế để đóng gói và đưa ra thị trường.

Chị Ma Đậm, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu cho biết việc sản xuất rau hữu cơ đang đi vào giai đoạn hoạt động ổn định, mang lại nguồn thu nhập cho tổ viên. Trước sự phát triển này, nhiều người khác trong thôn xin gia nhập và Iem Goh Churu đang hướng dẫn thực hiện các điều kiện bắt buộc. Trong năm 2020, tiếp tục mở rộng mô hình và hướng đến khuyến khích các bạn trẻ tham gia.

Ông Đinh Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra cho biết, mô hình Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu là cách làm hay, rất tiến bộ. Trong năm 2019, cán bộ nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nhiều lần về tập huấn cách sản xuất và ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong sản xuất hữu cơ cho các tổ viên của Iem Goh Churu.

“Chúng tôi đang liên hệ với Tổ hợp tác hữu cơ Iem Goh Churu để hướng đến tổ chức cho người dân tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm”, ông Hoàng thổ lộ.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất