Mỗi tháng bà Nhàn xuất chuồng một lứa gà thịt, mỗi lứa từ vài trăm đến 1000 con |
Bà Nhàn cho biết: Thời gian trước đây, cuộc sống của gia đình bà quanh năm gắn bó với cây lúa, nhưng không dư dả. Để tận dụng diện tích vườn nhà và phát triển kinh tế gia đình, bà tiếp tục mở rộng thêm mô hình chăn nuôi vịt, heo, cá… nhưng đầu ra bấp bênh. Năm 2014, bà Nhàn chuyển sang đầu tư nuôi giống gà Lương Phượng. Nhưng gà thịt mềm nên người tiêu dùng không ưa chuộng.
Năm 2015, tình cờ được được người quen giới thiệu về giống gà ta lai nòi Bến Tre, bà Nhàn lặn lội sang tận các trại nuôi gà có quy mô lớn tại huyện Ba Tri - Bến Tre để tìm hiểu, mua một vài con về làm thịt cho gia đình ăn thử. Thấy giống gà này dễ nuôi, ít bệnh, thịt dai, ngon nên bà bàn bạc với gia đình mua 500 con giống về nuôi thử nghiệm.
Ban đầu, do kinh nghiệm không nhiều, hai vợ chồng bà phải tìm tòi học hỏi từ sách, báo. Sau đó đến các trang trại chăn nuôi gà tại các tỉnh miền Tây để trực tiếp học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.
Chỉ trong vòng 4 tháng, đàn gà phát triển tốt, xuất bán với giá cao nên bà Nhàn quyết định chuyển hẳn sang nuôi giống gà này, nhập số lượng lớn con giống, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, mở rộng diện tích.
“Khi đã tích lũy được kinh nghiệm dày dặn, tôi quyết định tăng số lượng đàn và sang Bến Tre để bắt gà con giống. Trong trại thường xuyên có từ 1.000 - 2.000 con gà thịt đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, chưa kể gà mới thả vì giống gà nòi Bến Tre chất lượng cao, nguồn gốc con giống rõ ràng nên rất an tâm trong việc đầu tư vào nuôi”, bà Nhàn nói.
Theo bà Nhàn, bí quyết để thành công với giống gà nòi cần phải nắm vững kỹ thuật, trong đó vệ sinh phòng dịch là yếu tố quyết định đối với việc thành bại. Kế đến là thức ăn phải đảm bảo chất lượng, nước uống cũng phải sạch.
Đặc biệt, phải tiêm vắc xin cho đàn gà đúng theo quy định. Thường xuyên kiểm tra đàn gà để có thể nhận biết được con gà nào có dấu hiệu bệnh, yếu để cách ly, “dưỡng” lại và tiến hành trị cả đàn để tránh lây lan.
Các máng ăn và máng uống đều thường xuyên được phun thuốc khử trùng. Mỗi lần xuất chuồng phải làm vệ sinh thật kỹ, thay nền trấu mới nên chuồng trại giảm thiểu tối đa mùi hôi, thông thoáng. Tất cả chất lót nền cũ được vô bao bán cho các nhà vườn trồng cây ăn trái.
Mô hình nuôi gà nhốt chuồng, ít tốn diện tích cho thu nhập khá |
Để đàn gà khỏe mạnh, mau lớn, chuồng trại phải được thiết kế đúng quy cách. Trước tiên, phải chọn nơi cao ráo, thoáng khí, đủ ánh sáng. Nền chuồng được phủ một lớp trấu dày 10cm, trên bề mặt chuồng phải được rải kín, dùng cào sơ qua lớp mặt đệm lót.
Sau đó, rắc đều chế phẩm men Balasa lên bề mặt chất độn, tiếp tục dùng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán đều. Xung quanh chuồng phải có tấm bạc che phủ, nhất là vào ban đêm hoặc vào những ngày mưa gió, đảm bảo ấm áp vì nơi ẩm thấp, gió lạnh, gà sẽ dễ bị cảm lạnh và lây nhiễm, nhất là bệnh hô hấp và tiêu chảy. Sử dụng lưới rào xung quanh để gà không ra ngoài.
Về chế độ thức ăn, cho gà ăn thức ăn công nghiệp, ngày cho ăn 2 cữ vào buổi sáng và chiều. Vào buổi trưa bổ sung vitamin C vào nước cho gà uống. Nếu thời tiết trở lạnh, trong thức ăn của gà phải bổ sung một ít chất men để tăng sức đề kháng.
Hiện tại, mỗi tháng bà Nhàn xuất chuồng một lứa gà thịt, mỗi lứa khoảng từ vài trăm đến 1.000 con, bình quân mỗi con nặng khoảng từ 1,6 – 2kg (gà mái) và 2,2 – 2,7kg (gà trống), với giá bán dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg (thời gian nuôi khoảng 4 tháng), đem lại cho bà Nhàn thu nhập gần 20 triệu đồng. Sau mỗi lần xuất chuồng, bà lại thả thêm lứa mới, nhờ vậy mà trại gà lúc nào cũng đủ gà thương phẩm để cung cấp cho bạn hàng, thương lái.
Bà Nhàn tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng để thử nghiệm và học hỏi thêm kinh nghiệm để tự sản xuất giống, từ đó có thể tự cung cấp con giống cho bà con tại địa phương. |