Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn huyện Cần Giờ có khoảng 40 bệnh nhân suy thận mạn tính có chỉ định chạy thận nhân tạo. Do không có đơn vị chạy thận tại địa phương, tất cả người bệnh phải di chuyển về các bệnh viện trong khu vực nội đô thành phố để chạy thận nhân tạo.
Để có thể chạy thận hàng ngày, hành trình của họ vô cùng vất vả, nhất là những người bệnh tại xã đảo Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM. Mỗi lần chạy thận, trung bình người bệnh phải mất 25 giờ đồng hồ, tính cả thời gian di chuyển và lọc thận.
Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, việc lập một đơn vị chạy thận nhân tạo tại huyện Cần Giờ là vô cùng cấp thiết. Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã “xung phong” xin được triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ.
Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan chủ động phối hợp với Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khảo sát thực tế nơi sẽ triển khai kỹ thuật chạy thận, bổ sung đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho kỹ thuật chạy thận đảm bảo đúng theo quy định và tổ chức hội đồng chuyên môn thẩm định cho phép triển khai kỹ thuật chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ trong thời gian sớm nhất.
Dự kiến sẽ chính thức thực hiện kỹ thuật chạy thận vào đầu tháng 10/2023. Đồng thời, Sở Y tế sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội TP.HCM quan tâm và xem xét chi trả chi phí chạy thận cho người dân có thẻ BHYT theo đúng quy định.
Theo kế hoạch, hệ thống RO (đáp ứng tối đa được 10 máy lọc thận) cùng 5 máy lọc thận sẽ được lắp đặt và hoạt động tại Trung tâm Y tế Cần Giờ trong thời gian đầu.
Về nhân viên y tế trực tiếp thực hiện kỹ thuật lọc thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ cử luân phiên các ê-kíp bao gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng của Khoa Lọc máu đến Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ để trực tiếp thực hiện kỹ thuật chạy thận cho người bệnh.
Ngành Y tế Thành phố sẽ có thêm một đơn vị chạy thận đặt ngay tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, cũng là đơn vị chạy thận thứ 40 phục vụ cho gần 4.500 người bệnh suy thận mạn có chỉ định chạy thận trên địa bàn thành phố.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, việc triển khai lọc thận tại huyện Cần Giờ còn mang ý nghĩa quan trọng khác, đó là tín hiệu khởi động của quá trình hình thành lại bệnh viện huyện Cần Giờ của ngành Y tế Thành phố.
Việc sáp nhập bệnh viện vào Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV (bệnh viện hạng 3 phải sáp nhập vào trung tâm y tế) đã tác động không nhỏ đến sự tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật trong chăm sóc sức khoẻ của người dân đang sinh sống và làm việc tại huyện Cần Giờ, nhất là người lao động nghèo.
Hiện nay, Sở Y tế đang khẩn trương hoàn thiện và trình UBND TP.HCM đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo” hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Theo đề án này, Bệnh viện huyện Cần Giờ sẽ được tái thành lập và trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15), triển khai hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân huyện Cần Giờ, nhất là các bệnh mạn tính không lây thường gặp; phối hợp các bệnh viện Thành phố triển khai khám tầm soát chuyên khoa, phát hiện sớm bệnh cho người dân Cần Giờ.