| Hotline: 0983.970.780

Người dân mua ki ốt dự án chợ An Cư kêu cứu

Thứ Ba 09/06/2020 , 13:10 (GMT+7)

Đã 9 năm trôi qua, người dân thì vẫn chưa nhận được đất, tiền không lấy lại được. Riêng chợ xây xong bỏ phế, gây bức xúc dư luận.

Đơn khiếu nại, yêu cầu giải quyết của bà Tám gửi đến các cơ quan chức năng. Ảnh: Minh Đảm.

Đơn khiếu nại, yêu cầu giải quyết của bà Tám gửi đến các cơ quan chức năng. Ảnh: Minh Đảm.

Dân tố huyện “tiếp tay” chủ đầu tư lừa đảo?

Mới đây, bà Nguyễn Thị Bé Tám, sinh năm 1962 ở ấp An Thiện, xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã có đơn phản ánh đến với các cơ quan báo chí, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang giải quyết khẩn cấp cho bà về việc “UBND huyện Cái Bè ban hành công văn 2372, ngày 24/12/2011, tạo điều kiện cho ông Nguyễn Quốc Tiến, chủ đầu tư chợ An Cư lợi dụng tín nhiệm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà. Đồng thời, buộc ông Nguyễn Quốc Tiến phải trả tiền vốn và lãi cho bà”.

Theo đơn, ngày 24/12/2011, UBND huyện Cái Bè đã có quyết định số 2372 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng chợ An Cư thuộc địa bàn ấp An Bình, xã An Cư.

Đây là chợ đầu tư theo hình thức xã hội hoá, do ông Nguyễn Quốc Tiến sinh năm 1949 (đã mất), cư ngụ xã Mỹ Đức Đông làm chủ đầu tư, xây dựng trên phần đất khoảng 12.000 m2 do chuyển nhượng lại của các ông Nguyễn Văn Hải và ông Nam (đã mất) cũng ngụ ấp An Bình.

Thực tế ông Hải và ông Nam góp đất vào dự án, cũng là một trong các chủ đầu tư  trên thực tế.

Có quyết định này, ông Nguyễn Quốc Tiến đã làm hợp đồng chuyển nhượng các ki ốt do ông xây dựng tại dự án chợ An Cư cho một số người dân địa phương. Hợp đồng thể hiện rõ sau khi bên mua giao đủ tiền thì bên bán phải giao ki ốt và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hợp đồng chuyển nhượng của ông Nguyễn Quốc Tiến với các hộ dân. Ảnh: Minh Đảm.

Hợp đồng chuyển nhượng của ông Nguyễn Quốc Tiến với các hộ dân. Ảnh: Minh Đảm.

Phần bà Bé Tám đã mua 4 ki ốt số 1,47, 25,26 tại chợ An Cư với số tiền 800 triệu đồng. Bà Tám đã đặt cọc 300 triệu đồng. Phần tiền còn lại là 500 triệu đồng sẽ được trả vào ngày 30/01/2012.

Ông Tiến phải giao ki ốt và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Tiến. Tuy nhiên, đến hạn bà Tám yêu cầu ông Tiến thực hiện hợp đồng thì ông Tiến từ chối nhận tiền và cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Tám.

Bà Tám đã nhiều lần yêu cầu ông Tiến giải quyết hoặc là thực hiện hợp đồng với bà hoặc là phải trả tiền đặt cọc lại cho bà nhưng ông Tiến không thực hiện.

Sau đó, ông Tiến bệnh mất. Sự việc cũng được các ngành chức năng, chính quyền tỉnh Tiền Giang có ý kiến, vào cuộc làm việc nhưng vẫn còn kéo dài đến nay. Hiện trạng chợ An Cư do ông Tiến đầu tư vẫn còn bỏ trống, không đi vào hoạt động.

Nhiều hộ dân mua phải ki ốt chợ An Cư đều có phản ánh tương tự như ý kiến của bà Tám. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều hộ dân mua phải ki ốt chợ An Cư đều có phản ánh tương tự như ý kiến của bà Tám. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, không chỉ bà Tám mà nhiều hộ dân đã mua phải dự án này đều có yêu cầu chủ đầu tư phải giao ki ốt như cam kết hoặc trả tiền cho họ kèm với lãi suất ngân hàng thời gian qua.

Ngày 18/5/2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang đã có văn bản chuyển đơn của bà Tám giao Chủ tịch UBND huyện Cái Bè giải quyết theo thẩm quyền.

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã An Cư Nguyễn Văn Phương, ông này cho biết: “Vụ việc đã được Thanh tra tỉnh Tiền Giang thanh tra, kết luận sai pháp luật và ông Tiến phải trả tiền lại cho người dân. Mới đây, UBND xã cũng có mời vợ ông Tiến lên làm việc với người dân nhưng bà vợ đã không đến. Hiện xã cũng chờ ý kiến hướng dẫn từ UBND huyện”.

