| Hotline: 0983.970.780

Người dân có thể suy dinh dưỡng ngay tại vùng trọng điểm nông sản

Thứ Tư 09/11/2022 , 10:23 (GMT+7)

Dinh dưỡng, theo quan điểm mới của FAO, bao gồm cả chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sự đa dạng và tính sẵn có của hệ thống cung ứng lương thực.

Toàn cảnh Hội thảo Hoàn thiện chính sách và thể chế phát triển thị trường nông sản Việt Nam sáng 9/11.

Toàn cảnh Hội thảo Hoàn thiện chính sách và thể chế phát triển thị trường nông sản Việt Nam sáng 9/11.

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách và thể chế hỗ trợ thị trường như: nhóm chính sách định hướng, quy hoạch phát triển; nhóm chính sách đất đai; chính sách hỗ trợ đầu tư, tín dụng và tài chính, chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất - tiêu thụ, chính sách phát triển nguồn nhân lực...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hệ thống thể chế và chính sách hỗ trợ phát triển thị trường nông sản bộc lộ một số hạn chế.

Ông Thắng lấy ví dụ về việc, nhóm chính sách đất đai chưa tạo điều kiện để khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai; hoạt động quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, còn chồng chéo giữa Bộ, ngành; hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu nông sản chưa phát triển, khiến chi phí logistics của Việt Nam cao hơn của Thái Lan đến 12,5% và thế giới là 14%.

IPSARD hiện được Bộ NN-PTNT giao xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản giai đoạn 2022 - 2030. Viện trưởng Thắng chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn nhận nhiều sáng kiến, giải pháp mới để hoàn thiện báo cáo về chính sách và thể chế, giúp thúc đẩy phát triển thị trường nông sản Việt Nam".

PGS.TS. Đào Thế Anh trình bày tham luận về những thách thức và cơ hội với hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam.

PGS.TS. Đào Thế Anh trình bày tham luận về những thách thức và cơ hội với hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam.

Những năm vừa qua, nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều thành tựu. Trong giai đoạn 2011 - 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,9%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 4,73%/năm, tăng trưởng xuất khẩu 7,3%/năm. Việt Nam đang là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ nhì Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, đưa nông sản tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cùng với việc Việt Nam hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng việc phát triển thị trường nông sản cần quan tâm đến các quy luật kinh tế như cung - cầu, biểu giá, chi phí, cũng như thị hiếu của từng thị trường xuất khẩu.

Nhắc lại lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan về định hướng không bỏ quên thị trường trong nước, chuyển từ tăng trưởng sản lượng sang phát triển chất lượng và nâng cao giá trị, ông Thế Anh khuyến cáo, mọi người cần quan tâm hơn nữa về vấn đề dinh dưỡng. Theo lý giải của ông, dinh dưỡng bao gồm cả chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sự đa dạng và tính sẵn có của hệ thống cung ứng lương thực.

"Có một thực tế, là ngay tại những vựa xuất khẩu nông sản lớn, người dân gặp vấn đề hoặc không được đảm bảo về dinh dưỡng", lãnh đạo VAAS bày tỏ. 

Tại Việt Nam, những khu vực này được PGS.TS. Đào Thế Anh gọi là "ba Tây", gồm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (vùng ĐBSCL). Nguyên nhân được ông chỉ ra, là khả năng tiếp cận với nguồn lương thực, thực phẩm và nhận thức của người dân tương đối hạn chế.

Người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung lương thực, thực phẩm có chất lượng.

Người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung lương thực, thực phẩm có chất lượng.

Làm rõ hơn về vấn đề dinh dưỡng, PGS.TS. Đào Thế Anh cho biết, FAO quan điểm coi đây là một trong 4 yếu tố hình thành tính bền vững của phát triển nông nghiệp, bên cạnh đóng góp vào GDP, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, cũng như các yếu tố liên quan đến chính sách, xã hội.

"Theo quan điểm mới của FAO, an ninh lương thực bao hàm cả an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Do đó, ngoài vai trò của nhà nước, chúng ta cần thúc đẩy trách nhiệm của khu vực tư nhân và phát triển liên kết. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản tăng, nhưng chưa có báo cáo nào về những người nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng lợi bao nhiêu", ông nhấn mạnh.

Tại hội thảo sáng 9/11, đại diện Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2030 đạt 60-62 tỷ USD, trong đó nhóm nông sản chính khoảng 25 tỷ USD, thủy sản khoảng 15 tỷ USD, gỗ và lâm sản ngoài gỗ khoảng 20 tỷ USD.

Để phát triển bền vững thị trường nông sản, Trung tâm đề xuất đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, trước mắt là sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các đơn vị tăng cường phối hợp, xây dựng những cẩm nang, sổ tay hướng dẫn người nông dân theo kiểu "cầm tay chỉ việc", để thích ứng, hài hòa với quy định của từng thị trường xuất khẩu.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Đi tìm 'bài thuốc' chữa lành 'điểm đau' của khách hàng trong hành trình sở hữu nhà

Thị trường bất động sản đang xôn xao trước thông tin Vinhomes chuẩn bị ra mắt mô hình phân phối O2O (online to offline - trực tuyến tới trực tiếp) hoàn thiện nhất từ trước đến nay...

Bình luận mới nhất