| Hotline: 0983.970.780

Người dân bức xúc vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do khai thác rừng

Thứ Tư 30/06/2021 , 08:22 (GMT+7)

Đất đá trôi xuống đập Tà Noòng, chảy tràn về hệ thống nước sinh hoạt của người dân, làm nguồn nước đục ngầu, không thể sử dụng được.

Một lượng lớn đất đá, cành cây do khai thác rừng gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn của người dân bản Bù. Ảnh: CĐ.

Một lượng lớn đất đá, cành cây do khai thác rừng gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn của người dân bản Bù. Ảnh: CĐ.

Khai thác rừng gây ô nhiễm nguồn nước

Thời gian qua, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Hướng Hoá – Đakrông tiến hành khai thác rừng sản xuất tại tiểu khu NTK28 thuộc địa phận bản Bù (xã Tân Lập, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Trong quá trình khai thác rừng đơn vị này làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân bản Bù nên người dân đã phản ánh Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Hồ Văn Tùng, Trưởng bản Bù, đại diện cho cộng đồng gần 100 hộ dân bản Bù thông tin, trước đây thực hiện chủ trương giao đất cho Nhà nước để làm rừng phòng hộ với mục đích giữ nước đầu nguồn nhằm cân bằng hệ sinh thái, giảm nguy cơ lũ lụt, xói mòn đất đai. Đồng thời, rừng phòng hộ cũng góp phần đảm bảo nguồn nước tự nhiên cho bà con phục vụ sản xuất, cũng như cung cấp nguồn nước sinh hoạt (nguồn nước tự chảy) cho gần 100 hộ dân bản Bù.

Do đó, mặc dù thiếu đất sản xuất nhưng vì lợi ích chung, người dân bản Bù vẫn đồng thuận giao đất cho Nhà nước đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng nay, đơn vị chủ rừng là BQLRPH Hướng Hoá – Đakrông tiến hành khai thác khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc địa phận bản Bù, nơi có các khe suối chảy xuống đập Tà Noòng, là nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho người dân bản Bù.

Chiếc cống được đơn vị chủ rừng lắp đặt sau khi người dân phán ánh vụ việc. Ảnh: CĐ.

Chiếc cống được đơn vị chủ rừng lắp đặt sau khi người dân phán ánh vụ việc. Ảnh: CĐ.

Quá trình khai thác, xe vận chuyển ra vào khu vực khai thác và san ủi đất, bốc tách lớp thực bì làm một lượng lớn đất đá trôi xuống đập Tà Noòng, chảy tràn về hệ thống nước sinh hoạt của người dân, làm nguồn nước đục ngầu, không thể sử dụng được.

Mặt khác, quá trình khai thác một lượng lớn lá, cành cây đổ xuống khe suối, lâu dần lá cây thối rửa làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Bù. “Nước từ đập Tà Noòng là nguồn sinh hoạt chính của gần 100 hộ dân bản Bù nhưng từ khi đơn vị vào khai thác rừng không đảm bảo gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến không thể sử khiến người dân rất bức xúc”, ông Tùng cho hay.

Huyện chỉ đạo tạm dừng khai thác

Sau phản ánh của người dân bản Bù, mới đây, Huyện uỷ Hướng Hoá đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại bản Bù. Tại buổi kiểm tra, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huỷ Hướng Hoá đã yêu cầu BQLRPH Hướng Hoá – Đakrông tạm dừng việc khai thác rừng và có giải pháp để khắc phục việc ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân

Về phía chính quyền địa phương, ông Hoàng Dũng Chinh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Tân Lập, huyện Hướng Hoá cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân bản Bù, Đảng uỷ, UBND xã đã thành lập Tổ kiểm tra cùng với Kiểm lâm viên địa bàn, Trưởng bản và các trưởng, ban, ngành đoàn thể bản Bù tiến hành kiểm tra thực tế khu vực khai thác rừng trồng sản xuất.

Nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Bù bị ô nhiễm không thể sử dụng. Ảnh: CĐ.

Nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Bù bị ô nhiễm không thể sử dụng. Ảnh: CĐ.

Trước những ý kiến chính đáng của người dân bản Bù, xã Tân Lập đề nghị BQLRPH Hướng Hoá – Đakrông, là đơn vị chủ rừng cần có biện pháp khắc phục tạm thời như đặt cống tại các điểm xe vận chuyển gỗ ra vào khu vực khai thác rừng sản xuất. Đồng thời tạm dừng khai thác và tiến hành thu gom cành cây, không để tình trạng đất cát trôi xuống khe suối đầu nguồn dẫn vào hệ thống nước sinh hoạt tự chảy của người dân, tiến hành trồng mới diện tích rừng khai thác để đảm bảo độ che phủ theo quy định.

Đại diện chính quyền xã Tân Lập cũng đề nghị không tiếp tục khai thác rừng để đảm bảo nguồn nước không cạn kiệt, ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến 93 hộ dân bản Bù.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông thừa nhận việc việc khai thác rừng trồng sản xuất tại bản Bù của đơn vị đã ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Bù và sẽ có báo cáo gửi Sở NN-PTNT để xin ý kiến chỉ đạo.  

Theo ông Tuấn, việc khai thác rừng trồng tại tiểu khu NTK28 thuộc xã Tâp Lập là theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Trị, được Sở NN-PTNT và Sở Tài chính phê duyệt. “Ngay khi nhận được phản ánh của nguời dân khai thác rừng gây ô nhiễm và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện uỷ Hướng Hoá, đơn vị đã tạm dừng khai thác theo kế hoạch, kịp thời kiểm tra, tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, thông tắc cống rãnh và đã khắc phục lại nguồn nước sạch cho người dân”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân bản Bù, đến nay BQLRPH Hướng Hoá – Đakrông chỉ mới lắp đặt 2 chiếc cống một cách sơ sài ở các tuyến đường vận chuyển. Còn việc nạo vét các cành cây, bùn đất đã đổ xuống suối trong quá trình khai thác rừng đơn vị này vẫn chưa được thực hiện.

Do đó, người dân bản Bù đề nghị BQLRPHHướng Hoá – Đakrông sớm có phương án khắc phục lại nguồn nước cho người dân để đảm bảo cuộc sống.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.