Chủ đầu tư nói gì?

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hải, một trong ba chủ đầu tư trên thực tế, ông cho biết: Tôi và ông Nam cùng góp đất, ông Tiến thì bỏ tiền ra xây dựng. Mọi giấy tờ thủ tục với chính quyền và người dân đều do ông Tiến một tay làm.

Trước khi xây dựng, tôi có nghe ông Tiến nói được quyền sử dụng nhà lồng, bán ki ốt. Và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân.

Nhưng sau đó, tôi nghe nói không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chỉ cho chuyển nhượng quyền kinh doanh 50 năm. Vì vậy mà không thể chuyển sang tên quyền sử dụng đất tại các lô ki ốt mà các hộ dân đã mua.

Sau khi ông Tiến mất, vụ việc có hoà giải nhưng kéo dài đến nay. Vợ ông Tiến và chúng tôi đã nhất trí chia dự án ra. Bà Tiến thì lấy tiền, tôi và người nhà ông Nam trước đó góp đất nên lấy mấy nền ra. Riêng các ki ốt ở chợ này tôi cũng được chia 6 cái. Còn tiền trước đó ông Tiến thu của người dân từ bán ki ốt thì tôi nghe đâu chi hết rồi.

Về vấn đề giải quyết cho người dân, nếu người dân nhất trí phương án chỉ nhận quyền kinh doanh không có chủ quyền đất tại các ki ốt này thì tôi sẵn sàng nghiên cứu giảm giá cho người dân.

Hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà lồng chợ An Cư cũng đã bị UBND huyện thu hồi rồi. Tôi cũng đang mong chờ ngành chức năng hướng dẫn giải quyết.

Đã 9 năm trôi qua, chợ An Cư vẫn 'cửa đóng then cài'. Ảnh: Minh Đảm. 

Đã 9 năm trôi qua, chợ An Cư vẫn "cửa đóng then cài". Ảnh: Minh Đảm. 

Việc này, bà Nguyễn Thị Bé Năm, vợ và là người đại diện hợp pháp của ông Nguyễn Quốc Tiến cho biết: “Hồi trước khi xây dựng chợ, tôi có nghe ông nhà tôi nói lãnh đạo huyện đã đồng ý miệng để chúng tôi xây xong được chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các ki ốt này. Nên chồng tôi mới bán, người dân tin tưởng mới mua. Nếu Nhà nước không đồng ý chủ trương sao chúng tôi dám làm?

Nhưng sau này, Nhà nước nói không được bán đứt nên sự việc mới như vậy. Thấy khó giải quyết tôi cũng yêu cầu phía UBND huyện nhận cái nhà lồng này đi rồi trả tiền lại cho chúng tôi để trả người dân nhưng họ nói sẽ trả 300 triệu.

Hồi đó, cái nhà lồng này chúng tôi xây dựng đã 5 tỷ rồi. Trả như vậy làm sao chúng tôi có tiền trả cho người dân. Hiện giờ tổng số tiền chúng tôi nợ người dân khoảng trên 2 tỷ thôi. Nhưng riêng cái nhà lồng này có thể bán được cả chục tỷ rồi.

Bây giờ tôi kiến nghị: Một là Nhà nước đứng ra đầu tư chợ này, trả tiền lại cho chúng tôi trả dân. Hai là, nếu Nhà nước tiếp tục giao chúng tôi làm thì phải ủng hộ chúng tôi, hỗ trợ di dời chợ cũ qua chợ mới bên đây để các tiểu thương có điều kiện mua bán để họ có thể nhận ki ốt.

Thứ ba, nếu không thì Nhà nước phải cho chúng tôi bán cái nhà lồng này đi để trả nợ cho người dân. Nếu chấp nhận phương án trả lại nhà lồng, chúng tôi sẽ bán trả vốn và lãi theo lãi suất ngân hàng người dân yêu cầu".

Riêng về phần chợ An Cư do ông Tiến làm chủ đầu tư đã được xây dựng xong nhưng vẫn chưa hoạt động, bỏ phế gây lãng phí tài nguyên xã hội. Trong khi đó, chợ An Cư cũ được các ngành chức năng nhận định xuống cấp thì vẫn hoạt động bình thường.

Đến nay đã 9 năm trôi qua, nhưng bà Tám cũng như nhiều người dân đã đặt cọc hoặc trả đủ tiền mua các ki ốt tại chợ An Cư vẫn chưa được giải quyết. Người dân mong mỏi các ngành chức năng sớm giải quyết vụ việc để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.

Về phía UBND huyện Cái Bè, một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Cái Bè cho biết: “Hiện, UBND huyện đã nhận được đơn chuyển của Ban Nội chính Tỉnh uỷ và đã giao Thanh tra huyện tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.