| Hotline: 0983.970.780

'Quặng tặc' hoành hành, người dân bức xúc

Thứ Sáu 17/01/2020 , 09:30 (GMT+7)

Thời gian gần đây, tình trạng các mỏ khai thác khoáng sản tại xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khiến họ rất bức xúc.

Người dân kêu cứu

Vì khai thác trái phép nên việc ra, vào các điểm mỏ được bảo vệ nghiêm ngặt. Bởi vậy, để tiếp cận được các điểm mỏ, chúng tôi phải nhờ người dân địa phương dẫn đường mới qua mặt được bảo vệ nơi đây.

09-45-18_2
Dù Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên khẳng định các doanh nghiệp đã dừng hoạt động nhưng việc khai thác quặng vẫn diễn ra.

Trong vai người đi rừng lấy củi, chúng tôi được người dân đưa đến các điểm mỏ. Quả đúng như người dân phản ánh, điểm mỏ vẫn hoạt động rầm rộ. Vị trí các mỏ quặng đang khai thác cách đường lớn khoảng 5- 6 km tại đầu nguồn con suối Sảo, chảy qua các xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc.

Nơi đây doanh nghiệp khai khoáng ngang nhiên chặn dòng suối làm bể lắng khiến một đoạn suối dài trên 3 km chỉ toàn bùn nhão. Tình trạng này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm xử lý.

Con suối Sảo chảy qua các xã Ngọc Minh, xã Bạch Ngọc cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính và cấp nước phục vụ sản xuất cho toàn bộ diện tích nông nghiệp của người dân nơi đây. Thế nhưng việc khai thác khoáng sản bừa bãi khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Thôn Diếc, xã Bạch Ngọc là nơi bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất do hậu quả của việc khai thác quặng. Toàn thôn có 129 hộ, 583 nhân khẩu kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cây lúa. Nhưng bây giờ dòng suối đã bị ô nhiễm bởi nước và bùn thải từ những nhà máy tuyển quặng. Mỗi khi trời mưa lớn lượng bùn thải theo dòng nước lũ tràn vào đồng ruộng, chảy vào 2 tuyến kênh khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong canh tác.

Anh Nông Văn Toàn, người dân thôn Diếc, xã Bạch Ngọc cho biết, từ nhiều năm nay dòng nước lúc nào cũng đục ngầu đầy bùn đất. Nhiều diện tích ruộng cũng bị bùn vùi lấp, khiến việc canh tác rất khó khăn. Người dân trong thôn đã phản ánh khắp nơi nhưng đến nay vẫn không có phản hồi.

Để làm rõ bản chất của vụ việc, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Lý Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh. Vị Chủ tịch này trả lời rằng, xã không đủ thẩm quyền giải quyết. Trước phản ánh của người dân, xã đã đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang cung cấp nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
 

Văn bản xin dừng, thực tế vẫn khai thác

Trước thực trạng vụ việc, chúng tôi đã việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên thì được biết, trên địa bàn huyện 18 tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản kim loại. Nhưng do khó khăn nên các doanh nghiệp đã cơ bản dừng hoạt động.

09-45-18_1
Ông Lý Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh cho rằng việc “quặng tặc” xã không đủ thẩm quyền giải quyết.
Trả lời về những hình ảnh khai thác khoáng sản tại xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc mà chúng tôi thu thập được ông Đồng cho biết, hiện nay lực lượng trên địa bàn mỏng nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Vì vậy tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các địa bàn trên, đơn vị chưa nắm được và sẽ tiến hành kiểm tra.

Riêng trên địa bàn xã Ngọc Minh có 10 đơn vị hoạt động khai khoáng, nhưng về cơ bản đều dừng hoạt động. Trong đó, 2 doanh nghiệp gần đây nhất xin dừng hoạt động là Công ty TNHH Tây Giang có thông báo số 35 tạm dừng hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản từ ngày 20/4/2019 và Công ty TNHH Ban Mai đã xin đóng cửa 1 phần khu vực khai thác khoáng sản mỏ Mangan Tân Bình, xã Ngọc Minh, đã thông qua tại Biên bản số 12 ngày 21/10/2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang lập.

Như vậy, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc đã về cơ bản dừng lại. Nhưng tại sao các điểm mỏ vẫn thi công rầm rộ. Việc xả thải bùn đất vô tư mà không qua xử lý đã ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như việc canh tác của người dân.

Vậy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị của tỉnh Hà Giang ở đâu? Tại sao dân đã bức xúc phản ánh nhưng các cơ quan chức năng vẫn không biết, hay biết nhưng cố tình làm ngơ? Liệu có ai chống lưng để “quặng tặc” hoành hành hay không?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đang chết.

Theo văn bản các doanh nghiệp khai thác trên địa bàn xã Ngọc Minh đã dừng hoạt động, tuy nhiên nếu doanh nghiệp vẫn khai thác thì đơn vị không thể quản lý hết được.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.